quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Những lí lẽ của Thiên nhiên 3: cái lí của cây cối

Chủ Nhật, 24/07/2011 | 09:20:00 PM

Cây cối mọc tự nhiên ở đâu, ra hoa kết trái rồi chết thế nào là một câu chuyện còn nhiều kì bí. Cây cối là hoa của đất, chúng chứa đựng các nguyên lí của Thực tại.

 
Dr. Cà Xáy VACNE

1.Cây cối xuất hiện tự nhiên là do cơ duyên. Bạn có thể ngạc nhiên tại sao 2 cây mọc cạnh nhau, khá giống nhau về kích thước và cùng một loài nhưng một cây thì đầy rêu bám, còn một cây thì không, hoặc một cây thì bị dây leo quấn quanh, còn cây bên cạnh thì không. Trên một vỉa đá xuất hiện vài bụi cỏ chỗ này, nhưng chỗ kia thì không. Tại sao loài cây này xuất hiện ở góc rừng này mà không xuất hiện ở góc rừng kia, trong khi về mặt địa lí, thổ nhưỡng thì hai góc rừng ấy chẳng có gì khác nhau. Rồi thì còn chuyện những cây gạo mọc trong một làng ở Phú Thọ thì đầy tầm gửi bám, loại tầm gửi làm thuốc rất quý, nhưng cũng giống gạo ấy mọc ngoài làng hay ở đất làng khác thì không hề có tầm gửi; tại sao cây đa hay bóp cổ chết cây thị mà ít bóp cổ những cây khác,…
Cây cối là sinh vật có sinh có tử. Không như cây trồng được con người tuyển chọn và chăm sóc bảo vệ, những cây cỏ mọc tự nhiên là có lí do riêng, có cơ duyên riêng của chúng. Chúng mọc ở đấy là vì chúng …mọc ở đấy ! Vẫn còn chưa hiểu thấu đáo những quy luật gì điều phối sự hình thành các thảm thực vật tự nhiên.

2. Vai trò của cây cối không chỉ ở giá trị sử dụng do con người áp đặt, không phải lúc nào con người cũng hiểu hết. Con người chỉ chú ý đến các loài cây có giá trị sử dụng cho con người như lấy gỗ, làm vật liệu, làm chất đốt, làm thuốc hay làm thực phẩm. Tùy theo giá trị này mà họ gọi loài cây này là quý hiếm, còn loài cây kia thì …vô tích sự. Nhưng giá trị một loài cây không chỉ là giá trị đối với riêng con người mà còn có giá trị đối với các loài cây, loài con khác. Nhiều khi chính cái giá trị đối với các loài “không - phải - con người” này lại rất quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái; mối cân bằng này nhiều khi còn quan trọng đối với con người hơn cả giá trị sử dụng của các loài được biết. Ví dụ các loài cỏ còi chuyên mọc bò lan đến trâu bò cũng khó gặm lại có vai trò rất lớn trong bảo vệ đất chống xói mòn. Bạn biết rõ cỏ may là loài vô tích sự ngoài cái chuyện bám vào quần áo người ta “Hồn anh như hoa cỏ may, một chiều cả gió bám đầy áo em”. Nhưng nó vốn là họ hàng hoang dại của cây lúa, có sức sống rất dẻo dai và hầu như không bị sâu bệnh. Biết đâu có ngày con người phải cầu đến bộ gen của loài cỏ may để cải tạo giống lúa thì sao ?
Ấy vậy mà con người chỉ chăm chăm bảo tồn các loài “quý hiếm”, hầu như không ngó ngàng gì đến các loài “vô tích sự “ cả. Thật là một chiến lược bảo tồn khập khiễng. Loài vô - tích - sự hay loài - có - tích - sự đều bình đẳng trong tự nhiên. Cái lí đó loài nào cũng hiểu, chỉ con người không hiểu. Nước Úc chắc ngộ được cái lí này nên họ đã tiến hành bảo tồn các trảng cây bụi tự nhiên trong khu vực đô thị, cái trảng cây toàn những loài vô - tích - sự theo quan điểm của Việt Nam hiện nay
3.Vì những điều nói trên nên cái lí lớn nhất, cái giá trị nhất của một khu bảo tồn thiên nhiên chính là ở mức độ đa dạng loài của nó. Do đó rừng tự nhiên, nhất là rừng đặc dụng là tài sản quý của bất cứ quốc gia nào. Trong các khu rừng tự nhiên còn ẩn chứa nhiều quy định của tạo hóa mà con người còn chưa chứng minh hay bác bỏ được. Ở nhiều miền rừng, bà con các dân tộc còn giữ được các khu rừng thiêng. Không ai được đụng đến rừng thiêng. Những người dân vùng Phong Nha- Kẻ Bàng trước khi thành lập Vườn Quốc gia vẫn có tục lệ khi cần lấy gì trong rừng phải làm lễ xin. Vào rừng chỉ lấy đúng và đủ cái thứ đã xin rồi về. Nhiều nơi người ta còn lưu hành những câu chuyện về việc ai đó trót chặt cây cối trong rừng thiêng, khi về ốm lăn lóc (có người bị chết), sau phải mang trả lại rừng những thứ đã lấy đi mới khỏi bệnh (?). Nhiều ngôi chùa cổ Việt Nam có các pho tượng Phật tạc bằng gỗ. Đó là di sản của tín ngưỡng cổ xưa tin rằng cây cũng là Phật, cây cũng có Phật tính như người.
Những niềm tin dân dã trên vẫn làm các nhà khoa học hoài nghi, nhưng Cà Xáy tôi mong rằng đó là sự thật, để cho những kẻ phá rừng tự nhiên và nhất là rừng đặc dụng phải biết kính trọng rừng, phải biết sợ.
4.Thiền cây - cây cối còn là đối tượng của Du lịch Thiền, còn có tên là Zentourism,  một loại hình du lịch Nhật Bản mới được đưa vào và phát triển ở nước ta. Cây cối đi cùng với 2 thứ nữa là nước và núi đá để tạo thành bộ tam có tên là Tam bảo Du lịch. Mặt nước, Rừng cây và Núi đá là 3 tài sản quý hàng đầu của các loại hình du lịch gắn với thiên nhiên như Du lịch xanh, Du lịch thiên nhiên, Du lịch nghỉ dưỡng,…Cứ ở đâu có núi với rừng cây tươi tốt soi bóng vào một vực nước, biển hay hồ hay sông đều tốt, thì đã có những tiền đề cơ bản cho du lịch thiên nhiên rồi. Bởi vì du khách rất thích đến những nơi Tam bảo Du lịch, dù họ có thể không hiểu tại sao.
Tuy nhiên thiền cây lại cần có cây tự nhiên, hoặc cây trồng nhưng để tự nhiên. Nếu bạn chiêm ngắm cây bonsai hay cây cảnh được cắt tỉa trong công viên thì bạn chỉ có thể ngộ được nguyên lí “Vô sở cầu” mà thôi (xin mời đọc lại 10 nguyên lí Thực tại đăng trên web vacne.org.vn, mục Tản mạn Môi trường). Thậm chí bạn có thể bị “Tẩu hỏa nhập ma” khi chiêm ngắm những cây này. Chúng là những cây “quái thai dị dạng” theo quan điểm của tự nhiên. Còn theo quan điểm của con người thì chúng lại quá đẹp rồi.
Du khách ngắm cây trong tĩnh lặng, định tâm vào cái vỏ xù xì, vào sự phân cành, vào các bướu cây xuất hiện tại những vết sẹo do cành gãy, vào tán lá đang xanh lên hay đang rụng dần khi chuyển mùa, vào đám rêu hay dây leo trên thân cây,… Khá nhiều trong số 10 nguyên lí của Thực tại có thể được “ngộ” khi ngắm cây trong tĩnh lặng. Và cũng không cần phải có cây cổ thụ mới ngắm được, có thể ngắm bất cứ cây nào, kể cả cây bụi hay cỏ dại, miễn là cây tự nhiên.
Những nguyên lí vận hành Thực tại đầy rẫy trong thiên nhiên, đó chính là Thiền. Thiên nhiên chính là Thiền. Cây cối là một cuốn sách về Thiền học. Nếu có duyên với Thiên nhiên, bạn sẽ tìm ra cách đọc nó, khỏi cần phải đi tu.
Chú thích. Kính mời quý bạn đọc đón xem bài tiếp theo “Những lí lẽ của Thiên nhiên 4: cái lí của hòn cuội”.
 
 

Lượt xem: 2145

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE