Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long nằm trên địa phận 7 xã là Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh thuộc huyện Gia Viễn. Với diện tích 2484,3ha, đây là khu đất ngập nước lớn nhất Đồng bằng Bắc Bộ.
Tại Vân Long, việc bảo tồn thiên nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái đa dạng và bảo vệ các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Nơi đây có 11 hệ sinh thái với sự hiện diện của 722 loài thực vật bậc cao, 258 loài tảo, 39 loài thú, 43 loài cá, 38 loài bò sát, 100 loài chim. Về động vật có 39 loài, trong đó có 12 loài động vật quý hiếm như: Voọc quần đùi trắng (voọc mông trắng), gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ, cầy vằn...
Năm 2018, Vân Long đã trở thành khu Ramsar (khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 9 của Việt Nam. Vân Long hiện đang giữ hai kỷ lục thiên nhiên của Việt Nam là: “Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam” và “nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam”.
Tận dụng tiềm năng và lợi thế sẵn có, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long đã khai thác, phát triển mô hình du lịch bền vững, từng bước thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh việc chăn nuôi, canh tác trồng lúa, người nông dân được huy động tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, tiếp đón du khách khám phá hệ sinh thái tại Vân Long. Mô hình này không chỉ giúp tăng sinh kế, tạo thêm việc làm cho người dân mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương.
Du khách trải nghiệm sinh thái sông nước tại đầm Vân Long. Ảnh: Mai Thương
Tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học
Theo ông Trần Xuân Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long, phát triển du lịch tại Vân Long không chỉ nhằm mục đích khai thác giá trị kinh tế mà còn hướng tới bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Hằng năm, người dân trực tiếp tham gia hoạt động dịch vụ du lịch được tuyên truyền, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong du lịch, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường.
Các hoạt động du lịch tại đây chủ yếu bao gồm tham quan bằng thuyền trên đầm lầy để khám phá cảnh quan thiên nhiên, quan sát các loài chim và động vật hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Những hoạt động này được thiết kế để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, không chỉ góp phần vào việc bảo vệ Vân Long mà còn giúp nâng cao kiến thức và ý thức bảo tồn thiên nhiên của cộng đồng.
Ông Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long nhấn mạnh, việc bảo vệ cảnh quan môi trường và sự đa dạng sinh học tại Vân Long có vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch, phát triển kinh tế bền vững của địa phương, giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Đơn vị đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng địa phương triển khai chương trình hỗ trợ giúp nhân dân biết cách phát triển rừng gắn với sinh kế, khai thác tài nguyên đất, nước hợp lý, bảo vệ tính đa dạng sinh học. Không thực hiện di dân mà lấy nhân dân là nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững, thường xuyên tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường gắn với thực hiện phát triển du lịch.
Đồng thời, việc thực hiện tốt công tác trồng mới và bảo vệ rừng đã góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, tạo môi trường sinh sống cho các loài động, thực vật. Đơn cử như loài voọc mông trắng, vốn chỉ có 40 cá thể vào năm 2000, nay đã tăng lên tới 250, các đàn hằng năm đều xuất hiện con non.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc kết hợp phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên, Vân Long vẫn đối mặt với nhiều thách thức như chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết bất lợi... đòi hỏi quá trình quy hoạch, đầu tư cần được tính toán kỹ. “Sự gia tăng lượng du khách có thể dẫn đến áp lực lên hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và suy giảm chất lượng cảnh quan, trong khi công tác bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn”, ông Mai Văn Quyền chia sẻ.
Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; hoàn thiện, phổ biến chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người dân về việc bảo tồn, phát huy những giá trị đa dạng sinh học trong phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh huy động các nguồn lực về tài chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, đánh giá các hệ sinh thái tại khu bảo tồn. Trên cơ sở đó, thu hút đông đảo du khách hơn nữa, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần phát triển du lịch bền vững và thân thiện với thiên nhiên.
Minh Huyền