Sau những giờ lao động vất vả với công việc đồng áng, họ cùng nhau tuần tra bảo vệ rừng. Cũng nhờ thế mà khu rừng rộng 36ha nằm giữa thôn An Thọ và Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), bao đời nay vẫn an toàn, che chở cho dân làng…
“Kiểm lâm chân đất”
Hằng ngày, những thành viên trong tổ vẫn đều đặn tuần tra bảo vệ rừng
9 giờ sáng, công việc ở ruộng lúa còn dang dở, vẫn như mọi hôm, lão nông Trần Đức Minh (61 tuổi, xã Tịnh Sơn) bấm máy điện thoại alô cho mọi người trong tổ đi tuần tra bảo vệ rừng. Đó là công việc thường ngày của họ trong suốt 24 năm qua. Kể từ ngày tổ tuần tra bảo vệ rừng gồm ông Trần Đức Minh, Nguyễn Văn Cẩm, Lê Quốc Huynh, Nguyễn Hùng (đều ngụ ở thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn) được lập, khu rừng nguyên sinh ở núi Nhàn, với những vạt rừng xanh rì, nhiều loại gỗ quý, động vật, chim muông vẫn sinh sôi trước sự thèm khát của đám lâm tặc.
Cũng nhờ có rừng giữ độ ẩm, điều tiết nước nên niên vụ nào bà con gieo trồng cũng đều bội thu cảÔng Trần Đức Minh |
Ông Trần Đức Minh – tổ trưởng tổ bảo vệ rừng bộc bạch: “Thời kỳ kháng chiến, khu rừng này là căn cứ của bộ đội ta. Nhiều lần địch mở trận càn, hòng đánh bật chiến sĩ ta ra khỏi khu rừng này, nhưng nhờ có rừng che chở, bao phen bộ đội vẫn bám căn cứ trước những làn đại bác của giặc. Rừng che bộ đội, bội đội giữ làng, bà con ở đây xem rừng là kho báu của cả làng, nên ai cũng ra sức gìn giữ, bảo vệ rừng”.
Dẫn chúng tôi tham quan khu rừng nguyên sinh trăm tuổi, những thành viên trong tổ chia sẻ: “Được mọi người tín nhiệm giao trọng trách đứng ra bảo vệ rừng, chúng tôi vui vẻ nhận lời. Tổ thành lập vào 1989, thời gian đầu, cuộc chiến bảo vệ rừng cũng cam go lắm, người dân trong xã thì không ai phá rừng cả, chỉ những người ở các xã lân cận thường lén lút phá rừng vào ban đêm hoặc lúc trưa nắng”.
Còn nhớ, một buổi trưa tháng 3.1997, một nhóm gồm 6 đối tượng, mang theo cả hung khí tiến vào khu rừng. Tổ bảo vệ gồm 4 người, trong tay không một tấc sắt, ra sức can ngăn, nhưng các đối tượng này chống trả quyết liệt. Cũng nhờ bà con hô hoán, rồi tập hợp lại mới bắt được 6 đối tượng. Sau đó, vì sợ bọn chúng quay lại trả thù, đốt rừng nên cả tháng ròng tổ tuần tra bảo vệ phải thay phiên nhau dựng lều ngủ giữa rừng, quyết không để lâm tặc triệt hạ rừng thêm một lần nữa.
“Lá phổi xanh” của làng
Đứng trên đỉnh núi Nhàn, chỉ tay về phía những cánh đồng lúa, ruộng ngô bạt ngàn, tít tắp, ông Minh nói: Cũng nhờ có rừng giữ độ ẩm, điều tiết nước nên niên vụ nào bà con gieo trồng cũng đều bội thu cả. Bây giờ đang vào mùa hạn hán, khắp nơi lo thiếu nước sản xuất, nước dùng trong sinh hoạt nhưng ở đây bà con ai nấy đều yên tâm, giếng đào cũng chỉ vài ba mét là có nước, hoa màu quanh năm không lo thiếu nước tưới.
Khi được hỏi về chế độ đãi ngộ dành cho những thành viên trong tổ, ông Hùng – một thành viên trong tổ cho hay: “Số tiền trợ cấp cho chúng tôi được trích từ ngân sách của xã (1 triệu đồng/năm/4 người) nói thật là không thấm tháp vào đâu so với công sức mọi người bỏ ra, nhưng được bà con ở đây ai cũng quý mến, thỉnh thoảng bà con tặng bịch trà, gói thuốc nên anh em cảm thấy ấm bụng lắm. Cũng chính nhờ họ làm “tai mắt” mà chúng tôi càng làm tốt hơn công việc của mình”.
Ông Nguyễn Thanh Vy – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn cho biết: “Cánh rừng ở 2 thôn An Thọ và Diên Niên với tổng diện tích 120ha, rừng nguyên sinh được giữ, đó chính là chiếc “máy điều hòa” điều tiết khí hậu, góp phần ngăn bão, chống hạn. Cũng nhờ việc làm của những thành viên trong tổ bảo vệ rừng mà bây giờ lâm tặc không còn dám lui tới phá rừng ở địa phương nữa. Kho “vàng xanh” của làng được giữ chính nhờ ý thức và quyết tâm của những “kiểm lâm chân đất”-bà con rất cảm kích”.
Theo Ngọc Viên/Dân Việt