Thực trạng phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tại Ninh Bình
Công tác quy hoạch các điểm đến du lịch
Trong những năm qua, Ninh Bình rất quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch. Tỉnh đã tham mưu cho các cơ quan trung ương cũng như trực tiếp ban hành nhiều văn bản về phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh đến bảo vệ tài nguyên môi trường. Một số những chủ trương, quan điểm, phương hướng tiêu biểu trong quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là: “Phát triển du lịch Ninh Bình cần quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư; đảm bảo cho cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch”.
Tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Trên nguyên tắc: “phát huy giá trị di sản phải kết hợp với bảo vệ tài nguyên môi trường cảnh quan. Quy định rõ về chất thải, nước thải, kiểm soát xử lý và các hành vi bị nghiêm cấm...”.
Bên cạnh đó, Ninh Bình đã và đang đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp các điểm du lịch như: đường giao thông, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, tạo cảnh quan...
Hoạt động quản lý điểm đến gắn với bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước
An ninh trật tự được đảm bảo; ban quản lý các điểm du lịch được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo và duy trì an ninh; hiện tượng bán hàng rong, trộm cắp, ăn xin, môi giới…được hạn chế tối đa.
Công tác quản lý tài nguyên và môi trường du lịch được thực hiện ở các khu, điểm du lịch. Ban Quản lý các điểm du lịch tiến hành kiểm tra giám sát các hoạt động liên quan bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ rừng đặc dụng; ngăn chặn việc săn, bắt các loài chim, động vật hoang dã…
Hoạt động kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp du lịch
Ninh Bình có tốc độ phát triển du lịch cao, hàng năm thu hút được lượng khách du lịch lớn. Tuy nhiên các chương trình du lịch của các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức chủ yếu là các chương trình tham quan, nghỉ dưỡng, chiêm bái đơn thuần. Hoạt động bảo vệ môi trường được lồng qua những lời giới thiệu thuyết minh của hướng dẫn viên như: giới thiệu về các giá trị của điểm đến, thông báo các quy định tại điểm như không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, sử dụng các dịch vụ du lịch thân thiện, không chèo kéo khách du lịch…
Các cơ sở kinh doanh lưu trú tham dự các buổi tuyên truyền, giáo dục môi trường; hưởng ứng phong trào giờ trái đất; xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo vê sinh môi trường, góp phần làm gia tăng giá trị tài nguyên du lịch và sự phát triển bền vững; có xu hướng sử dụng năng lượng sạch, tái tạo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; báo cáo định kỳ về kết quả bảo vệ môi trường đối với các cơ quan có thẩm quyền; có xu hướng ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khu du lịch nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở lưu trú chưa mang tính chủ động, chủ yếu tập trung vào hiệu quả kinh doanh, chưa chú trọng đến việc kiểm soát nguồn năng lượng, xử lý rác thải, đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường của lao động tại các cơ sở này còn chưa cao.
Hoạt động bảo vệ môi trường của khách du lịch
Đặc điểm nổi bật của du lịch Ninh Bình là tính mùa vụ, tập trung từ tháng một đến tháng ba âm lịch hàng năm. Lượng khách đến các khu du lịch Tràng An, Bái Đính, Cố đô Hoa Lư tăng đột biến gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức bảo vệ môi trường của du khách cũng ngày càng nâng cao, hiện tượng xả rác bừa bãi đã có nhiều biến chuyển theo hướng tích cực so với những năm trước. Khách du lịch dần nói không với các sản phẩm có nguồn gốc từ các loại động vật quý hiếm, có ý thức hơn trong việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, không tiếp tay cho tình trạng chèo kéo, ăn xin tại các điểm du lịch…
Những hành động nhỏ nhưng thiết thực của du khách góp phần chung tay bảo vệ môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh an toàn. Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hôi cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt chú ý đến đối tượng khách là các em học sinh, sinh viên – những thế hệ trẻ của đất nước.
Hoạt động du lịch gắn với bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương
Cộng đồng dân cư địa phương là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển du lịch. Họ có thể tham gia khai thác du lịch và được hưởng những lợi ích nhất định, làm thay đổi cuộc sống.
Tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường du lịch. Người dân được tuyên truyền và tập huấn làm du lịch cộng đồng, du lịch bền vững hàng quý, hàng năm tại các khu điểm du lịch. Họ được đào tạo một số kỹ năng phục vụ khách du lịch cùng với việc hạn chế xả thải làm tổn hại môi trường.
