![nam moi](http://c.uploadanh.com/upload/2/90/0.4709617_5151_1.jpg)
Khắp nơi trên thế giới đang nô nức đón chào năm mới
Tết của người Anh
Theo tập tục tại Vương quốc Anh, người đầu tiên bước qua cửa nhà vào lúc giao thừa sẽ là người mang lại sự may mắn cho gia đình trong năm tới. Họ gọi người này là "First Footing" (người xông nhà). Vào đêm 31/12, người xông nhà (thường cao, đẹp trai, da ngăm ngăm) sẽ bước qua bậu cửa, mang vào nhà New Year's Luck (sự may mắn Tân niên), cùng các vật dụng không thể thiếu gồm: một cục than, một ổ bánh mỳ và một chai rượu. Khi bước vào nhà, anh ta bỏ cục than vào lò sưởi, đặt ổ bánh mỳ lên bàn và rót một cốc rượu cho chủ nhà. Người xông nhà phải vào bằng cửa trước và ra bằng cửa sau. Khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, mỗi người viết ba điều ước lên một tờ giấy, rồi đốt tờ giấy đó, lấy tro hòa vào ly sâmpanh và uống cạn.
Họ tin rằng làm như vậy, ít nhất một trong ba điều ước trên sẽ trở thành hiện thực. Ngoài ra, người dân tại một số vùng ở Scotland lại có cách đón Năm Mới “toát mồ hôi”. Họ cùng đốt cháy những thùng gỗ có chứa nhựa đường bên trong và lăn ra phố. Hoặc ấn tượng hơn, họ chuyền cái thùng đang rừng rực lửa đó qua vai những người đàn ông dũng cảm. Theo họ, như vậy năm cũ đã bị đốt đi và mở đường cho Năm Mới đến.
Tết của người Khơme
Tết của người Khơme thường vào ngày 12, 13 tháng 4 Dương lịch, gọi là Tết Chol Chnăm Thmây. Thời điểm đón giao thừa không nhất thiết phải diễn ra vào nửa đêm. Nghi lễ quan trọng của Tết Chol Chnăm Thmây là lễ đắp núi cát theo truyền thuyết Ấn Độ. Đống cát to ở giữa tượng trưng cho núi Meru, ngọn núi được người Khmer quan niệm là trung tâm của vũ trụ và là nơi Phật Thích ca chôn mái tóc của mình khi đi tu. Xung quanh đó là 4 đống cát được đắp theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.Tết Chol Chnăm Thmây cũng có ba ngày chính. Trước giờ Năm Mới đến, mọi gia đình đều chuẩn bị bàn thờ cúng tổ tiên và cầu chúc một năm mới bình an thuận lợi.
Tết của người Inđônêxia
Người Inđônêxia theo đạo Hồi có Tết Baran. Họ thường nhịn ăn trong thời gian 10 ngày trước Tết. Họ chỉ ăn một bữa rất nhỏ trong ngày vào lúc Mặt Trời lặn và vẫn làm việc bình thường. Nghi lễ này biểu thị sự cảm thông, thấu hiểu của người Inđônêxia với những người nghèo khổ khắp nơi trên Trái Đất.
![nam moi](http://c.uploadanh.com/upload/2/90/0.4709616_5151_1.jpg)
Tết ở Ấn Độ
Tết ở Ấn Độ - Lễ hội Holy - thường diễn ra vào ngày 15/2 Âm lịch. Làng nào cũng dự trữ củi, rơm, rạ... để đốt lên những đống lửa từ đêm giao thừa 14/2. Vào đêm này, người ta cắt cụt móng chân và móng tay vứt vào đống lửa cùng với rác rưởi để loại bỏ những điều không tốt của năm cũ.
Tết của Mỹ
Vào đêm 31/12, hàng nghìn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời đại (Times Square) để cùng chờ đón khoảnh khắc đầu tiên của Năm Mới. Giây đếm ngược cuối cùng cũng là lúc một quả cầu pha lê tuyệt đẹp rơi xuống. Quả cầu chạm đất, mọi người cùng hô vang: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống ” Auld Lang Syne”, trong những màn pháo hoa rợp trời. Lễ đón Năm Mới truyền thống ở Quảng trường Thời đại bắt đầu từ năm 1904, khi chủ nhân của tòa nhà Số 1 trên quảng trường này tổ chức một bữa tiệc trên nóc dinh thự. Hiện nay, nóc của tòa nhà vẫn được chọn làm điểm đặt quả cầu pha lê được ghép bằng hàng nghìn mảnh thủy tinh tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ.
Tết người dân Côlômbia
Đốt “Ngài năm cũ” (Mr. Old Year) là phong tục truyền thống của người dân Côlômbia trong dịp Năm Mới. Mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm lớn gọi là "Ngài năm cũ". Sau đó, họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là những vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua. Tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa, thể hiện ước vọng rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách đầy lạc quan.
![nam moi](http://c.uploadanh.com/upload/2/90/0.4709615_5151_1.jpg)
Tết ở Đức
Lễ đón Năm Mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa, mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ bắt đầu điểm, họ nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau, coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào Năm Mới. Một số vùng nông thôn của Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là "thi leo cây". Các chàng trai thi nhau trèo lên nhưng cái cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là "Anh hùng Năm Mới". Ngoài ra, người Đức cũng có cách dự đoán Năm Mới khác đặc biệt. Họ để một giọt kim loại nóng chảy rơi vào nước lạnh và căn cứ vào hình dạng của nó mà đoán những điều sẽ xảy ra. Nếu là hình trái tim hoặc chiếc nhẫn thì sẽ có tin mừng về hôn nhân, hình một con tàu thì sẽ phải đi xa, hình con lợn nghĩa là sẽ được thưởng thức những món ăn ngon.
Tết của người Gana
Người Gana không đón Năm Mới với cây thông trong nhà, mà làm những ngôi nhà "Đón Xuân" nhỏ bằng lá dừa, dùng bóng đèn trang trí rồi dựng khắp nơi trên đường phố. Họ cùng tới các ngôi nhà này hát hò vui vẻ và quây quần bên mâm cỗ. Món ăn ngày Tết được ưa thích nhất là gà trống rán. Vào lúc nửa đêm, những người có xích mích trong năm cũ đều giải hòa với nhau, xóa đi mọi bực bội. Theo tục cũ, đúng vào lúc nửa đêm, một người trong gia đình được cử ra để thét một tiếng lớn, hoặc thậm chí là khóc lóc. Họ cho rằng tiếng thét này nhằm xua đi những điều không may mắn trong năm cũ. Vào 4 - 5 giờ sáng của ngày đầu tiên trong Năm Mới, người Gana đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng và bạn bè thân quen.
Tết ở Bungari
Tết ở Bungari không thể thiếu cành thông trang trí (tượng trưng cho sức sống bền lâu) cùng món bánh mì đen chấm muối (thức ăn truyền thống). Mọi người tặng quà cho nhau. Trẻ con cầm cờ hoặc cành cây đến từng nhà, đập nhẹ vào lưng người lớn, vừa đập vừa chúc mừng Năm Mới, người bị đập phải mừng tuổi tiền, bị đập càng nhiều càng may mắn! Trong bữa ăn đầu tiên của ngày 1/1, nhà nào cũng bày một cái bánh nướng to, giấu sẵn đồng tiền và hoa hồng trong nhân bánh, ai ăn được phần bánh có đồng tiền thì sẽ giàu sang, còn ăn được phần bánh có hoa hồng thì sẽ hạnh phúc trong tình yêu.
Tết ở Ixraen
Tết ở Ixraen (và của những người Do Thái nói chung) gọi là "Hanukkah", bắt đầu từ tối n25 tháng Kislev theo lịch Do Thái (thường trùng với tháng 12 Dương lịch) và kéo dài trong 8 ngày. Đêm giao thừa, cả gia đình thắp một ngọn nến trên chiếc đèn menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp thêm một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn nến sáng rực này ở cửa sổ để chuyển lời chúc mừng Năm Mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.
Tết ở Mianma
Tết ở Mianma (lễ hội Thing Yan) kéo dài từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 4 Dương lịch, vào tháng Tagu (tức tháng Giêng theo lịch Mianma). Đây là dịp lễ té nước và nó thực sự có ý nghĩa trong những ngày nóng nhất của xứ sở này. Mọi người ăn uống, vui chơi, múa hát rất tưng bừng và té nước chúc phúc cho nhau.
Tết ở Mông Cổ
Tết ở Mông Cổ (Sagaanxar) vào tháng Giêng Âm lịch và kéo dài 3 ngày. Phần lớn các món ăn Tết được chế biến từ sữa và trước lúc ăn, bát đĩa đều được rửa sạch bằng sữa ngựa. Lễ uống trà đón Xuân được tổ chức trang trọng: lúc giao thừa, người ta pha trà, rót chén đầu tiên đem ra sân, vẩy khắp 4 phía Đông - Tây - Nam - Bắc, chén thứ hai dành cho chủ nhà, rồi mới đến những chén khác mời khách... Sau đó, mọi người vui vẻ thưởng thức thịt cừu nướng và những sản phẩm được chế biến từ sữa.
Tết của người Nhật Bản
Người Nhật Bản tổ chức ngày lễ mừng Năm Mới cũng vào ngày 1/1 Dương lịch như các dân tộc khác, nhưng đồng thời, họ vẫn giữ niềm tin theo đạo Shinto của mình. Để đuổi tà ma, họ treo một sợi rơm ngang cửa nhà, tượng trưng cho hạnh phúc và may mắn. Khi Năm Mới bắt đầu, mọi người sẽ cười thật to với quan niệm rằng như thế may mắn sẽ tới với họ.Đúng 12 giờ đêm Giao thừa, khắp nơi trên đất nước Nhật Bản vang lên những tiếng chuông. Những tiếng chuông này còn được truyền qua đài phát thanh. Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái trong gia đình được sai ra đồng hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau. Ngày 7/1, chủ nhà sẽ đem nấu những lá "lộc xuân” đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng.
Tết của người Hàn Quốc
Vào đêm Giao thừa, người dân Hàn Quốc thường đặt rơm, cào hoặc sàng ở cửa ra vào, hoặc dựng vào tường để bảo vệ gia đình khỏi linh hồn ác độc. Ngày đầu tiên của Năm Mới được gọi là Solnal. Đây là thời điểm để gia đình thắt chặt lại quan hệ và chuẩn bị cho Năm Mới. Tới ngày thứ 2 của năm mới, tất cả thành viên trong gia đình sẽ mặc quần áo mới, biểu hiện cho một sự khởi đầu tươi mới và tập trung tại nhà thành viên nam lớn tuổi nhất. Tại đây, lễ thờ cúng tổ tiên diễn ra, người ít tuổi nhất trong gia đình sẽ chúc sức khoẻ người lớn tuổi nhất và thịnh vượng trong năm tới. Tiếp đó, người già sẽ trao những đồng tiền mới hay quà cho con trẻ. Các món ăn đặc trưng Năm Mới của Hàn Quốc thường là bánh gạo và súp tokkuk. Người Hàn Quốc tin rằng ăn loại súp này sẽ giúp họ kéo dài tuổi thọ.