quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Nói về biểu tượng bền vững trong ngày Cá 2012

Thứ Ba, 10/04/2012 | 08:25:00 PM

Lâu lắm mấy tay bợm mới lại rủ nhau cùng đến Quán. Hôm nay là ngày Cá mà.

 
Phó Hội Viên – VACNE
 
Chưa kịp ngồi thì một vị lên tiếng ngay.
-         Còn nhớ ngày này năm trước có ai đó viết bài “Môi trường nói dối đừng tin”. Cứ tưởng đùa, hóa ra nói dối thật.
-         Cụ thể là thế nào?
-         Là hắn bảo, may quá, trong số 10 thành phố bẩn nhất thế giới, không có thành phố nào của Việt Nam.
-         À, té ra là có Hà Nội, phải không?
-         Đúng rồi, vừa qua ông giáo sư giỏi vào loại nhất của VACNE chả lên tivi, lên đài, lên báo giảng giải mãi là gì. Tưởng đùa hóa ra môi trường nói dối thật.
-         Ấy chết, đừng vội kết luận thế. Với lại, năm nay, là năm RIO+20, người ta nói về phát triển bền vững cơ mà.
Đến đây chủ quán mới kịp xen vào, đề nghị quý khách dùng gì để Quán chuẩn bị.
-         Chán lão chủ quán. Chuẩn bị như mọi khi. Đen nóng, không đường 2 ly, đá lạnh ít đường không bọt một ly, sữa chua nhiều thạch ít đá 3 ly cộng một ấm trà mạn và 6 chén. Chuẩn bị xong thì tránh ra xa, đừng có xen vào chuyện của người ta, làm ơn nhé.
Chủ quán lùi ra. Một bợm trẻ lên tiếng:
-         Anh cả cho chủ đề gì về phát triển bền vững đi
-         Gì cũng được, định nghĩa chẳng hạn.
-         Rắm rối lắm. Đã có gì ổn đâu. Từ dạo cuốn “Trái đất – Tương lai chung” đưa ra định nghĩa, hàng chục, có khi hàng trăm định nghĩa khác đã được công bố, rồi lại quay về định nghĩa đầu tiên, tít mù nó lại vòng quanh mà.
-         Thế thì nói theo kiểu hình tượng. Anh cả dẫn dắt.
Một ông đeo kính cận, nhấp ly cà phê đen không đường, ra vẻ hiểu biết bật mí:
-         Bây giờ người ta dùng hình tượng kiềng ba chân để nói về phát triển bền vững mà có hồi ngay cả văn bản chính thức của nhà nước còn gọi là phát triển lâu bền. Vững như kiềng ba chân thì rõ là vững còn gì, lúc nào cũng tạo ra một mặt phẳng. Chân kinh tế phát triển vù vù, chân xã hội công bằng hết chỗ còn chân môi trường trong lành tột độ. Ai mà chẳng muốn, lúc nào chẳng muốn.
-         Hay quá, chú nói hay quá. Một cô sữa chua nhiều thạch ít đá xin nói, tay đổ thêm mấy giọt cà phê vào cốc cho sành điệu. Sao cháu nghe có người nói hai chân là thế nào nhỉ.
-         À, chắc là dấu một chân ở đâu đó. Một bác khác hài hước. Nhưng nói cho cùng, hàng vạn năm tiến hóa của loài người để có hai chân như ngày nay. Sao lại không hình tượng phát triển bền vững bằng hai chân nhỉ.
-         Bốn chân cũng có đấy. Một bác có cái mũi nhọn như tây nói. Người Pháp đề nghị hình tượng phát triển bền vững bằng chiếc ghế bốn chân. Chân thứ tư, ngoài ba chân kiềng đã nói là chân văn hóa. Ba chân kiềng có tính chất chung, nhiều nước tiến tới đều giống nhau, nhưng chân văn hóa chắc chắn khác biệt. Mà đa dạng mới là phát triển, là bền vững.
