Khi thành lập chùa, thường người ta chọn vùng đất có nhiều cây cổ thụ. Ngoài việc trang hoàng cho ngôi chánh điện, sala (nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer), các tháp để chứa hài cốt,... thì trồng cây là một việc rất được chú trọng. Người Khmer ở Trà Vinh thường cư trú trên những vùng đất giồng, khô hạn và kém màu mỡ - loại cây mà bà con trồng phải là có khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, vững chãi, sống lâu và tạo được phong cảnh đặc trưng cho nhà chùa. Những cây có thân gỗ to lớn như dầu, sao,... đã được trồng nhiều vì phù hợp.
 |
Chùa KTưng (Chùa Chim) ở thị xã Trà Vinh trong khuôn viên có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Ảnh: PHỆCH SƯƠNE
|
Cây thường được trồng xung quanh các bờ hồ, hai bên cổng hoặc chạy dọc theo hàng rào chùa. Cây bồ đề vạm vỡ, có những rể phụ rất to từ thân buông xuống mặt đất, cành lá xum xuê; cây dầu và cây sao thân tròn, to thon, lớp da hơi xù xì, có cây khoảng hai ba người ôm mới giáp, rể nổi lên mặt đất và tạo ra đủ các hình thù độc đáo,... Cây trông giống như những hàng cột khổng lồ vươn mình lên trời xanh che chắn và bảo vệ ngôi chùa. Vào những mùa trổ hoa, hoa dầu và sao đỏ rực khắp các cành cây. Khi chín, gió thổi chúng bay xoe tròn rồi rớt khắp sân chùa, khắp các vùng xung quanh. Phía trên cành cây còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim, nhiều nhất là bồ câu, cu và sáo. Chúng rất dạn dĩ, thân thuộc, chung sống hòa bình và không ngừng sinh sôi nảy nở. Ban ngày bay đi kiếm ăn, buổi chiều chúng lại bay về. Những cây cổ thụ trong khuôn viên chùa vừa tạo nên một không gian xanh, thanh khiết, yên bình, vừa mang nét trang nghiêm pha chút trầm mặc của Phật giáo.
Sau nhiều năm, những ngôi chùa cũng đã trải qua biết bao đời trụ trì, nhưng cây vẫn tồn tại sừng sững. Có thể nói, cây chứng kiến biết bao biến cố của đất nước, của phum, sóc và của ngôi chùa. Nhiều cây còn mang thương tích của chiến tranh, còn mang những dấu khắc để lại. Nhưng dù cho có bị hư hại, bị tàn phá nhưng sức sống của chúng vẫn vô cùng mãnh liệt.
Một số chùa lại có sự ưu ái với một vài cây đặc biệt. Những cây đó được coi là những cây thiêng. Khi đó, tất cả mọi người không được làm bất kỳ điều gì tổn hại đến cây, đồng thời phải dành sự kính trọng tuyệt đối. Nhiều nơi xây hẳn một hàng rào bao quanh gốc cây, trong đó có bệ thờ, có lư hương và thường đem vật phẩm đến cúng vái.
Những cây cổ thụ ở các chùa Khmer Trà Vinh đã đi vào đời sống của người dân như một lẽ rất tự nhiên và chiếm hẳn một vị trí riêng trong tâm thức của bà con Khmer và cả người Việt, người Hoa. Có thể nói, những cây cổ thụ là tài sản vô giá mà từ các vị sư sãi cho đến những người dân bình thường, ai ai cũng đều yêu quí. Nếu lỡ không may có một cây nào đấy chết đi thì hôm đó là cả một ngày buồn của phum, sóc. Vào những ngày lễ hội như Chol Chnam Thmay (tết của người Khmer vào 15-4 Âm lịch), lễ Đôn Ta (lễ cúng ông bà, từ 29/8 - 1/9 Âm lịch), lễ họi Ok Om Bok (lễ cúng trăng vào ngày 15-10 Âm lịch), lễ dâng bông, lễ dâng phước,... mọi người đều quây quần bên dưới những cây cổ thụ để vui chơi, gặp gỡ, chuyện trò. Những ngày thường, các vị sư ngồi dưới những gốc dầu, gốc sao đọc sách hay những cậu học sinh ngồi dưới bóng mát để ôn bài, những em nhỏ nắm tay nhau vây tròn quanh gốc cây chơi đùa,... Nhiều người cảm nhận rằng dưới những gốc cây ấy, con người như hòa vào một không gian thiền định, như được trở về với tự nhiên, như được thanh lọc tâm hồn, như được che chở để cuộc sống được bình yên, hạnh phúc.


XUÂN SẮC
|