Thu dọn rong rêu tại khu du lịch sinh thái Tràng An
Người dân ở những khu, điểm du lịch đã có những hoạt động trong việc bảo vệ môi trường như: thường xuyên quét dọn vệ sinh, thu nhặt rác, làm đẹp cảnh quan. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng môi trường du lịch sinh thái ở một số nơi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng.
Thông tin và truyền thông trong vấn đề bảo vệ môi trường du lịch
Du lịch Ninh Bình đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể trong những năm qua. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời là một tỉnh trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Vì thế, hoạt động thông tin, truyền thông được thực hiện đồng bộ và rộng rãi ở các cấp, các ngành và hướng tới mọi đối tượng người dân.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông được thể hiện thông qua các chương trình truyền hình giới thiệu về giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử của các di tích, thắng cảnh tại Ninh Bình. Từ đó, không những làm tăng niềm tự hào mà còn tuyên truyền tới mỗi người dân thông điệp giữ gìn và bảo vệ di sản.
Thông tin, truyền thông về bảo vệ môi trường du lịch cũng được thể hiện thông qua các biển quảng cáo, băng rôn, khẩu hiệu trên các đường phố, tại các khu, điểm du lịch.
Hoạt động thông tin truyền thông về bảo vệ môi trường du lịch được thực hiện một cách đa dạng, sinh động thông qua các cuộc thi, tìm hiểu về môi trường hay những chiến dịch hành động vì môi trường do Tỉnh đoàn và Sở Tài nguyên Môi trường phát động.
Một số giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tại Ninh Bình
Về quản lý nhà nước trong phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của Sở về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển các khu du lịch đảm bảo tính khoa học, tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với việc tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức ký kết phối hợp đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp du lịch theo hướng bảo vệ môi trường
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường. Đội ngũ nhân viên cần được tập huấn những kiến thức và kinh nghiệm về việc kinh doanh du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Các công ty lữ hành cần hướng tới các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, các chương trình du lịch cộng đồng khai thác thế mạnh của Ninh Bình: du lịch đồng quê, du lịch sinh thái…; cảnh báo những hoạt động gây tổn hại tới môi trường cho khách du lịch thông qua các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên cần tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện những hành vi đẹp, bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch như: bỏ rác đúng nơi quy định, sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường, không mua sắm những đồ dùng, sản phẩm làm từ những vật liệu cấm.
Đối với các nhà hàng, khách sạn cũng cần sử dụng công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường đặc biệt là các homestay gần khu, điểm du lịch. Việc xây dựng những cơ sở lưu trú cần tuân thủ đúng quy định, không phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh.
Những doanh nghiệp kinh doanh du lịch vừa là chủ thể hoạt động kinh doanh nhưng cũng có thể đầu tư, hỗ trợ cho các dự án bảo vệ môi trường du lịch. Việc xã hội hóa các dự án khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch là rất cần thiết tại tỉnh Ninh Bình.
Về giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong du lịch
Cộng đồng địa phương cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị của môi trường tự nhiên và xã hội. Bên cạnh việc nhận thức, họ sẽ tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên. Cộng đồng địa phương cần phải tuân thủ những quy định, đường lối của nhà nước và địa phương trong phát triển du lịch, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Giải pháp khác
Ngoài những giải pháp trên đây, để phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tại Ninh Bình cần kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa cho các dự án quy hoạch gắn với phát triển bền vững như: bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như những giá trị văn hóa đặc sắc. Nguồn kinh phí cho bảo vệ môi trường cần được mở rộng từ việc kết hợp ngân sách nhà nước cũng như đóng góp của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần ưu tiên những doanh nghiệp có những hành động và chính sách khai thác hoạt động du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Những doanh nghiệp này cần được nêu gương và nhân rộng bằng việc truyền bá những kinh nghiệm, sáng kiến với các đơn vị khác trong tỉnh.
Phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là mục tiêu của ngành du lịch Ninh Bình. Số lượng khách, doanh thu và đóng góp của hoạt động du lịch vào ngân sách của tỉnh đã tăng lên nhanh chóng trong những năm qua. Tuy nhiên, sự bùng nổ của du lịch tại địa phương đã kéo theo những tác động nhất định tới môi trường. Nếu việc phát triển du lịch không được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ gây những tổn hại tới môi trường tự nhiên và xã hội. Trong thời gian tới, ngành Du lịch Ninh Bình cần được quan tâm hơn nữa để có chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường một cách bền vững.
ThS. Ngô Thị Huệ; ThS. Vũ Thị Hường; ThS. Lê Thị Hiệu