Đó là câu hỏi mà nhiều chuyên gia môi trường đặt ra khi ý tưởng xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng (Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình) được hình thành. Làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường đang là bài toán cần lời giải thật thỏa đáng.
Nằm sâu trong vùng hẻo lánh bậc nhất Việt Nam, hang Sơn Đoòng được các nhà khoa học phát biểu trên tạp chí lừng danh National Geographic là “không có ở bất cứ đâu trên hành tinh này”.
Hang Sơn Đoòng có chiều dài đạt trên 8.000m, chỗ cao nhất đạt tới 195m và rộng 150m. Có thể hình dung hang Sơn Đoòng chứa được những tòa nhà 60 đến 70 tầng. Trong quá trình nghiên cứu địa chất, các nhà khoa học đã tìm thấy trong hang cả một khu rừng nhiệt đới ở dưới đáy hố sụp thứ 2 của hang có trên 200 giống loài sinh vật sinh sống. Bên cạnh đó là hệ thống thạch nhũ ngọc động, karst, phi-tô karst, bio-karst…
“Đây là những thứ rất cần được bảo vệ vì tính mỏng manh, rất dễ bị phá hủy bởi cả thiên tai lẫn con người”, PGS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội khẳng định.
Sơn Đoòng là địa điểm lý thú của những nhà khoa học và các nhà thám hiểm. Người ta đến Sơn Đoòng để trải nghiệm sự khám phá thiên nhiên trong trạng thái hoang sơ, tự nhiên thuần khiết. Sức hút của Sơn Đoòng nằm ở chính sự cheo leo, biệt lập với thế giới hiện đại.
Sơn Đoòng – viên ngọc quý của Việt Nam và thế giới
Bởi thế, tour chinh phục hang động này cho du khách trên toàn cầu có giá tới 3.000 USD/khách mà luôn gây sốt. Dù đã đặt chỗ trước nhưng năm 2015 chỉ có 500 khách có cơ hội đến chiêm ngưỡng Sơn Đoòng.
Tour du lịch này được thử nghiệm từ đầu năm 2014. Trong thời gian thử nghiệm gần một năm qua, Quảng Bình đã thu ngân sách 15 tỷ đồng, bằng gần 10% tổng thu ngân sách của tỉnh. 40 người dân địa phương phục vụ tour du lịch này có mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Quả là một tour du lịch có giá trị kinh tế cao.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, tour du lịch này còn có thể gìn giữ vùng hang động một cách nguyên vẹn, ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của con người. Bởi mỗi tour, chỉ có 6 người được thám hiểm và một năm chỉ đón nhiều nhất vài trăm người. Toàn bộ quá trình thám hiểm, du khách phải đi bộ cùng sự dẫn đường của hướng dẫn viên và người dân địa phương.
Chính bởi hoạt động du lịch ở Sơn Đoòng dù diễn ra âm thầm lặng lẽ nhưng hiệu quả lại rất cao nên khi thông tin về việc ý tưởng xây dựng cáp treo đến Sơn Đoòng được UBND tỉnh Quảng Bình công bố, rất nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại.
GS.TSKH Vũ Quang Côn – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng: “Dẫu tỉnh và nhà đầu tư cam kết có phương án xây dựng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhưng khó mà đảm bảo được.
Bởi, khi làm đường vận chuyển vật liệu để xây dựng sẽ chia cắt và tác động đến tất cả các quần thể động thực vật. Sau khi xây dựng, điểm du lịch đón một ngày cả ngàn lượt khách, sẽ rất khó quản lý. Rồi ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra, xô dạt động vật quý hiếm, ảnh hưởng đến sinh vật trong hang”.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ở tụ điểm mà cáp treo dự kiến đi vào có quần thể măng đá mọc từ dưới lên vô cùng quý hiếm. Do vậy, cần phải khai thác từng bước, vì nếu cứ khai thác những nơi đẹp nhất, dễ nhất thì chỉ 10 năm nữa sẽ không còn gì để khai khác.
Xét về hiệu quả kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đưa cáp treo vào cửa sau của hang Sơn Đoòng là không hiệu quả, bởi lẽ, đó là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, hơn nữa, du khách sẽ thất vọng vì không có gì thăm quan nếu chỉ đi vào cửa hang 200m. Như vậy đồng nghĩa với đầu tư lớn mà không đem lại hiệu quả.
Để phát triển du lịch ở VQG Phong Nha –Kẻ Bàng, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, hiện du lịch ở Quảng Bình cần đầu tư rất nhiều, như hệ thống thuyền du lịch, chỗ ăn nghỉ, vệ sinh.
Theo PGS.TS Tạ Hòa Phương, trong Phong Nha – Kẻ Bàng còn có nhiều khu vực sinh thái rất đẹp, nằm ở vùng đệm, phù hợp với phát triển du lịch đại trà. Nếu làm cáp treo, tỉnh Quảng Bình nên tìm một tuyến cáp treo khác ở vùng không ảnh hưởng đến Sơn Đoòng – vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Phương gợi ý có thể phát triển du lịch đại trà ở Hang Vòm dài 35km. Thêm vào đó, khi làm cáp treo, cần thực hiện đánh giá tác động môi trường cẩn thận, từ đó đưa ra các cảnh báo về rủi ro, đặt ra tất cả các vấn đề liên quan đến dự án để các doanh nghiệp cân nhắc, có ý thức hơn về trách nhiệm xã hội.
Theo Tống Minh (Tainguyenmoitruong.com.vn)