Dự án resort Vedana khai thác tối đa các yếu tố văn hóa bản địa kết hợp cùng xu hướng du lịch sinh thái ở khu vực miền núi xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Tài nguyên du lịch phong phú
Khai thác tối đa các yếu tố văn hóa bản địa kết hợp cùng xu hướng du lịch sinh thái, dự án resort Vedana (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) đã tạo ra sự khác biệt bởi một số công trình có kiến trúc bằng tre mang đậm nét sinh thái. Với hàng loạt công trình như nhà hàng, nhà đón tiếp khách, trung tâm hội nghị được tạo nên bởi hơn 200 nghìn cây tre, Vedana resort Cúc Phương được xem là các công trình bằng tre lớn nhất khu vực Ðông Nam Á. Tại đây cũng xây dựng một Bảo tàng văn hóa Mường với quy mô 1.000 m2 không chỉ trưng bày, lưu giữ, quảng bá các hiện vật văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Dự án đi vào hoạt động không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương mà còn tạo điểm nhấn để thu hút các dự án đầu tư du lịch vệ tinh ở khu vực miền núi của huyện Nho Quan.
Ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Cúc Phương đánh giá cao sự đồng hành của địa phương với doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng… Đặc biệt là việc tăng cường phối hợp, trao đổi để giải quyết các khó khăn vướng mắc, đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả.
Với 86% dân số là người dân tộc Mường, ngoài các giá trị văn hóa truyền thống, xã Cúc Phương còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phong phú, đa dạng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu nghỉ dưỡng Resort Vedana, Cúc Phương Resort, các homestay của người dân thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia. Những địa điểm này đã và đang thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết, nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, văn hóa trên địa bàn đi vào hoạt động đã mang lại sự đổi thay tích cực. Xã đã nhìn nhận rõ hướng đi trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là khai thác các giá trị văn hóa bản địa, lợi thế vùng miền để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú trọng khai thác các giá trị tầng sâu của văn hóa Mường và phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn.
MT Collection Villa được đầu tư xây dựng ở khu vực gần cổng Vườn Quốc gia Cúc Phương, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Huyện miền núi Nho Quan không chỉ được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa truyền thống nổi tiếng như: động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, hồ nước khoáng nóng Cúc Phương, văn hóa đồng bào Mường, các sản vật địa phương... Trên địa bàn huyện còn có Vườn Quốc gia Cúc Phương là một địa danh du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới, với khu bảo tồn động, thực vật quý hiếm và những di tích văn hóa được xác định có từ sơ kỳ đồ đá mới. Bên cạnh đó, huyện Nho Quan hiện có gần 30 nghìn người dân tộc Mường sinh sống, việc khai thác các yếu tố văn hóa bản địa hiện có để kết hợp cùng xu hướng du lịch sinh thái - vốn đang phát triển mạnh tại tỉnh Ninh Bình - cũng là chiến lược mà huyện Nho Quan đặt ra. Theo đó, các loại hình nghệ thuật như hát giao duyên tiếng Mường ở xã Cúc Phương, cồng chiêng ở xã Kỳ Phú, Phú Long; các món truyền thống ốc núi, thịt hươu, rượu men lá, cơm cháy… hay các hình thức du lịch lưu trú homestay theo dạng nhà sàn, ki-ốt du lịch để câu cá ở các tuyến hồ... cũng đã được đồng bào đưa vào hoạt động để phục vụ du khách.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Nho Quan được xác định phát triển du lịch với các chức năng chính: Du lịch thăm quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm, leo núi, chơi golf; du lịch cộng đồng, nghiên cứu động vật hoang dã...
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Để du lịch ở khu vực miền núi Ninh Bình phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa của các dân tộc, địa phương cần có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...; cần xác định sản phẩm, điểm du lịch trọng tâm để tạo ra điểm nhấn.
Tạo điều kiện "hút" đầu tư
Du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan. Trong 9 tháng năm 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đã đón gần 136 nghìn lượt khách (trong đó có khoảng 13 nghìn lượt khách khách quốc tế), doanh thu ước đạt 13,5 tỷ đồng.
Thời gian qua, huyện miền núi Nho Quan đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, du lịch; hỗ trợ, vận động người dân làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm du lịch xanh.
Dịch vụ phòng tại MT Collection Villa, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Với phương châm "Xã hội hóa du lịch", những năm qua huyện Nho Quan đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân cùng đầu tư phát triển du lịch như: Dự án Sân golf Tràng An; dự án Xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương Resort & Villas; dự án Xây dựng khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương; dự án resort Vedana; dự án Công viên động vật hoang dã Quốc gia và nhiều dự án về trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa khác...
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Thông qua đề án Bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và đề án Bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường…, đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa. Với mục tiêu bảo tồn văn hóa dân tộc Mường để phục vụ phát triển du lịch, huyện cũng khuyến khích đồng bào dân tộc ở các xã mạnh dạn đầu tư làm du lịch; đồng thời, tư vấn, hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
UBND huyện đang tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I). Sau khi dự án hoàn thành sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, điểm du lịch trên địa bàn.
Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, huyện xác định động lực phát triển là công nghiệp sạch, nông nghiệp có năng suất và giá trị kinh tế cao; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch văn hóa, tâm linh gắn vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương, qua đó từng bước xây dựng Nho Quan trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư phát triển du lịch, nhất là các dự án có quy mô lớn, khu vui chơi, giải trí hiện đại nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, tiềm năng, thế mạnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có, có chất lượng và tính cạnh tranh cao gắn với đặc trưng của huyện.
Thùy Dung