quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản tại Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông

Thứ Tư, 15/03/2017 | 05:48:00 AM

Với diện tích được đề cử khoảng 2.000 km2, Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô không chỉ được xem là di sản địa chất liên quan tới hoạt động núi lửa, đa dạng sinh học, mà còn chứa đựng một kho tàng di sản văn hóa, địa văn hóa độc đáo có giá trị cao. Đây là những dữ liệu quan trọng góp phần hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu trong tương lai.

 

Thác Gia Long là một trong những thắng cảnh thuộc Công viên địa chất núi lửa Krông Nô. Ảnh: Ngọc Trí
 
Từ di sản địa văn hóa
 
Tại Hội thảo Đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô tỉnh Đắk Nông” do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tổ chức tại tỉnh Đắk Nông mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng: Kết quả phân tích các mẫu bào tử phấn hoa lấy từ hố kiểm tra di tích thôn 8 A, xã Đắk Wil (Chư Jút) năm 2015 của Viện Khoa học xã hội khu vực Tây Nguyên cho thấy, càng lên gần bề mặt thì số lượng và thành phần thực vật càng giảm.
 
Ngoài di tích thôn 8A, trong khuôn viên CVĐC núi lửa Krông Nô, các nhà khảo cổ học còn phát hiện thêm 10 địa điểm khảo cổ tiền sử ngoài trời, đó là Trung Sơn, Thác Lào, Suối Tre, thôn 6, thôn 7 và thôn 8 (Chư Jút); Cánh Nam, Nam Xuân (Krông Nô); Đắk Tơn (Đắk Song); Đắk R’la, Đắk Lao (Đắk Mil)… Tất cả đều có điều kiện tự nhiên thích hợp, đáp ứng điều kiện sinh sống và sinh hoạt của con người thời tiền sử.
 
 Các hang động khu vực núi lửa Krông Nô có cửa hang chia làm 2 loại: cửa hang nguyên sinh và cửa hang thứ sinh. Hầu hết các cửa hang được phát hiện đều là cửa hang thứ sinh, được tạo nên do sự sập lở hoặc những nơi xung yếu của tường/vách hang. Đó là các hang có vòm cửa khá cao, đủ rộng để ánh sáng có thể chiếu sâu vào lòng hang, thuận lợi cho các hoạt động của con người. Các hang động này đều phân bố gần các nhánh suối đổ ra sông Sêrêpốk - nơi có nguồn nguyên liệu đá để chế tác công cụ và nguồn thủy sản dồi dào cung cấp thực phẩm, nhất là nguồn nước sinh hoạt cho con người.
 
Các di vật được tìm thấy trong hang động núi lửa Krông Nô gồm các công cụ đá được ghè đẽo, hòn ghè, chày nghiền, hòn kê, bàn mài… Đây là những công cụ thường gặp trong các di tích trung kỳ đá mới, cách nay khoảng 6.000 năm. Mức muộn đã có rìu tứ giác mài toàn thân, công cụ mũi nhọn hình xương, mũi tên có ngạnh bằng kim loại, đặc biệt là xuất hiện gốm đất nung. Đây là những di vật thường gặp trong các di tích hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí, cách nay khoảng 4.000-3.000 năm.
 
Như vậy, có thể thấy, các cư dân thời tiền sử khu vực CVĐC núi lửa Krông Nô chính là những người đầu tiên đã sáng tạo ra các di sản địa văn hóa vật thể có tuổi cổ xưa nhất, đó chính là những công cụ đá. Họ đã biết khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để cư trú, sinh sống, phát triển, sử dụng các vật liệu cứng hơn như opal, đá quartzit… để cắt gọt và chế tác các công cụ khác.
 
Đến đàn đá Đắk Kar
 
Đàn đá Đắk Kar được phát hiện tại suối Đắk Kar, bon Bu Bir, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) là một hiện vật độc đáo của người tiền sử, được làm bằng đá sừng cordierite - một sản phẩm của biến chất tiếp xúc nhiệt giữa đá magma xâm nhập và đá trầm tích lục nguyên. Đây là một biệt tài của cư dân thời tiền sử, bởi họ không chỉ biết lựa chọn đá để làm công cụ lao động mà còn biết chọn lọc những loại đá đặc biệt để làm đàn đá sao cho khi đánh mang lại âm thanh phấn chấn, dễ chịu, làm phong phú tinh thần của con người từ thuở sơ khai của lịch sử loài người.
 
Thang âm của đàn đá Đắk Kar tương ứng với thang âm của cồng chiêng Tây Nguyên. Điều đó chứng tỏ trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cư dân bản địa Tây Nguyên đã chuyển sang nhạc cụ đồng thau, nhưng vẫn giữ được hồn cốt âm thanh đàn đá từ thời tiền sử.
 
 Năm 2014, đàn đá Đắk Sơn được phát hiện tại thôn Đắk Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil) cũng được đưa vào nghiên cứu, thẩm định. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bộ đàn đá Đắk Sơn được người cổ đại chế tác vào thời kỳ tiền sử, với niên đại nằm trong khung thời gian 3500- 3000 năm cách ngày nay; được chế tác theo lối thủ công, kỹ thuật ghè đẽo ở thời kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, giống với loại hình đàn đá được phát hiện ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu…
 
Và kho tàng văn hóa dân gian
 
Do địa bàn cư trú rộng lớn nên cư dân Tây Nguyên nói chung và cư dân khu vực Krông Nô nói riêng đã sáng tạo nên những bộ sử thi có giá trị và được hình thành trên cơ sở xã hội nguyên thủy, mang tính cộng đồng cao. Sử thi M’nông là hình thức hát kể kéo dài, tạo nên hàng nghìn câu có vần điệu, về những câu chuyện xa xưa, về những người anh hùng, những nhân vật lý tưởng, những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, kiến thức dân gian, về điều kiện tự nhiên và quan hệ ứng xử để thích nghi giữa con người và thiên nhiên như kinh nghiệm sản xuất, săn bắn, hái lượm…
 
Do vậy, sử thi M’nông chính là kho tàng di sản địa văn hóa vô cùng quý giá cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể, chính là môi trường nuôi dưỡng văn hóa tộc người ở khu vực này.
 
Theo các nhà nghiên cứu thì CVĐC núi lửa Krông Nô trải dài khoảng 2.000 km2, gồm diện tích các huyện Krông Nô, Chư Jút, Đắk Mil và một số xã lân cận thuộc các huyện Đắk Song, Đắk Glong. Chính giá trị của nhóm các di sản phi địa chất sẽ bổ sung hoàn thiện cho các di sản địa chất, góp phần nâng cao giá trị tổng thể của CVĐC. Đây chính là điểm nhấn quan trọng, là tài nguyên có trữ lượng vô hạn và là công cụ mạnh có thể khai thác để phát triển du lịch CVĐC.
 
Muốn đạt được mục đích này, việc xây dựng CVĐC cần bảo tồn và sử dụng cả hai kho tàng kiến thức: Dùng “kiến thức khoa học” đúng đắn, chính xác để giải mã “kiến thức bản địa” và ngược lại. Đó là cách làm duy nhất để bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng thành công CVĐC núi lửa Krông Nô

(Báo Đắk Nông)

Lượt xem: 1792

Các tin khác

Đà Nẵng: Khi khách "Tây" dọn rác

(23/04/2024 06:07:AM)

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE