Ba cây cổ thụ ở tỉnh Bến Tre (hai cây đa ở Đình thần Phước Tuy, xã Phước Tuy, huyện Ba Tri và cây Bạch mai ở Đình Phú Tự, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) được người dân địa phương coi là “báu vật” và luôn giữ gìn, chăm sóc. Không chỉ tỏa bóng mát cho sân đình, cây còn mang những giá trị tinh thần về mặt tâm linh đối với cuộc sống của người dân nơi đây. Đặc biệt, 3 cây cổ thụ đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản cấp quốc gia.
Đại thụ đa Ông và đa Bà
Theo các cụ cao niên sống ở làng Phước Tuy (nay là xã Phước Tuy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), năm 1820, để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân trong làng, ông Trần Văn Đạo - một trong những họ tộc đầu tiên đến mảnh đất này khai khẩn đã đề xướng thành lập ngôi Đình Phước Tuy để phụng thờ thành hoàng làng. Khi Đình xây xong, hai cây đa được trồng ngay trước ngôi chính điện, bên tả một gốc, bên hữu một gốc và người dân gọi tên là cây đa Ông và cây đa Bà. Phía bên phải là cây đa Bà, còn có tên khoa học là cây đa Tía, nằm ngay cạnh đường dân sinh, cao khoảng 28 m, thân hình xù xì, gân guốc, nhiều người ôm không xuể, tán rộng khoảng 30 m, cành lá xum xuê, che mát khắp cả một vùng. Còn cây đa Ông được trồng ở phía sau bàn thờ xã tắc (thờ thần Nông), có tên khoa học là cây đa Lông. Nếu như cây đa Bà xòe tán rộng như dang đôi cánh tay che chở cho dân làng, biểu trưng cho người mẹ che chắn cho đàn con thì cây đa Ông có tán vươn lên cao vút, thân cây to, đứng hiên ngang, sừng sững giữa trời xanh, như làm trụ cột cho người dân. Trải qua bao năm tháng, rễ cây rũ xuống, xuyên sâu vào lòng đất, tạo nên nhiều gốc phụ xung quanh.
Cây đa Bà trước sân Đình Phước Tuy
Dưới gốc đa Ông và đa Bà, người dân còn truyền tai nhau những câu chuyện huyền bí về sự linh thiêng của “thần đa”. Đó là vào năm 1959, lính Mỹ - Ngụy đã biến ngôi Đình thành nhà tù, tra trấn dân lành, đàn áp Cách mạng. Sau khi chúng tra tấn dã man người dân vô tội, một viên Cò Xám còn bắn chết chim linh đang đậu trên cây đa và bị thần linh quở phạt, phải chuyển nhà tù đi nơi khác. Cũng chính vì tin có “thần đa” phò trợ nên đối với người dân, dù không ai biết hai cây cổ thụ mọc lên từ khi nào, nhưng luôn tin rằng, đó là “linh hồn” của làng, như một biểu tượng của vị thần che chở cho con người.
Hàng năm, hai cây đa cho quả đúng một mùa, kéo dài từ tháng 4 - 8 âm lịch. Trái đa non màu xanh, vị chua, chát, khi chín có màu vàng tươi, mùi thơm nhạt và vị ngọt. Ngày nay, đình Phước Tuy còn là nơi sinh hoạt đời sống văn hóa của người dân cả xã. Hàng năm, người dân tổ chức cúng đình và dưới gốc cây đa Bà là nơi làm lễ tống phong sau mỗi lần cúng hội Kỳ Yên. Ngày 2/6/2015, cụm cây đa Ông và đa Bà được VACNE công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
“Thần mai” 300 năm tuổi
Cùng với hai cây đa, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn có một cây cổ thụ khác được công nhận là Cây Di sản cấp quốc gia, đó là cây Bạch mai, hay còn gọi là mai khê, nam mai, mai mù u vì có hoa giống hoa mù u, được người dân xưng tụng với nhiều tên gọi khác nhau như: “Cổ thụ mai, “Thần mai”, “Danh mộc bạch mai”, “Lão Bạch mai”... Đây còn là loài mai cổ thụ độc nhất vô nhị gắn liền với sự hình thành của vùng đất phương Nam từ thời khai hoang, mở cõi, đã nằm áng ngữ ở sân Đình Phú Tự (ấp Phú Tự, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) suốt hơn 300 năm qua, có sức sống mãnh liệt và được nhiều thế hệ người dân nơi đây quý trọng, tự hào, cùng nhau chăm sóc, giữ gìn, xem như là tài sản chung.