-         Thày nói chí lý quá. Thế mà cánh thanh niên chúng em chỉ thích ngồi ghế một chân thôi. Xoay tứ phía rất dễ, thấp xuống cũng được, mà cao lên để ngắm cô chân dài đang pha nước trong quầy cũng ngon. Thì ra là phải hai, ba hoặc bốn chân mới là bền vững, phải không ạ.
-         Láo nào. Một vị phán. Nói nghiêm chỉnh là biểu tượng phải gắn với nội dung. Chẳng hạn, có nghệ sỹ nào đó cho đắp một cái ghế đẩu bốn chân làm tượng, nhưng bẻ gãy một, rất được công luận bàn bạc, đánh giá. Có người cho đấy là lỗi kỹ thuật, có người cho không phải, chắc có ý gì khác. Báo chí bàn luận mãi, sau đành hỏi thẳng nghệ sỹ. Ông này bảo đấy là biểu tượng về người khuyết tật. Đừng có mà suy diễn là, nếu biểu tượng phát triển bền vững mà ba chân thì tức là … không bền vững đấy.
-         Tôi cũng nghĩ là không nên suy diễn rộng quá. Một bác có cái mắt to ẩn sau gọng kính đen nói. Chẳng hạn, có cái ông họ Tô nào đó nói đại ý cái ghế đúng là thường được coi là biểu tượng, nhưng là biểu tượng con người. Vì thế, ông họ Tô này nói, người ta tranh thế, chiếm ghế với đủ kiểu toan tính, thậm chí là thủ đoạn. Quán ta đừng bàn theo chiều hướng này đấy.
Cả năm người ớ ra. Ừ nhỉ. Thấy vậy, anh cả lên tiếng.
-         Hình tượng luôn là hình tượng. Kể cả lấy bạch tuộc ra làm biểu trưng cũng không có nghĩa là mạnh mẽ, hoành tráng, bền vững. Một, hai, ba hay bốn chân đều tốt, miễn là kinh tế, xã hội và môi trường đều cùng được đặt lên bàn cân. Văn hóa theo cách hiểu chung là thuộc lĩnh vực xã hội. Đây không nói kiểu văn hóa ẩm thực, văn hóa đọc, văn hóa giao thông hay văn hóa từ chức như đâu đó đang ồn ào.
Cả sáu người bỗng im lặng nhìn ra cửa sổ. Đợt gió lạnh mới về khiến ai cũng co ro, ngao ngán. Lạnh kéo dài quá, vậy mà cứ bảo nóng lên toàn cầu. Thế đấy, nói bền vững thì dân tình khi nghe khi không. Vì đôi lúc họ sợ cái gì cũng để cho sau này thì hiện tại sẽ ra sao đây. Đang đói lại nói hãy đợi đấy. Chủ nghĩa thực dụng hiện hữu khắp nơi, cho nên ý tưởng về một quan điểm phát triển toàn diện, lâu dài nhiều khi nói dễ, làm khó. Ai ngồi uống cà phê và nói chuyện ở Quán này đều ít nhiều đã qua trải nghiệm.
-         Lạ nhỉ, Chủ Quán không dám xen vào chuyện, lẩm bẩm, không hiểu sao cái ông gọi là anh cả anh hai gì đó lại đưa ra chủ đề bền vững vào cái ngày Cá tháng tư này nhỉ? Chủ Quán nhớ lại, có lần được nghe một ông quê mạn trong nói rằng anh cả là theo cách miền Bắc, anh hai là theo cách miền Nam, còn miền Trung gọi là cu hai, vì giỏi tiếng Pháp nên thay bằng cu đơ. Ai đi qua vùng đó mà chẳng ôm về vài cu đơ, ăn cả tháng chẳng hết, xúc miệng cả gáo vẫn dính răng.
-         Lẩm bẩm gì đấy chủ quán ơi. Hôm nay nghe nói Quán không lấy tiền hả, chúng tôi về đây.
-         Ấy chết, ai bảo thế.
-         Ông cu đơ bảo, chạy theo hỏi đi, ông ấy về rồi kia kìa.
Một cơn gió lạnh ào ào đuổi theo ông chủ Quán.
Ngày Cá tháng 4/2012
 
 

Lượt xem: 1384

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE