Hàng năm, Việt Nam phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai với tần suất ngày càng tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Nghiên cứu mới đây của Quỹ Châu Á chỉ ra rằng trong 20 năm qua Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất
thế giới, với mức thiệt hại ước tính chiếm 1,5% GDP hàng năm.
Theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn&Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường), thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam thuộc loại lớn trên thế giới. Minh chứng là trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500
người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2% GDP cả nước; thành quả kinh tế trong 5-10 năm có thể bị biến mất chỉ trong một trận lũ.
Cụ thể trong 5 năm 2008-2012, thiệt hại do thiên tai về tài sản ước tính gần 74.000 tỷ đồng, tăng trên 19.300 tỷ đồng so với 5 năm trước. Tỷ lệ thiệt hại về tài sản so với tổng sản phẩm quốc nội thời kỳ 2008-2012 là 1,48% GDP/năm, trong đó tỷ lệ tương ứng của năm thấp nhất (2011) là 0,94% GDP, năm cao nhất (2009) là 2, 47% GDP.
Trong năm 2013, thiên tai đã làm 313 người chết và mất tích, 1.150 người bị thương. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013 ước tính gần 30.000 tỷ đồng, gấp trên 2 lần năm 2012.
Trên phạm vi toàn cầu,
thảm họa thiên nhiên trong năm 2013 ước tính gây tổng thiệt hại khoảng 130 tỉ USD. Số lượng người chết do thảm họa trong năm 2013 lên đến 25.000 người, tăng đáng kể so với năm 2012 (14.000 người).
Theo báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy thiên tai gây thiệt hại gần hàng trăm tỷ USD mỗi năm và thậm chí còn cao hơn do biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
Báo cáo cho biết, các thảm họa thiên nhiên đã gây tổn thất gần 4.000 tỷ USD trong 30 năm qua, trong đó 2/3 là do các cơn bão, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng. Vào những năm 1980, thiệt hại hàng năm là khoảng 50 tỷ USD và trong thập niên qua, con số đã tăng gấp 4 lần lên 200 tỷ USD/năm.
Các thảm họa liên quan đến
thời tiết, khí hậu, nước như bão nhiệt đới, nước dâng do bão, sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch chiếm gần 90% các loại thảm họa, gây ra hơn 70% thương vong và gần 80% thiệt hại kinh tế.
WB cho rằng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nước dễ tổn thương thích ứng với
biến đổi khí hậu và ứng phó với các thảm họa thời tiết. Việc xây dựng các công trình có thể chịu được thiên tai và hệ thống cảnh báo sớm có thể tốn kém song sẽ cứu được mạng sống của rất nhiều người và mang lại những lợi ích gấp 4-36 lần so với chi phí ban đầu.