quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Nước Việt thân yêu nhìn từ ô cửa sổ máy bay - Phần 2

Thứ Năm, 23/02/2023 | 10:14:00 AM

(VACNE) - Xin đăng tiếp Phần 2: Từ Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc Bộ đến vùng ven biển, hải đảo

NƯỚC VIỆT THÂN YÊU TỪ Ô CỬA SỔ MÁY BAY

PHẦN HAI: TỪ BẮC TRUNG BỘ, TÂY NGUYÊN, ĐỐNG BẰNG BẮC
 
BỘ ĐẾN VÙNG VEN BIỂN, HẢI ĐẢO

 

4. Vùng Bắc Trung Bộ

          
Vùng này bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Tương tự như Nam Trung Bộ, đây cũng là vùng có diện tích đồng bằng ven biển hẹp, tuy nhiên chỉ có một số dãy núi đâm ra biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Đây là vùng có nhiều hang động lớn, dài và đẹp nhất nước (ở Quảng Bình), nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên có độ ĐDSH cao (tỉnh nào cũng có). Đây cũng là vùng thuận lợi phát triển du lịch, thủy sản, công nghiệp. Vùng này có ít vịnh biển nhưng lại có hệ thống các đầm phá rộng lớn ở Thừa Thiên - Huế. Trong vùng có 3 CHK dân dụng, tuy nhiên tôi chỉ mới bay đến 2 địa điểm (Phú Bài và Vinh). Đây là vùng chúng tôi không có nhiều đề tài nghiên cứu môi trường, chỉ thực hiện nghiên cứu Quy hoạch môi trường tỉnh Hà Tĩnh (được vinh dự cùng tham gia với GS Đặng Trung Thuận, 2018), ĐTM một số dự án cảng biển, nhiệt điện ở KKT Vũng Áng, Giám sát môi trường Dự án thủy điện lớn ở miền núi Thanh Hóa.

 

 


Làng quê vùng Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế: Đã đổi thay nhiều về hạ tầng, cảnh quan nhưng thanh bình (26/7/2019)



Máy bay chao mình vào phá Cầu Hai mênh mông: Cảnh nên thơ và hùng vĩ, phía xa là dãy núi Hải Vân – ranh giới tự nhiên Thừa Thiên – Huế với Đà Nẵng và Quảng Nam. Các đầm phá là báu vật thiên nhiên ban tặng tỉnh này: ngoài nguồn lợi hải sản dồi dào, đây là các vùng đệm chứa nước lũ từ thượng lưu và chắn sóng từ Biển Đông. Bạn có hiểu vì sao sông Hương quanh năm luôn êm đềm và đầy nước khác hẳn các sông Thu Bồn, Trà Khúc, Ba…mùa lũ nước dồn dập, mùa khô cạn gần sát đáy? Nhờ phá Tam Giang đấy!

 

 


 

 

Dãy Hoành Sơn ngăn Hà Tĩnh và Quảng Bình, đoạn gần biển có đèo Ngang nối hai tỉnh (“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà; Cỏ cây chen lá, đá chen hoa…”- Bà Huyện Thanh Quan)



Đồng ruộng huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh: Xa xa là Khu Liên hợp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh đang xây dựng (hai ảnh tháng 10/2013). Từ vùng quê đồi núi nghèo hồi nào 10 năm nay Kỳ Anh đã có KKT Vũng Áng lớn nhất Bắc Trung Bộ, tại đó có Cảng nước sâu Vũng Áng, Khu Liên hợp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh và nhiều công trình khác. GRDP tỉnh và huyện tăng nhanh nhờ KKT này nhưng kèm nguy cơ ô nhiễm và các vấn đề xã hội.




Trong các thung lũng là các cánh đồng lúa xanh, nhìn từ máy bay như các dòng sông bao quanh đồi núi đất đỏ Bazan, rất kỳ ảo. Ở Tây Nguyên đồng bào không làm ruộng bậc thang như ở Tây Bắc, Đông Bắc


 
Bay qua thành phố Plây Ku: Nhà cửa đã san sát. Khác với các đô thị ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc: Ở các đô thị Tây Nguyên hầu như không có đồng bào dân tộc thiểu số bản địa định cư; Họ chỉ mang sản vật vào phố bán, mua nhu yếu phẩm rồi về lại buôn làng. Hai ảnh: 29/6/2019.
 