Cây Bạch mai 300 năm tuổi ở sân Đình Phú Tự
Cây Bạch mai cao khoảng 14 m, trải qua hơn 3 thế kỷ, hiện thân cây chính không còn, do ảnh hưởng của cơn bão vào năm Thìn (1952), nhưng từ gốc cây cũ đã mọc ra 9 nhánh, các nhánh trong tư thế nằm ngang mặt đất, dài từ 7 - 8m, tỏa thành tán rộng, chiếm diện tích cả trăm m2, che mát khắp sân Đình, tượng trưng cho mảnh đất chín rồng (Cửu Long). Dưới gốc Bạch mai trăm tuổi có một tấm bia gọi là “Bạch Mai Bi Ký”, được dựng vào Tết Canh Thân, năm 2000. Trên bia có ghi: “Phương Nam thời mở cõi/Rừng rậm cồn hoang/Sấu nghé cọp gầm/Sông sâu nước chảy/Xứ cù lao bốn phương tụ hội/Người Bến Tre mở đất lập làng/Nước ngọt cây xanh, đất lành chim đậu/Đình Phú Tự nhớ về nguồn cội/Trồng Bạch mai ghi dấu người xưa/Khí thiêng sinh hoa quý/Đất linh trổ người tài/Ba trăm năm một cội thần mai/Trải mưa nắng thành chứng nhân lịch sử/Nguyên tiêu hoa nở, xuân hết hương bay”. Năm 2014, Bạch mai được VACNE công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Theo các thành viên trong Ban Khánh tiết của Đình Phú Tự, mỗi năm “cụ” Bạch mai chỉ nở hoa duy nhất một lần vào dịp Tết nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng âm lịch) và tỏa hương thơm thoang thoảng khắp vùng. Bông mai trắng tinh tựa như loài sứ trắng, có nhị vàng và 4 cánh màu trắng, nhưng số lượng hoa nở rất ít. Người dân địa phương cho biết, hoa này đem ủ chung với trà để pha nước uống, sẽ cho vị ngọt, mùi thơm dễ chịu. Vào mùa Bạch mai nở, người dân thường lót vải bạt quanh gốc cây để lấy hoa mai rụng về phơi khô, rồi chia thành khoảng 800 - 1.000 phần nhỏ, đợi đến Lễ Kỳ Yên (ngày 16/3 âm lịch) sẽ phân phát cho những người đến cúng Đình lấy lộc đầu năm. Không chỉ gần gũi với cuộc sống thường nhật, đã hơn 300 năm qua, biết bao thế hệ người dân xã Phú Hưng đã trăm mùa vui Tết bên hương sắc thanh tao của Bạch mai cổ thụ duy nhất còn sống sót. Đó còn là niềm tự hào về Cây Di sản quý hiếm của địa phương và là biểu tượng của sức sống trường tồn, bền vững. Hàng năm, người dân còn tổ chức cúng Đình và thắp hương thành kính cúng bái cụ “Thần mai”. Đặc biệt, hoa mai chỉ hiện hữu vào một thời gian và số lượng hiếm hoi nên vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, các văn, nghệ sĩ khắp nơi lại tề tựu về đây để cùng nhau bình thơ. Chính quyền sở tại và Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre cũng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam dưới cội Bạch mai này. Ngoài ra, các ngày thường trong năm cũng có không ít khách thập phương đến dự lễ hội và tham quan ngôi Đình cũng như cây cổ thụ Bạch mai.
Cụm cây đa Ông - đa Bà ở Đình Phước Tuy và cây Bạch mai ở Đình Phú Tự được công nhận là Cây Di sản Việt Nam không chỉ là niềm vinh dự đối với người dân ở vùng đất này, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về lịch sử và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Ban Khánh tiết của hai ngôi đình khẳng định, sẽ quyết tâm cùng người dân giữ gìn, chăm sóc để các cây cổ thụ trên ngày càng xanh tốt, mãi là cây cao bóng cả và là biểu trưng văn hóa ngàn đời của người dân địa phương.