Quyết định số 933/QĐ-TTg nêu rõ quan điểm lập quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được những tồn tại, bất cập, bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng vùng, từng địa phương.
Đồng thời, phải phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ, phát huy các giá trị tự nhiên sẵn có trong khai thác, phát triển du lịch.
Ngoài ra, phát triển du lịch phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp; Sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng; Bảo đảm tính liên kết với khu vực và thế giới, giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng trong cả nước; Khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; Phát huy tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng và nhu cầu thị trường.
Để phát triển du lịch xanh, bền vững, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa phát huy và bảo vệ các giá trị môi trường, Quyết định số 933 quy định rõ, nội dung quy hoạch du lịch quốc gia giai đoạn 2021-2030 phải phân tích, đánh giá chính xác về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa.
Bên cạnh đó, phải phân tích, đánh giá sự liên kết giữa phát triển du lịch với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng môi trường, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng thông tin truyền thông quốc gia.
Đồng thời là dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống du lịch quốc gia trong thời kỳ quy hoạch. Trong đó, phải xác định yêu cầu về dự báo các rủi ro, nguy cơ và tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đối với phát triển du lịch trong thời kỳ quy hoạch.
Năm 2020, bất chấp những tê liệt trong hoạt động vì “bão Covid-19”, du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng loạt giải thưởng quốc tế uy tín và có mặt thường xuyên trên các tạp chí lữ hành uy tín của thế giới. Trong đó có giải Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này. Ngoài ra, ở khu vực châu Á, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là Điểm đến Văn hóa, Điểm đến Di sản và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, cùng với danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á. |
Không những thế, khi lập quy hoạch phát triển du lịch, cần định hướng bố trí sử dụng đất, diện tích mặt nước (ao, hồ, sông, biển) cho phát triển hệ thống du lịch và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến phát triển hệ thống du lịch.
Đặc biệt, một nội dung quan trong cần được thể hiện trong quy hoạch du lịch năm 2021-2030 đó là báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch, báo cáo này nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.....
Phạm Oanh