Cần nói rõ, gánh nặng trách nhiệm ấy được chính UNESCO đặt ra như tôn chỉ quan trọng nhất cho danh xưng này. Cụ thể, để "cân đong đo đếm" sự tuân thủ của các quốc gia có Di sản thế giới (DSTG), hệ thống giám sát của tổ chức này được triển khai theo nhiều con đường, bao gồm kiểm tra chính thức của các chuyên gia, của đại diện văn phòng tại nước sở tại cũng như từ báo cáo trực tiếp của "chủ nhà" (được thực hiện hai năm/lần) về việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Theo nguyên tắc, trong trường hợp có sai phạm, di sản sẽ lần lượt trải qua các đợt khuyến nghị cảnh cáo trước Hội đồng UNESCO, bị đưa vào "danh sách đặc biệt" rồi loại khỏi danh xưng DSTG nếu cần thiết.
Kể từ khi công ước về DSTG được triển khai năm 1972, đã có hai trường hợp bị thu hồi danh hiệu này, bao gồm khu bảo tồn linh dương sừng thẳng Ả Rập (Oman) năm 2007 và thung lũng Dresen (Đức) năm 2009.
Nhìn theo sự giám sát gay gắt ấy, những trục trặc mà DSTG tại Việt Nam từng gặp phải xem ra cũng... nhẹ nhàng, khi chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc bị UNESCO đưa ra khuyến nghị về bảo tồn các giá trị nguyên trạng.
Cụ thể, đó là trường hợp của cố đô Huế năm 2009 và vịnh Hạ Long năm 2011. Tuy nhiên, nếu những nỗ lực trong quản lý của cố đô Huế từng giúp di sản này được rút tên khỏi danh sách bị khuyến nghị vào năm 2013 thì đến thời điểm hiện nay, dù đã qua một số lần giải trình, vịnh Hạ Long vẫn chưa gặp may mắn như vậy.
"Di sản tại cố đô Huế tuy nằm xen kẽ với các kiến trúc dân sinh nhưng không khó quản lý, bởi thành phố này đã xác định di sản là hướng phát triển trọng tâm từ nhiều năm nay" - một chuyên gia cho biết. "Ngược lại, Hạ Long là tâm điểm của Quảng Ninh, một nền kinh tế trẻ phát triển rất mạnh theo nhiều hướng nên khó giải quyết vấn đề hơn".
Trên thực tế, khuyến nghị mà UNESCO đưa ra với DSTG của Quảng Ninh cũng bắt nguồn từ những hoạt động liên quan tới hiện tượng khai thác than, lấn biển xây đô thị, đánh bắt hải sản... diễn ra tại không gian của khu vực này.
So sánh với cố đô Huế và vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An (DTTA) sau khi vinh danh có gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các yêu cầu của UNESCO? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, nếu nhìn sang một thực tế: bản thân Tràng An cũng đã phải rất chật vật để xử lý vấn đề liên quan tới hai nhà máy xi-măng - ngành công nghiệp phá hoại cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất - vốn nằm rất gần danh thắng.
Ở thời điểm lập quy hoạch bảo tồn ban đầu, phần diện tích "lõi" của DTTA rộng hơn 4.000 ha, còn khu vực được xác định là vùng "đệm" quanh đó là hàng nghìn ha khác, phần lớn là ruộng lúa. Tuy nhiên, trong vùng đệm này lại có sự xuất hiện của hai nhà máy xi-măng được xây dựng từ trước đó, cộng thêm một phần diện tích đá vôi được khai thác để dùng làm nguyên liệu.
Liên quan tới những ràng buộc về kinh tế, sau nhiều cuộc họp và có văn bản chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, giữa năm 2013, quy hoạch bảo tồn DTTA đã được thay đổi theo hướng thu hẹp "vùng đệm" chỉ còn hơn 6.000 ha và không bao gồm phần chồng lấn này.
Văn bản giải trình về sự điều chỉnh này được gửi lên UNESCO, tuy nhiên những lo lắng vẫn đi theo các chuyên gia làm hồ sơ cho tới chặng đường cuối cùng, bởi ai cũng hiểu: việc một di sản nằm quá gần khu vực gây ô nhiễm môi trường là điều không hề được khuyến khích.
Và, như chia sẻ của những người trong cuộc, ở vòng hai, hồ sơ danh thắng Tràng An cũng từng được ICMOS (cơ quan chuyên xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị lùi việc xem xét công nhận tới giữa năm 2015. Tuy nhiên, quyết tâm của phía Việt Nam, với các cam kết vững chắc về việc bảo vệ di sản cũng như tuân thủ các khuyến nghị sau khi có danh hiệu, đã thuyết phục được tổ chức này.
Nhưng, khó khăn ấy cũng có nghĩa: "vấn đề" xi-măng sẽ là nỗi lo thường trực của Tràng An trong việc bảo tồn di sản theo các yêu cầu của UNESCO thời gian tới - cũng như để phát huy hết tiềm năng phục vụ du lịch. Rộng hơn, theo thống kê, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Ninh Bình là khá lớn, khi tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đang chiếm 48% cơ cấu kinh tế tại địa phương này, cùng sự tồn tại của 92 mỏ quặng đá vôi, đá Dolomite, đất sét...
Ngoài ra, cũng phải kể tới việc "Ninh Bình là đầu mối giao thông lớn, có mật độ dân số tại thành phố khá cao với 2.200 người/km 2 và tỷ lệ tăng hằng năm là 8,7%. Trong khi đó, Tràng An chỉ cách thành phố chừng 10 km" - PGS Đặng Văn Bài (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho biết - "Khá nhiều khu vực tại di sản như cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động... đang có cư dân sinh sống. Đó là những khó khăn tiềm ẩn cho việc bảo tồn di sản này và cần tới những giải pháp quản lý lâu dài".
Xem ra, còn rất nhiều câu chuyện phải làm để danh thắng Tràng An có thể được phát huy đúng với tiềm năng của mình.
Theo Thu Cúc (Nhân Dân)