quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Những lí lẽ của thiên nhiên 2: cái lí của đá

Thứ Bảy, 23/07/2011 | 10:44:00 AM

Đá sống rất lâu. Cả trăm triệu tuổi đá vẫn chưa được gọi là già. Đá không biết nói dối. Bằng ngôn ngữ không có lời, đá nói rất nhiều về những quy luật của tạo hóa.

 
Dr.Cà xáy VACNE
 
1.Đá là vật vô tri vô giác ? Không đúng ! Đá có cuộc sống và ngôn ngữ của riêng mình. Các nhà địa chất vẫn nói đá là trang sử của Trái đất. Nhờ đá mà họ đọc được lịch sử Trái đất gần 4,5 tỷ năm với bao giai đoạn thăng trầm. Qua nghiên cứu các hóa thạch trong đá mà họ biết rõ sự sống trên Trái đất xuất hiện khi nào và ra sao; khi nào sự sống lò dò lên cạn; khi nào Khủng long xuất hiện rồi biến mất và khi nào con người xuất hiện và thống trị Địa cầu; rồi khi nào một đại dương, một dải núi xuất hiện rồi biến mất, rồi các lục địa trôi dạt đi đâu,…Cũng dựa vào đá mà nhà địa chất biết tuổi tính theo năm của một tầng đá, một khối đá là bao nhiêu dựa vào các đồng vị phóng xạ hay cổ từ tính có trong đá. Chỉ có quan niệm về thời gian là điều khác biệt với con người ở chỗ một triệu năm, thậm chí mười triệu năm đối với đá cũng chỉ là một cái chớp mắt. Bởi vì tuổi của một tầng đá có thể hàng trăm triệu, thậm chí vài ba tỷ năm. Sống lâu nên “cụ” đá biết lắm chuyện và có lắm cái lí của “cụ”.
2. Cái lí hàng đầu của đá là ở chỗ đá sống rất dai nên chứng kiến sự thiên di của nhiều sự kiện mà con người rất khó hiểu cho đúng. Với cuộc sống mỗi con người quá lắm là 100 năm, một triều đại là 200 – 300 năm, một quốc gia là vài ba ngàn năm, một nền văn minh là 4 - 5 ngàn năm, con người lúc nào cũng nghĩ về, và ao ước sự bất tử, lúc nào cũng ao ước rằng dẫu có chết thì cũng phải để lại “cái danh” cho đời. Theo cái lí của đá thì những ao ước ấy của con người cũng giống cái ao ước được bất tử của một con khủng long 100 triệu năm trước, hay ao ước để lại danh của một con bọ ba thùy sống ở kỷ Cambri cách ngày này chừng 500 triệu năm. Vào thời đại của chúng, chúng là loài sinh vật hùng mạnh nhất trên Trái đất, giống như loài người ngày nay vậy. Thế giới biến đổi vô thường. Vì đá sống dai nên đá hiểu rất rõ “cái sự” đó. Rằng con người tốn nhiều năng lượng, nhiều thời gian, nhiều cuộc đời và rất nhiều sinh mạng cho những “cái sự’ không đâu vào đâu cả ! Vài chục triệu năm nữa thế giới này liệu có thể hiểu được cái loài tên là con người (Homo sapiens) vốn hay cô đơn và giỏi tưởng tượng, đã tự huyễn hoặc mình thế nào ?
3. Tự thân đá là một kho năng lượng. Đá là một tập hợp tự nhiên của các khoáng vật tạo đá. Đại bộ phận các loại khoáng vật tạo đá đều được kết tinh từ những khối magma nóng chảy từ dưới tầng sâu của trái đất trồi lên, một số khoáng vật hình thành trong các bồn trầm tích trên mặt đất sau đó bị nén sâu trong lòng đất rồi biến đổi. Năng lượng Trái đất truyền vào trong các mạng tinh thể của khoáng vật hoặc vào chính cấu trúc các tầng đá. Khi trồi lên trên mặt đất, các khối đá vẫn tích đầy năng lượng. Nhờ năng lượng nhận được từ Trái đất mà đá dâng cao thành núi. Núi ở khắp nơi, đá do đó cũng hiện diện khắp hành tinh này.
Đá “xả” dần năng lượng bằng cách phân rã để tạo ra các sản phẩm vỏ phong hóa mềm bở và ít năng lượng hơn. Bằng cách đó, đá cũng chết như bất cứ sinh vật nào có sinh có diệt. Năng lượng được đá xả ra sẽ đi đâu? Liệu có sinh vật nào hấp thụ được loại năng lượng kì bí này? Vấn đề này vẫn còn nằm ngoài khoa học. Nhiều ngôi chùa hay thiền viện thường được xây cất trên đỉnh núi tại đó các thầy tu ăn uống đạm bạc nhưng rất khỏe mạnh. Bà con miền núi có cuộc sống vất vả nhưng họ chiếm tỷ lệ cao những người thọ lâu nhất. Liệu năng lượng “xả” ra từ các tầng đá có tác dụng gì với họ không? Tại sao con người mỗi khi đến những cảnh quan có núi đá, rừng cây và mặt nước họ lại luôn cảm thấy thanh thản và nhân hậu hơn?
4.Các khối đá trông có vẻ trầm mặc. Người ta thường mang các khối đá về dựng trong vườn để tưởng tượng về sự ổn định, về sự vĩnh cửu, về sự can trường và thẳng thắn. Thực ra đấy chỉ là những tính cách con người gán cho đá. Đá chỉ đứng đó để phô bày các nguyên lí thực tại một cách khô khan và lặng lẽ. Bạn cứ ngắm một khối đá trong tĩnh lặng, bạn sẽ thấy đá cũng vô thường như mọi thứ khác trên đời. Nước chảy đá mòn. Đôi khi từ một khe nứt nhỏ, nhô lên một nhành cây, một khóm cỏ. Tất cả chỉ để nói lên một điều rằng, mọi thứ đều đang biến dịch, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm thôi.
Kẽ đá xù xì dưới gốc thông già,
Nhành mẫu đơn mới nhú,
Khẽ hát tình ca.
 