5. Vùng Tây Nguyên

         
Vùng Tây Nguyên có năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng với diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước. Năm 1976, dân số Tây Nguyên mới chỉ 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,7%. Năm 2021, tổng dân số đã lên đến 6.002.995 người, 46 dân tộc nhưng tỷ lệ người Kinh trên 75%

 

[1]. Đây là vùng vốn được rừng nguyên sinh bao phủ (“Đại ngàn Tây Nguyên”), giàu tài nguyên đất, nước, sinh thái, khoáng sản. Tại vùng này hiện có 3 CHK dân dụng. Đây là vùng chúng tôi có ít đề tài, dự án nghiên cứu môi trường, ngoài các đề tài nghiên cứu môi trường vùng Tây Nguyên của Bộ QP, một số đề tài cấp tỉnh và lập ĐTM, giám sát môi trường cho các CHK Plây Ku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương.

 

 

Vùng đồi núi phía Đông của Nam Trường Sơn: Rừng tự nhiên vốn bạt ngàn nhưng 40 năm nay đã bị phá diện rộng để phát triển cây công nghiệp và khu dân cư; đây có thể là hồ chứa trên địa phận Đăk Lăk giáp Khánh Hòa

 
Nhà kính canh tác hoa, rau phát triển quy mô lớn ở Lâm Đồng trong 10 năm nay; có thể thấy nhiều khu vực trong tỉnh đã thành đất trồng, đồi trọc. Hai ảnh: 03/11/2018.

         
Tôi đã có hai bài ghi chép cảm nhận về thiên nhiên, môi trường, người dân tộc và văn hóa bản địa ở Kontum và Plây Ku nhân chuyến đi phượt Bắc Tây Nguyên năm 2018.

 

6.  Vùng Đồng bằng Sông Hồng

           
Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) bao gồm 10 tỉnh, thành phố với tổng diện tích chỉ 21.260  km² nhưng dân số lên đến gần 21.849.000 người (2021). Đây là vùng có m
ật độ dân số

 cao nhất Việt Nam và thuộc loại cao so với các vùng đồng bằng lưu vực các sông Hoàng Hà, Trường Giang ở Trung Quốc, Hằng ở Ấn Độ, Chao Phraya ở Thái Lan....  

         
Hiện nay ĐBSH là trung tâm kinh tế lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau vùng Đông Nam Bộ. Nơi đây dù đã được người Việt khai phá hàng ngàn năm nhưng vẫn còn các vùng sinh thái tự nhiên trên đồi núi và ven biển có giá trị cao về môi trường, ĐDSH và ứng phó BĐKH. Trong 10 năm gần đây công nghiệp và hạ tầng đô thị, nông thôn, giao thông trong vùng phát triển rất nhanh. Do mật độ dân hoạt động công nghiệp, đô thị cao nên ô nhiễm và sinh thái đang và sẽ là các vấn đề môi trường lớn của các tỉnh trong vùng.
 

          
Tại vùng này từ 2001 đến 2015 chúng tôi đã chủ trì nhiều đề tài/dự án nghiên cứu môi trường cấp tỉnh và dự án quốc tế phục vụ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên và Dự án Bộ QP về nghiên cứu môi trường quân sự các tỉnh Quân khu Ba, không kể một số ĐTM cho nhiều dự án cao tốc, năng lượng lớn, ĐMC các Quy hoạch vùng KT ven biển vịnh Bắc Bộ, Quy hoạch KKT Vân Đồn, các KKT Cửa khẩu Quảng Ninh. Vì vậy tôi đã có cơ hội đặt chân đến phần lớn các huyện trong vùng; còn nhớ rõ mỗi huyện có cảnh quan, công trình, sản vật gì nổi bật. Cũng như ở các vùng miền khác: Khi bạn có “Kiến thức bản địa” sẽ có tài sản quý, giúp ta hiểu hơn về môi trường tự nhiên, con người, văn hóa, tập quán của các địa phương mà không thể nào có được nếu chỉ nghiên cứu môi trường trong phòng làm việc và sao chép thông tin từ Google.

 

 

Đây là các làng quê điển hình ĐBSH tại khu vực Sóc Sơn, Phúc Yên (15/3/2022). ĐBSH đất hẹp người đông, ngày nay đã đổi thay nhanh chóng: Khác với vùng ĐBSCL: Phần lớn nhà dân ở ĐBSH 2-3 tầng, nhà sát nhà nhưng độ che phủ cây xanh trong khu dân cư ở nhiều thôn, xã khá thấp; Mức độ ô nhiễm do làng nghề, chăn nuôi, chất thải ở nhiều thôn làng có lẽ còn cao hơn nhiều khu vực nội thành Hà Nội. Những năm 1960 - 65 khi tôi học ở Trường học sinh miền Nam tại huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông: Ven làng nào cũng có lũy tre, phần lớn là nhà mái rạ đơn sơ nhưng mỗi nhà đều có mảnh vườn cam, bưởi, nhót, táo, sáng ra bọn cánh cam, bọ rùa, bọ xít đậu khắp bờ cây. Từ năm 2000 đến nay cảnh quan ĐBSH đã hoàn toàn thay đổi! Theo tôi quan sát: Hiện nay nông thôn ĐBSH là giàu nhất về hạ tầng nhà cửa, công trình giao thông, y tế, giáo dục so với các vùng nông thôn nước ta. 

 

Khu công nghiệp xen lẫn khu dân cư và đồng ruộng: Khu vực Phúc Yên (08/8/2019)

Bay qua sông Hồng, có thể nhìn rõ cầu Thanh Trì, khu đô thị quận Hoàng Mai với nhà cửa lô xô ven sông và xa xa là bãi giữa sông Hồng (28/7/2019). Giá gì hai bờ sông Hồng, sông Đuống được quy hoạch đẹp, không cho xây dựng nhà cửa, lập giải cây xanh, công viên thì các sông này sẽ sạch đẹp, cảnh quan văn minh như sông Hàn, sông Seine… 

 

7. Vùng ven biển và biển đảo 

        
Bờ biển trong phần đất liền nước ta dài trên 3.260 km với 28 tỉnh ven bờ. Đây không chỉ là vùng kinh tế, quốc phòng đặc biệt quan trọng, nơi phát triển các giải rừng ngập mặn, các loài thủy sinh đa dạng mà còn có các vịnh biển, bãi biển tuyệt đẹp. Tôi thường bay tuyến TP Hồ Chí Minh – Cam Ranh, Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo. Tôi đã vinh dự cùng GS Phạm Ngọc Đăng chủ trì ĐMC Quy hoạch Sử dụng biển Việt Nam đến năm 2030 (Bộ TN&MT, 2017).

 

 

 

 
Hai ảnh trên: Từ máy bay thấy rõ đảo lớn Côn Sơn và các đảo trong quần đảo: Trên 70% diện tích đảo lớn, toàn bộ diện tích các đảo nhỏ và 14.000ha mặt biển bao quanh là thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo. Đây có lẽ là một trong các VQG được bảo tồn tốt nhất Việt Nam, chỉ tiếc hiện nay “Nàng tiên cá” (Dugong dugong) đã cực kỳ hiếm gặp. Nếu tăng lớn dân số và nếu có ý định lập cáp treo, xây tượng Phật đồ sộ ở đây như ở núi Bà Đen, Bà Nà, Sapa: VQG Côn Đảo sẽ bị đe dọa, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, du lịch bền vững.

 

 

Bờ Đông đảo Phú Quốc: Vùng nước bị ô nhiễm do phù sa và chất thải từ đất liền (bờ Tây đảo mới là các bãi biển trong xanh phục vụ du lịch); Nếu phát triển Phú Quốc không được kiểm soát tốt: Dân số tăng nhanh, xây dựng san sát, xâm lấn diện tích rừng, và nếu xây cáp treo trong VQG Phú Quốc – nơi cung cấp nước ngọt, ngăn ngừa xói lở, điều hòa khí hậu, bảo tồn thiên nhiên: Phú Quốc sẽ có nguy cơ suy giảm chất lượng môi trường (ô nhiễm biển. không khí), giảm nguồn nước ngọt, gia tăng đất trống đồi trọc, xói lở, suy giảm tài nguyên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên sẽ giảm sức hấp dẫn du khách dù có nhiều resort hay thành phố Venice. (Ảnh:10/2014)

 
 

Bờ biển phía Nam tỉnh Khánh Hòa: Đây là khu vực có nhiều đồi núi đâm ra Biển Đông, tạo các vịnh nhỏ, nước biển cực kỳ trong xanh, hình ảnh rất đặc sắc. (Ảnh: 10/2022).

 

 

Cảng nước sâu Dung Quất trong vịnh Dung Quất, phần phía trên bán đảo màu xanh là vịnh Việt Thanh (10/2022)


Nơi sông Hàn đổ vào vịnh Đà Nẵng: Có thể thấy rõ phần lớn khu trung tâm TP Đà Nẵng: Các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, CHK Quốc tế Đà Nẵng, khu vực lấn biển vịnh Đà Nẵng ở bờ Bắc sông Hàn; các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ở bờ Nam sông Hàn; cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn nối hai bờ sông
(8/2022). Khi tôi đến đây lần đầu (8/1975) Đà Nẵng đã khá phồn vinh, nhiều đường phố, công trình kiến trúc đẹp vẫn còn tồn tại đến nay nhưng nội thành chỉ trong phạm vi quận Hải Châu. Từ 20 năm nay thành phố này đã tăng diện tích vài lần, nhiều nhà cao tầng, nhiều khu du lịch mới; chỉ trong thành phố mà có biển, bãi biển, có núi, xanh và sạch, con người hiền lành, thực thà nên thu hút du khách khắp nơi.

 

 

Đây là điểm nhô ra Biển Đông xa nhất của Bán đảo Cam Ranh; Từ máy bay khi chuẩn bị hạ cánh ta có thể nhìn rõ Quân cảng Cam Ranh


 
 

Bờ biển Bắc Trung Bộ: Từ máy bay nhìn thấy một resort ở Quảng Bình: Nơi đây có cảnh quan đẹp, nước biển trong xanh, nếu được giới thiệu rộng rãi sẽ thu hút nhiều du khách mọi miền.
Hai ảnh năm 2014. 

        
Tái bút:
Do “bệnh nghề nghiệp” và thời gian ngồi trên máy bay khá dài nên khi bay qua một tỉnh, một vùng tôi lại miên man nhớ đến cảnh quan rừng núi, sông hồ, đô thị, con người, sản vật, giọng nói, điều hay và chưa hay và ấn tượng về nơi đó như vừa mới gặp lại. Vì vậy, mới có các dòng cảm nhận khái quát nhiều chủ đề ở trên.

 

Lê Trình, 15/02/2022. 



[1] Số liệu KT-XH trong bài này được trích từ các báo cáo của các cơ quan Nhà nước; Các bình luận về môi trường, kinh tế, văn hóa là của chúng tôi.

Lượt xem: 1371

Các tin khác

Bảo mẫu của voi

(27/01/2025 10:24:AM)

Cao Bằng: Tập trung phát triển du lịch – dịch vụ bền vững

(23/01/2025 09:03:AM)

25% các loài động vật nước ngọt đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

(20/01/2025 09:23:AM)

Ngắm chim, thú hoang dã trong khu bảo tồn rừng Mã Đà ở Đồng Nai

(19/01/2025 03:46:PM)

Bình Thuận: Mặt trận huyện Phú Quý vận động nhân dân, du khách tham gia bảo vệ môi trường biển

(17/01/2025 09:32:AM)

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh

(10/01/2025 08:35:AM)

Quảng Nam tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã

(10/01/2025 08:30:AM)

Triển vọng rừng nhiệt đới 2025: Những câu chuyện đáng chú ý khi năm mới bắt đầu

(09/01/2025 09:25:AM)

Bẫy ảnh bất ngờ ghi nhận nhiều động vật quý hiếm tại khu bảo tồn ở Quảng Nam

(08/01/2025 08:38:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE