MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH
Phát huy “kho báu” Vườn Quốc gia Phước Bình gắn với phát triển du lịch sinh thái
Thứ Hai, 24/07/2023 | 07:13:00 AM
Vườn Quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) có tổng diện tích khoảng 25.000 ha, là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Song song với nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu đa dạng sinh học, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái tại Vườn để thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Ảnh: TTXVN
* Tài nguyên đa dạng, phong phú
Vườn Quốc gia Phước Bình nằm ở sườn Đông của cao nguyên Đà Lạt, trải dài từ độ cao 300m đến 2.000m so với mặt nước biển nên có khí hậu mát mẻ quanh năm, được mệnh danh là “Đà Lạt 2”. Nơi đây có các giá trị đa dạng sinh học cao về cảnh quan thiên nhiên với 6 kiểu thảm thực vật chính và 8 kiểu phụ. Theo đánh giá của các nhà khoa học, số lượng kiểu thảm thực vật của Vườn Quốc gia Phước Bình đa dạng vào bậc nhất so với các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, khảo sát mới nhất cho thấy, Vườn hiện có 1.338 loài thực vật; trong đó có 172 loài quý hiếm, 60 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN. Hệ động vật của Vườn đa dạng với 347 loài; trong đó có 110 loài quý hiếm, 64 loài được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam, 50 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN.
Đặc biệt, nơi đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm gồm: Vượn má hung, Chà vá chân đen, Cầy vằn bắc và Mang lớn. Vườn Quốc gia Phước Bình còn được công nhận là một trong 63 vùng chim, nơi có số lượng Bò tót và Nai nhiều nhất so với các vườn quốc gia, các khu bảo tồn trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam hiện nay.
Theo đại diện Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng - Vườn Quốc gia Phước Bình, với tài nguyên, cảnh quan đa dạng, độc đáo, Ban Quản lý Vườn đã và đang đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch, tour, tuyến hấp dẫn như: Tham quan, khám phá vườn thực vật, đập Gia Nhông, thác Đuôi Rồng, thác Đá Bàn, thác Ba Tầng; tham quan rừng nguyên sinh, chèo thuyền trên suối ngắm cảnh; đi bộ trong rừng quan sát một số loài linh trưởng, bướm và tìm hiểu nhiều cây thuốc, lan rừng quý hiếm; tham quan trang trại bò tót lai lớn nhất Việt Nam; tham gia tour “săn mây” chụp ảnh từ sáng sớm ở Phước Bình chìm trong màn sương huyền ảo.
Trên hành trình khám phá Phước Bình, du khách không bỏ lỡ cơ hội tham quan trận địa “bẫy đá Pi năng Tắc” đã đi vào lịch sử; tham quan làng văn hóa Raglai tìm hiểu văn hóa cồng chiêng, đàn Chapi, nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của đồng bào Raglai, Churu; thưởng thức ẩm thực bản địa với cơm lam, lợn đen nướng ống tre, mướp đắng rừng, măng rừng, gà nướng, rượu chuối hột “Chivas Phước Bình” nổi tiếng. Sau khi tham quan, du khách có thể nghỉ dưỡng ngay tại cơ sở lưu trú của Vườn Quốc gia hoặc có thể qua đêm tại nhà sàn của đồng bào, tìm hiểu các hoạt động sản xuất, đời sống của người dân.
* Gắn bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái
Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cùng với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực từ Trung ương, địa phương đầu tư nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình theo hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên việc khai thác các điều kiện tự nhiên và nhân văn để góp phần vào bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương.
Vườn Quốc gia Phước Bình được đánh giá là một trong những điểm có nhiều tiềm năng về cảnh quan, môi trường để khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Để đưa nơi đây thành điểm đến hấp dẫn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định 460/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc gia Phước Bình giai đoạn 2020 - 2030. Đề án tập trung huy động các nguồn lực phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm, văn hóa bản địa với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 998 tỷ đồng.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, tập đoàn, công ty du lịch tổ chức các đợt khảo sát các khu vực cho thuê môi trường rừng, các tuyến, điểm du lịch sinh thái để lập dự án kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm thực hiện đạt các mục tiêu đề ra của Đề án và phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững Vườn Quốc gia Phước Bình đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, đơn vị đang tập trung triển khai Đề án Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, các loài động vật, thực vật bản địa, quý hiếm. Cùng với đó, Ban Quản lý Vườn phối hợp với địa phương xây dựng các chương trình hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, không ngừng cải thiện đời sống cho người dân vùng đệm để giảm áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên.
Theo định hướng phát triển, Vườn Quốc gia Phước Bình tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên; trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tập quán canh tác nông nghiệp của đồng bào Raglai; du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử trận địa bẫy đá Pi năng Tắc; du lịch trải nghiệm tham quan trang trại bò tót lai; du lịch giải trí thể thao; du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng với hệ thống phòng nghỉ liên kết và biệt lập mang kiến trúc truyền thống địa phương kết hợp với hiện đại.
Bên cạnh đó, Vườn phát triển các sản phẩm du lịch tĩnh dưỡng, chữa bệnh bằng các loài thảo dược tự nhiên, thiền, yoga; du lịch thực nghiệm hiện trường, nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo. Ban Quản lý Vườn còn phát triển các tuyến, điểm du lịch sinh thái và các điểm cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc phát triển tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình, trong thời gian tới, Vườn tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của đơn vị, cộng đồng dân cư trong lâm phần; đẩy mạnh liên kết với trung tâm xúc tiến du lịch, đoàn lữ hành, công ty du lịch, các đơn vị có loại hình dịch vụ lịch để kết nối hình thành các tour du lịch đến Vườn để khai thác các tiềm năng của các đơn vị, địa phương.
Với tiềm năng, lợi thế cùng các chủ trương, chính sách hợp lý, Vườn Quốc gia Phước Bình sẽ là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách, Qua đó, tạo sinh kế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần đưa du lịch Ninh Thuận sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nguyễn Thành
(www.tinmoitruong.com)
Lượt xem: 1407
Các tin khác
Sơn La: phát triển du lịch xanh và bền vững (21/01/2025 04:59:PM)
Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z (16/01/2025 09:15:AM)
Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don (15/01/2025 08:42:AM)
Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh (13/01/2025 08:54:AM)
Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng (11/01/2025 07:47:AM)
Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa (07/01/2025 09:13:AM)
Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững (05/01/2025 07:25:PM)
eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá (03/01/2025 07:58:AM)
Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang) (30/12/2024 06:18:AM)