Giữa tháng 9, miền Trung chuẩn bị vào mùa mưa cũng là lúc cao điểm người người đổ xô lên núi tìm cây rừng để làm đại cảnh. Phần lớn các cánh rừng ở Phú Yên có nhiều sông suối đan xen hoặc nằm trên các triền đất đỏ nên có rất nhiều loài cây để làm đại cảnh như lộc vừng, sanh, si, nhọi... Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cánh rừng đầu nguồn ở hai huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh đã và đang bị giới săn đại cảnh lùng sục, băm nát.
Xới tung rừng đầu nguồn
Vượt hơn 5 giờ đi đường rừng, chúng tôi đến một cánh rừng già ven suối Buôn Chung (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) và chứng kiến hàng trăm cây cổ thụ bị đốn hạ để lấy gốc. Hầu hết các cây bị đốn hạ đều khá to, nhiều cây cả sải tay ôm không hết. Hai bên bờ suối Buôn Chung là hàng chục lán trại của những người đào cây cảnh dựng lên, nhộn nhịp như một khu dân cư giữa rừng. Xung quanh đó, từng nhóm năm, bảy người thản nhiên hì hục chặt cây, đào bới.
Với những cây to, người ta huy động nhiều người cùng xe ủi, xe múc, ròng rọc để bứng trọn. Với những cây có đường kính hơn 1 m, đứng trong gộp đá to, rễ ăn sâu, người ta dùng cả xe cẩu để kéo. Chỉ nhìn quanh khu rừng ven suối Buôn Chung cũng đã có đến hàng chục hecta rừng bị chặt phá, đào bới.

Nhóm săn cây cảnh chuẩn bị đào bứng một đại thụ giữa rừng xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Đi thêm hơn 2 giờ đường rừng, chúng tôi đến khu rừng thuộc địa phận giáp ranh giữa hai xã Ea Bar, Ea Lâm (huyện Sông Hinh). Ven suối Trại Bò là khung cảnh hàng chục cây cổ thụ bị đốn hạ, chỉ còn gốc trơ trọi, nứt nẻ. Anh Lê Văn Hân, người dẫn đường cho chúng tôi, nói: “Đây là khu rừng đại thụ, nằm khá sâu, do đường khó đi nên trước đây hầu như chưa khai thác. Gần đây, dân đào cây cảnh phát hiện khu rừng này có nhiều loài cây lạ, hiếm, nhiều cây có tuổi thọ hàng trăm năm nên đổ xô đến đào bới, chặt phá”.
Do có quá nhiều người cùng đổ xô đào bới các cánh rừng ở Sơn Hòa, Sông Hinh nên gần đây giới săn lùng đại cảnh bắt đầu chuyển sang đào phá tại huyện miền núi Đồng Xuân, các xã phía tây huyện Tuy An. Ông Võ Tấn Thạnh, cán bộ xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, cho hay mỗi ngày có hàng trăm người từ các nơi đến lùng sục tìm đại cảnh trong các khu rừng ở địa phương này. Theo chỉ dẫn của ông Thạnh, chúng tôi đến một khu rừng nằm ở tây nam xã Xuân Phước. Từ trên cao nhìn xuống, cả cánh rừng mênh mông đang bị xới tung với những hố sâu nham nhở. Tiếng máy cưa, tiếng máy đào, tiếng cuốc xẻng xúc đất cứ ầm ầm. Ông Thạnh than thở: “Để bứng một cây cảnh cổ thụ, người ta triệt hạ không thương tiếc hàng trăm cây khác xung quanh, đào hàng chục hố sâu, xới tung cả một góc rừng. Kiểu phá rừng này còn kinh khủng gấp chục lần so với lâm tặc lấy gỗ”.
Cố tình để… bị phạt để hợp thức hóa
Ông Cao Văn Bân (huyện Phú Hòa) tiết lộ: “Gần đây, giới đào cây cảnh ở Phú Yên có kiểu kinh doanh mới. Mỗi nhóm đào đại cảnh có năm, ba người, chia nhau vào rừng lùng sục các loại cây có dáng, thế “độc” chụp ảnh rồi mang đi chào hàng. Người mua có thể tự thuê người vào rừng đào cây mang về rồi trả tiền cho người bán, hay hai bên thỏa thuận mua bán đến công đoạn nào đó.
Theo một số người kinh doanh đại cảnh, sau khi đào được cây, họ thường chở về trồng trong vườn nhà. Sau đó họ tìm cách xin giấy chứng nhận của chính quyền địa phương đó là cây trồng, rồi ngang nhiên đưa đi bán bất cứ nơi đâu. Ông Phạm TT, một người kinh doanh cây cảnh ở huyện Sơn Hòa, tự hào rằng ông có thể hợp thức hóa thủ tục từ đầu đến cuối để đưa đại cảnh đến tận nhà.
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho biết khi xử lý tang vật là cây cảnh, cơ quan chức năng chỉ có thể căn cứ vào khối lượng, nhóm gỗ… để định giá chứ hiện không có quy định về tang vật là cây cảnh. Đa số cây rừng làm đại cảnh không thuộc loài quý hiếm. Do đó, không ít trường hợp có cây xanh khi đưa ra hội đồng định giá chỉ vài triệu đồng nhưng giá trị thật trên thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Điều 43 Nghị định 99/2009/NĐ-CP về xử lý tang vật quy định: “… Trường hợp người vi phạm tự nguyện nộp tiền bằng giá trị lâm sản tịch thu thì người có thẩm quyền xử phạt thu tiền, nộp kho bạc nhà nước và giao lại lâm sản bị tịch thu…”. Vì thế, giới đào đại cảnh thường cố tình để lực lượng kiểm lâm bắt giữ, xử phạt, sau đó nộp tiền rồi có đầy đủ thủ tục vận chuyển cây xanh đi tiêu thụ.
(Báo Pháp luật TP.HCM)