Hà Nội có hơn 1.400 cây sấu cổ thụ, trồng ở khắp nơi trong thành phố, trong đó nhiều nhất vẫn là ở phố Phan Đình Phùng.
Thế kỷ 19, con phố này là dãy hào chạy dọc phía bắc thành Thăng Long, người Pháp đặt tên là đại lộ Boulevart Carnot. Từ năm 1945, phố được đổi tên theo tên của nhà yêu nước nổi tiếng Phan Đình Phùng và giữ tên đó cho đến ngày nay.
Bên cạnh hai cái tên chính thức đó, nhiều người Hà Nội vẫn biết đến con phố này với một cái tên bình dị là “phố cây Sấu”. Những cây sấu ở Phan Đình Phùng đều được trồng từ hàng trăm năm trước, dưới thời Pháp thuộc.
Nhà văn Băng Sơn từng nói : “Trong máu người Hà Nội có vị sấu chua”. Quả sấu không phải là cao lương, mỹ vị. Nó là thứ quả không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Hà thành. Một bát canh rau muống dầm sấu, hay một quả ô mai vừa ngọt vừa giòn cũng khiến loại quả này trở thành thứ quả bình dân được người Hà Nội yêu thích và là món quà quý gửi bạn bè, người thân ở phương xa.
Phố Phan Đình Phùng còn được người dân Thủ đô gọi với cái tên dản dị "phố cây Sấu".
Đã có một thời, trẻ lang thang ở Hà Nội sống bằng nghề hái sấu; cụm từ “kẻ trèo me, hái sấu” được dùng với nghĩa miệt thị những người nghèo; người ta tranh nhau dành quyền thu hoạch sấu, khi loại cây này còn giá trị kinh tế cao.
Hiện, người hái sấu mang đi bán không còn nhiều, cụm từ “trèo me, hái sấu” cũng đã đi vào quên lãng. Nhưng những con đường rụng vàng lá sấu hay vị chua mát của cốc nước làm từ thứ quả này, dù uống vội trong cơn khát, sẽ vẫn là những điều không dễ quên trong ký ức người Hà Nội.
Qua thời gian, những hàng Sấu vẫn đứng hiên ngang dọc phố Phan Đình Phùng, nhuộm vàng vỉa hè mùa lá rụng, xoa dịu lòng người trong những ngày hè oi bức và rì rầm như kể những câu chuyện về Hà Nội mỗi buổi bình minh…
Hà Nội bây giờ đã có nhiều nơi trồng sao đen nhưng nhắc tới loài cây này, Lò Đúc vẫn là cái tên đầu tiên gợi ra trong trí nhớ của những người yêu Hà Nội.
Thời Pháp, phố Lò Đúc từng được gọi là phố Lò Lợn (Rue de L’Abattorie), rồi lại được đổi thành Armand Rouseau. Đó là con phố duy nhất trồng sao đen ở Hà Nội đầu thế kỷ 20. Con phố với gần 50 cây sao đen thẳng vút, hiên ngang ấy đã từng có một cái tên hóm hỉnh là “phố cò ỉa”.
Thời đó, những tán sao đen um tùm là nơi hàng nghìn con cò làm tổ. Những buổi chiều hè, cò đi kiếm ăn từ các đầm hồ bay trở về tổ rợp cả góc phố Lò Đúc. Những người già sống ở nơi đây đều không quên được cái thời mình chỉ là những đứa bé mặc quần đùi, đi chân đất, cầm rổ chạy dọc phố để lượm lặt những con cá, tôm mà cò mẹ đi kiếm ăn về lỡ đánh rơi. Phố Lò Đúc khi ấy lúc nào cũng trắng xoá phân cò, người tản bộ qua đấy cũng rất dễ trở thành "nạn nhân" với những cái đầu lấm tấm trắng.
Sau những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, còi báo động hú suốt ngày đêm, đàn cò ở Lò Đúc rủ nhau bỏ đi và không bao giờ quay trở lại. Không còn bị làm phiền bởi nạn cò ỉa, nhưng những người dân ở Lò Đúc vẫn ngậm ngùi vì mất đi một thứ vốn dĩ đã quá quen thuộc với cuộc sống của mình.
Những con đường, góc phố lâu đời nhất ở Hà Nội đều gắn với một loài cây. Đường lý Thường Kiệt có cây cơm nguội; Hoàng Diệu lừng lững những tán xà cừ cổ thụ; Điện Biên Phủ bí ẩn với những gốc đa hàng trăm tuổi và Hùng Vương lại thơ mộng với hàng hoa ban tím được mang về từ đất Tây Bắc xa xôi.
Hầu hết cây xanh Hà Nội đều được trồng trong 100 năm trở lại đây, thời kỳ Pháp thuộc. Theo Giám đốc vườn Bách thảo Hà Nội Nguyễn Thị Thạch, những cây cổ thụ trong thành phố đều được ươm từ vườn Bách Thảo. "Từ một khu vườn hoang, cây cối mọc um tùm, vườn Bách Thảo được người Pháp quy hoạch thành một vườn thảo mộc với nhiệm vụ cung cấp cây xanh cho toàn thành phố Hà Nội. Vì thế những cây cổ thụ hang trăm năm tuổi đang ngày ngày xoè tán rộng hơn trên khắp các con phố đều được sinh ra ở đây", bà Thạch nói.
"Đi lạc” dưới những hàng cây trong thành phố, là cách nhiều người Hà Nội chạy trốn khỏi thế giới ồn ào, náo nhiệt, lấy lại sự thanh thản cho tâm hồn đang mệt mỏi và sức sống cho những cái đầu đã cạn kiệt ý tưởng sáng tạo
(Đất Việt)