Hòn cuội, con đẻ của đá và nước, qua suốt cuộc hành trình từ núi ra biển, đã khẳng định rằng nó chưa hề thực sự tồn tại, nó chỉ chứng kiến sự biến dịch thôi.
Dr. Cà Xáy VACNE
1. Cuội là đá ? Tất nhiên rồi, nhưng cuội còn là nước
Cuội là cục đá tròn cạnh (nếu sắc cạnh nó đã được gọi dăm). Hơn thế, chỉ những loại đá cứng mới tạo ra cuội, nếu đá mềm thì đã phân rã từ lâu rồi. Điều này chắc ai cũng biết rõ. Nhưng đá muốn thành cuội phải có nước. Nước mài mòn, tuyển chọn, vận chuyển, sắp xếp, phân loại, lắng đọng cuội ở những chỗ nước muốn. Như vậy nếu đá là người mẹ đã thai nghén ra cuội, thì nước mới đích thực là cha của cuội. Vì lẽ đó người Việt thật sai lầm khi gọi nước là Bà Thủy hay Mẫu Thủy, đáng lẽ phải gọi là Ông Thủy mới đúng.
Rất khó đoán định mẹ đá của cuội ở đâu vì cuội có khi bị vận chuyển rất xa nơi nó phát tích, nhưng nhìn cuội rất dễ đoán định tính cách ông bố nước của nó. Cách đoán định này là một bí ”bí kíp” của một “võ môn” có tên là phép “Đánh giá nhanh môi trường”. Nếu các hòn cuội cùng một loại đá cứng như nhau thì hòn to nằm gần vùng phát tích ra cuội hơn hòn bé; hướng nghiêng của cuội chỉ ra hướng dòng dòng suối chảy từ đâu đến; nếu một bãi cuội lộn xộn các loại cuội to nhỏ khác nhau về hình dạng thì đích thực dòng suối này năm nào cũng có lũ, thủy chế thay đổi liên tục. Cuội lăn liên tục thì không bám rêu, do đó suối có cuội bám rêu thì suối ít chảy từ lâu (có lẽ do có đập nước ở đầu nguồn chăng?). Nếu cuội bẩn thỉu đầy bùn đất thì chắc chắn hay có lũ xảy ra và rừng đầu nguồn bị chặt phá. Nếu có nhiều hòn cuội bằng thạch anh trắng kích thước lớn thì bạn cố tranh thủ tìm kiếm, biết đâu bạn sẽ may mắn nhặt được cục vàng đấy…. Tất nhiên xác suất của thành công là rất …vi mô.Như vậy cuội là cuốn sách dạy bói môi trường đấy chứ !
2. Không biến đổi trong sự biến đổi
Do cuội là sự phản ảnh tính cách thất thường của nước nên nó luôn biến đổi về độ tròn, kích thước, độ cứng và cả thành phần khoáng của nó, vì nó vừa trôi theo dòng vừa bị phân rã. Vấn đề là tốc độ phân rã rất chậm mà thôi. Thực ra nó không trôi mà bị kéo lê. Trên đường bị kéo lê, nó cọ xát vào các hòn cuội hay tảng đá khác nên càng tròn nhanh hơn. Nhưng chẳng có hòn cuội nào là tròn tuyệt đối. Cuội là minh chứng cho nguyên lí “bản chất tự nhiên là gồ ghề”. Không bao giờ có hai hòn cuội giống nhau, vì lẽ đó bãi cuội thật đa dạng, thật đẹp, thật hoàn hảo vì nó không hoàn hảo tí nào, không có một hình mẫu nào cho cái gọi là bãi cuội cả. Thế mới là thiên nhiên. Nhìn hòn cuội cảm giác rằng nó không biến đổi gì. Thực ra nó không biến đổi trong sự biến đổi liên tục. Nó không thực sự tồn tại dưới một hình dạng, một kích thước hay một thành phần cố định. Hình ảnh bạn đang thấy ở nó chỉ là một thời điểm trong một chuỗi liên tục của cuộc đời lãng du của nó.
3. “Cuội học” – lí thuyết của lãng du
Bạn ra suối, thích hòn cuội nào thì lấy sơn đánh dấu vào nó. Chỉ qua một trận mưa lũ nhỏ, bạn sẽ không còn biết hòn cuội bạn thích đã trôi đi đâu. Nó có thể bị kéo lê rất xa. Nó cũng có thể bị vùi lấp đâu đó hay bị mài tròn đến mức bạn không nhận ra. Nó có thể bị cuốn vào đáy một thủy vực nào đó, bị bùn cát phủ lên rồi qua biến động địa chất mà trở thành một tầng đá cuội kết, bị giam trong đó hàng chục thậm chí hàng mấy trăm triệu năm vẫn chưa được giải phóng. Ở một hòn núi nhỏ trong thành phố Quy Nhơn có tầng cuội kết được các nhà địa chất xác định gần 1 tỷ năm tuổi . Tây Nguyên được giới địa chất coi là mảnh cổ lục địa có nguồn gốc châu Úc. Nói vậy thì các hòn cuội ở trái núi đó tại Quy Nhơn là “ngọai kiều” rồi !
Rất nhiều hòn cuội được các tay chơi đá cảnh cho là đẹp, sưu tập về trưng bày trong tủ kính, viết nhiều bài văn dài mô tả vẻ đẹp của nó, rồi bán lại cho nhau với giá cắt cổ. Ở Nam Phi trước khi người Anh sang, người ta không thấy vàng và kim cương có giá trị gì. Trẻ em chơi ngoài suối lấy các hòn cuội nhỏ bằng vàng hay kim cương ném nhau trong các trò chơi đánh trận giả. Vậy thì giá trị của cuội là do con người gán cho, chứ đã là cuội thì hòn nào cũng bình đẳng như nhau mà thôi. Vì vậy mà có người đau khổ vì cuội, suốt năm lo nơm nớp vì sợ mất trộm cuội, có đồng nào thì tích cóp để mua cuội hay đi săn cuội trên các dòng suối hiểm trở. Có người ăn cũng nghĩ về cuội, ngủ cũng mơ về cuội - có thế mới là người sành cuội, mới là người có phong cách thanh cao.
Dù là ở dạng cuội tự do hay cuội bị giam trong các tầng đá cuội kết thì cuội luôn là nhân chứng cho cảnh quan lục địa, phản ánh tích cách ông bố nước của nó. Đời cuội là một bản trường ca vô tận về lãng du. Cầm hòn cuội trên tay, nếu có duyên với nó, bạn sẽ đọc được bao nhiêu chuyện. “Cuội học” là lí thuyết của lãng du, lí thuyết của vô thường, vô sở cầu, cơ duyên, gồ ghề và bất toàn… Rất nhiều câu chuyện của cuội không khác gì câu chuyện cuộc đời một con người. Mỗi hòn cuội là thành viên của một dòng suối. Mỗi con người xem ra cũng là một hòn cuội trong dòng suối cuộc đời của mình. Nếu ngộ được “Cuội học”, chắc con người đỡ bon chen hơn, bớt tính toán làm giàu bằng cách tước đoạt của người khác, bớt thảm sát môi trường để có thể hưởng thụ cuộc sống chất lượng hơn, bớt xảo trá lừa lọc hơn, bớt xung đột và chiến tranh hơn. Quán tưởng để ngộ được các nguyên lí của Thực tại bằng cách chiêm ngắm cuội còn được gọi là “Thiền cuội”.
Thật không may là có rất ít người ngộ được “Cuội học”
Chú thích. Kính mời quý bạn đọc đón xem “Những lí lẽ của Thiên nhiên 5: cái lí của vùng Savan khô hạn”