5. Đá là đối tượng ít được quan tâm bảo tồn nhất. Có lẽ gần đây các cảnh quan đá trong công viên địa chất mới bước đầu được quan tâm bảo tồn. Những vỉa đá dày đặc hóa thạch – trang sử của thế giới sống cổ xưa, các tầng đá có giá trị nghiên cứu khoa học, các miệng núi lửa cổ, các di tích đại dương cổ, di tích của các đới hút chìm, các dải xáo trộn ở rìa tiêu mảng (me’langes) – nơi các mảng đại dương bị hút xuống và nóng chảy bên dưới các mảng thạch quyển khác -  ở khắp nơi đã và đang bị phá hủy mà đáng lí chúng cần được bảo tồn cho du lịch và nghiên cứu khoa học. Ở Nhật Bản, những vỉa đá, khối đá có giá trị như vậy thường được bảo vệ, thậm chí được bảo vệ bằng các hàng rào hay lưới sắt. Có những quy định pháp luật cho các hành động bảo vệ này. Thuật ngữ tiếng Anh của các đối tượng địa chất được bảo vệ này là “geosites” hoặc “geomarks” tùy theo quy mô của chúng. Không được bảo vệ, thì ngay đến đá cũng bị biến mất như chưa từng có trên đời. Các vỉa đá chứa di tích hóa thạch cá cổ 300 triệu năm tuổi ở Đồ Sơn – Hải Phòng thuộc loại quý hiếm trên thế giới đã biến mất do san ủi làm con đường ra Casino Vạn Hoa là một ví dụ điển hình. Do phát triển thiếu cân nhắc, con người đã và đang phá đi những di sản thiên nhiên quý giá có thể không bao giờ gặp lại và chắc chắn không thể nào tái tạo được. Ngay chương trình hoạt động của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng chưa có có mục nào dành cho đá, cứ như đá không phải là Thiên nhiên vậy.   
Chú thích: Kính mời Quý bạn đọc đón xem “Những lí lẽ của Thiên nhiên 3: cái lí của cây cối”
 
 

Lượt xem: 1714

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE