quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Những ngọn đuốc mang tên phượng vĩ

Thứ Hai, 21/05/2012 | 10:41:00 AM

Những năm chiến tranh, những cây phượng vĩ ở vùng quê thân yêu của tôi cũng trải qua bao lần đạn bom, thương tích, tật nguyền...Vậy mà khi hè đến, phượng vĩ vẫn đỏ hoa, cành lá xanh tươi che mát nhiều khoảng sân.


Tác giả: Nguyễn Thúy Hạnh

Thế là đợt nắng nóng như thiêu như đốt đầu tiên đã qua, để ta lại chuẩn bị đón những đợt nắng nóng tiếp theo. Thật vui khi một buổi sáng, cậu con trai gọi điện thoại cho mẹ và nói rằng: "Mẹ ơi! Hôm nay nắng nở những bông hoa đẹp lắm. Mẹ ơi! Con không sợ nắng mà chỉ sợ...nóng thôi". Nhìn ra phía ngoài, màu nắng đang vàng tươi khắp bậu cửa.

Mùa hè đã về với ta nhẹ nhàng như thế thôi. Khắp nơi đâu đó xung quanh ta rợp trời sắc màu hoa phượng vĩ. Phượng vĩ là hoa của mùa hè, là món quà của thiên nhiên ban tặng tuổi thơ. Sau những ngày bận rộn với công việc, có khi ta quên mất thời gian, không nhớ cả ngày tháng. Khi đó phượng vĩ sẽ nhắc ta biết là Hè đã sang mùa. Không ai biết từ bao giờ mà người ta dùng cái tên "mùa hoa Phượng" để đặt tên cho mùa hè. Cũng không biết cái tên ấy ai đặt cho mà có. "Sinh con rồi mới sinh cha". Theo góc độ triết học, ta cũng chẳng thể phân định được rõ ràng là hoa sinh mùa hay mùa đã sinh hoa?

Phượng vĩ là một loài thực vật nhiệt đới, có nguồn gốc từ Madagascar. Phượng vĩ du nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ 19 và hiện nay được trồng ở khắp nơi. Vào mùa hè, đi bất cứ nơi đâu ta cũng nhìn thấy bóng dáng những cây phượng vĩ thân thương đang thắp lửa. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, chịu được điều kiện khô hạn, mặn. Hoa phượng nở từ khoảng tháng 4 đến tháng 6, thậm chí có khi còn kéo dài đến tháng 9. Hiện nay, phượng vĩ được trồng nhiều ở nước ta với nhiều chủng loại và màu sắc hoa phong phú như phượng đỏ, vàng, tím. Trong các màu ấy thì màu đỏ là màu được người ta hay nói đến nhiều hơn cả. Sắc đỏ của hoa phượng làm nao lòng tất cả chúng ta.

Đặc biệt hơn tất cả, cái màu hoa như màu lửa ấy đã từng làm ngẩn ngơ bao trái tim nghệ sỹ. Có lẽ vì thế mà bên cạnh những áng thơ còn có rất nhiều bài viết hay được khai sinh từ mùa hoa phượng vĩ. Khi nhận ra "chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18", nhiều nghệ sỹ đã gọi màu hoa phượng là màu ngọc lưu ly, là lửa, là cây đuốc sáng, là niềm tin tưởng, là ánh sáng mặt trời, là linh hồn mùa hạ, là nắng hạ kết tinh... Có người còn ca ngợi màu hoa phượng vĩ là màu "hồng trên một cõi", như muôn tiếng đàn cùng gảy, trong ánh sáng vời vợi của không gian.

Một nhà văn của thành phố Cảng khi viết về mùa hoa phượng vĩ đã phải thốt lên: "Hoa Phượng của tôi, tháng năm của tôi, em luôn nồng nàn, mãnh liệt, rực rỡ và cháy hết mình khi hạ về. Ơi những chú ve yêu dấu như không muốn ngủ, cứ hát mãi, cứ thức mãi cùng phượng em để mùa hè luôn rực cháy trong tim tôi".
 


Không chỉ có thế, màu hoa phượng vĩ còn làm xao xuyến bâng khuâng bao thế hệ học trò và được gọi là "màu hoa học trò". Không biết có phải vì mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò không, hay vì phượng vĩ còn là mái nhà chung cho đám học trò che mưa, che nắng, đùa giỡn, hái hoa, bắt bướm suốt một thời niên thiếu.

Bên những cây phượng vĩ là những kỷ niệm buồn vui, ngộ nghĩnh giữa thầy trò, bè bạn. Mỗi gốc phượng già đã từng là nơi lũ học sinh cùng nhau truy bài, họp nhóm... Rồi khi nghe tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ ra chơi, lũ học trò chúng tôi lại ùa ra như chim vỡ tổ đùa nghịch dưới gốc phượng. Đó là những ngày tháng tuổi thơ tuyệt đẹp thật khó phai.

Những năm chiến tranh, những cây phượng vĩ ở vùng quê thân yêu của tôi cũng trải qua bao lần đạn bom, thương tích, tật nguyền...Vậy mà khi hè đến, phượng vĩ vẫn đỏ hoa, cành lá xanh tươi che mát nhiều khoảng sân. Cái đẹp của phượng vĩ, là sự bền bỉ của nó qua thời gian. Hàng năm, loài cây này chỉ biết trụi cành, trầm mặc, lặng lẽ tích lũy dinh dưỡng trong suốt mùa đông để rồi sau đó lại cựa mình bật những mầm non, xanh tươi và thắp lửa làm rạng rỡ những tháng ngày còn lại. Trở lại trường xưa vào những ngày này, ta không khỏi bâng khuâng trước cái màu lửa đang bừng lên từ những ngọn đuốc bập bùng. Lặng lẽ dưới gốc phượng già, ta tự hỏi không biết nơi mái trường thân yêu này, có ai còn nhớ đến tên ta?

Từ dưới gốc cây, Kiến anh dắt Kiến em bò dọc theo thân cây Phượng đi tìm hút dịch từ những bông hoa. Những bông hoa phượng tươi rói ở tít trên ngọn cây, như trên đỉnh núi Everest cao vời vợi. Hai anh em nhà Kiến vừa chậm rãi bò, vừa nhớ lại bài học mà cô giáo đã dạy chúng năm nào. Đó là người ta cứ phải leo lên đỉnh núi Everest mà không thể dùng máy bay để bay thẳng lên đó. Đơn giản chỉ vì người ta không thể. Bởi lẽ, con người ta không thể lên cao quá nhanh. Khi ấy họ sẽ chết vì không làm quen được với khí hậu, áp suất, không khí loãng... Đó chính là lý do khiến nhiều người khi bị đẩy lên cao quá nhanh sẽ hay bị choáng và vấp ngã.

Cho đến nay, phượng vĩ vẫn là loài hoa mang dấu ấn của tuổi thơ, của thi ca và vẫn là loài hoa huyền thoại của bao thế hệ học trò. Cho dù trường lớp có được nâng cấp, xây dựng mới hiện đại đến đâu, thì trong mỗi góc khuất nơi sân trường vẫn được trồng những cây phượng vĩ mang sắc hoa đỏ thắm. Sắc phượng vĩ hồng tươi như màu lửa thắp sáng bao ước mơ hy vọng, khát khao và thúc giục thế hệ trẻ tiến lên bước vào đời. Bởi lẽ, khi phải chịu trách nhiệm về chính mình thì buộc phải lớn lên thôi. Song hành cùng với họ, loài hoa mang màu lửa ấy cứ cặm cụi, mải mê cháy đến cạn mình.

Cái màu lửa ấy là nơi kết tụ những tinh hoa của nắng, để khi nhìn thấy nó ai cũng cảm thấy thân nhiệt mình cũng bừng bừng như đang sốt. Có những cơn sốt làm tăng thân nhiệt, nhưng cũng có những cơn sốt không làm tăng thân nhiệt mà lại thiêu đốt tâm can. Những câu hát thưở nào cứ vọng về da diết: "Sau bài hát rồi em lặng im. cái lặng im rực màu hoa đỏ, sau bài hát rồi em như thế, em của thời hoa đỏ ngày xưa, sau bài hát rồi anh cũng thế...". Những giai điệu của bài hát nhắc lại với ta những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Nơi giảng đường hôm nay, thấp thoáng bóng người thày giáo cũ đang say mê giảng cho học sinh những bài học mới. Đó là bài học yêu quê hương, đất nước, mái trường và bài học biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Bởi lẽ, sau mỗi lần vấp ngã là thêm một lần ta được tiêm nhắc lại những mũi vắc xin...

(Tuần VN)

Lượt xem: 1493

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE