Đây là cuốn sách đầu tiên về An ninh môi trường xuất hiện tại Việt Nam và là ấn phẩm có giá trị thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6).
PGS, TS Phạm Bình Quyền - Tổng thư ký VACNE cho biết: Mục tiêu của cuốn sách là cung cấp cho người đọc những khái niệm mới và kiến thức hữu ích về vấn đề sống còn của môi trường trong sự phát triển bền vững; đồng thời cũng là một tài liệu quý cho các nhà quản lý, cán bộ khoa học và sinh viên đang quan tâm nghiên cứu về lĩnh vực an ninh môi trường và phát triển bền vững.
Các nghiên cứu chính thức về An ninh môi trường đã được các nước trên thế giới quan tâm từ lâu, hiện nay đã có khoảng 50 trung tâm nghiên cứu về vấn đề này. Tại Việt Nam, từ năm 1998 đã có các cuốn tài liệu “ Bàn về An ninh Sinh thái”, “An ninh Môi trường” và “ Những điều cần biết về An ninh môi trường”. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thiết lập một Trung tâm môi trường để đánh giá mối quan hệ giữa môi trường và an ninh nhưng tới nay vẫn còn rất nhiều vấn đề gây tranh cãi, ngày càng có nhiều khái niệm mới được đề xuất và hoàn thiện hơn. Nhất là mối liên hệ giữa xóa đói giảm nghèo với sự phồn vinh và ổn định toàn cầu; mối liên quan giữa những biến động về môi trường với vấn đề hòa bình ở các quốc gia cũng như các khu vực trên thế giới…
Vì thế, ấn phẩm được xuất bản dưới dạng một cuốn sách hoàn chỉnh, khổ 14,5x 20,5 cm, dày hơn 300 trang và trình khá bày hấp dẫn này đã được bạn đọc đón nhận với tình cảm trân trọng. Cuốn sách gồm 3 phần và 8 chương, trình bày đẹp và tương đối khoa học, trong đó giới thiệu những khái niệm về An ninh môi trường, nêu chi tiết về sự hình thành những khái niệm này cũng như phạm vi và nội dung cơ bản của An ninh môi trường. Trọng tâm của cuốn sách trình bày khá cụ thể về vấn đề tranh chấp quốc gia và liên quốc gia liên quan tới tài nguyên; nguy cơ mất an ninh do thảm họa thiên tai, sự cố môi trường.
Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, tị nạn môi trường, nhiễu loạn sinh thái, vũ khí sinh thái, những thách thức cũng như các nội dung cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp về tài nguyên và ô nhiễm môi trường đã được trình bày khá sâu sắc trong cuốn sách. Tại đây, người đọc không chỉ nắm bắt được tư duy định hướng, các giải pháp ứng phó với các vấn đề an ninh môi trường nói chung mà còn được tiếp cận với các vấn đề cụ thể đã từng xảy ra trường tại Việt Nam liên quan trực tiếp tới vấn đề an ninh môi trường.