Hương ước xưa và nay
|
Hương ước là luật lệ của địa phương nhằm duy trì truyền thống, đạo đức, trật tự xã hội và văn hóa làng xã. Ảnh: vhttdlvinhphuc.vn. |
Thời phong kiến, các đơn vị dân cư là làng xã thường có hương ước riêng của mình. Tục gọi là lệ làng, một thứ luật lệ của làng xã do chính người dân tự bàn bạc, đồng thuận lập ra, được ghi thành văn bản để mọi người tuân theo. Đó là tập hợp các quy định về phong tục tập quán, cách sống của cá nhân, tập thể nhỏ (gia đình) đến tập thể lớn hơn (dòng họ) trong cộng đồng mà ai thực hiện tốt được khen thưởng, ai vi phạm sẽ bị phạt tùy thuộc vào mức độ “phạm tội” với làng xã. Lệ làng gần như một thứ luật địa phương để duy trì truyền thống, đạo đức, trật tự xã hội, văn hóa làng xã.
Trên cơ sở đó, các đơn vị dân cư tự quản mọi việc trong cộng đồng mình. Do tự mình đề xuất, nên ai cũng cố gắng tuân theo và giám sát nhau thực hiện. Tuy không mâu thuẫn với luật nhà nước mà chỉ nhấn mạnh những cái riêng, cái đặc thù của mình, nhưng nhiều khi nó còn có tác dụng hơn cả luật nhà nước, từ đó mới có câu tục ngữ “phép vua thua lệ làng”.
Ngày nay, căn cứ vào sự phát triển của xã hội và nguyên tắc “sống theo luật pháp”, nhiều làng xã cũng lập ra các lệ làng mới, hương ước mới cho phù hợp với thời đại mới. Từ 1989, hiện tượng tái lập hương ước xuất hiện và ngày càng có chiều hướng rõ nét.
Tại Hội nghị lần V Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) họp tháng 6.1993, Đảng chủ trương khuyến khích xây dựng và thực hiện hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn xã. Trên cơ sở đó, rất nhiều địa phương đã tiến hành tổ chức hướng dẫn các làng xã xây dựng, ban hành quy ước mới và xây dựng làng văn hoá.
Gắn bảo vệ môi trường vào hương ước
Ô nhiễm môi trường là hiện tượng phổ biến mà hầu như chẳng địa phương nào không gặp phải, đe doạ cuộc sống của mỗi người. Từ nguồn nước ăn và nước sinh hoạt bị ô nhiễm do phân bón và thuốc trừ sâu tích tụ đã bao nhiêu năm, từ nguồn thực phẩm hàng ngày chứa dư lượng chất bảo vệ thực vật cao quá mức quy định đến cách sống mất vệ sinh đã bao đời, bệnh dịch của gia súc gia cầm thường xuyên xảy ra, đống rác thải của làng ngày càng chất cao, ruồi nhặng, chuột bọ lấy làm nơi sinh sống, bốc mùi hôi thối… Dường như nhìn vào đâu cũng… có vấn đề.
|
Để lôi cuốn mọi người, cùng tham gia giải quyết những vấn đề môi trường chung của làng xã, không gì bằng hương ước theo truyền thống địa phương. Ảnh: vanhoattdlbacninh.gov.vn. |
Trước hết, tình hình đó là do sự quan tâm và ý thức trách nhiệm trước những công việc chung của mỗi người, mỗi gia đình còn kém, hiểu biết về tác động trực tiếp và sâu rộng của ô nhiễm môi trường trước mắt và lâu dài còn chưa đầy đủ.
Để lôi cuốn mọi người, cùng tham gia giải quyết những vấn đề môi trường chung của làng xã, không gì bằng hương ước theo truyền thống địa phương. Nhận thức được điều này, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp cùng Thuỵ Điển hướng dẫn nội dung cho một số địa phương (tại Hà Giang, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai) xây dựng các hương ước môi trường như các thí điểm ban đầu để nhân rộng trong một chương trình chung mang tên SEMLA (Chương trình hợp tác Việt Nam - Thuỵ Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường).
Hương ước môi trường có đặc thù gì ?
Cũng giống như các hương ước khác, hương ước bảo vệ môi trường (gọi tắt là hương ước môi trường) do chính người dân là “tác giả”, đồng thời là người thực hiện và giám sát nhau thực hiện. Trước hết, họ phát hiện và xác định các vấn đề môi trường tại địa phương mình (có sự đóng góp của các cán bộ chuyên môn), đưa ra phương hướng giải quyết và văn bản hóa các yêu cầu đối với mỗi người dân của cộng đồng trong công tác vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Những người soạn thảo hương ước tại địa phương là người hiểu hơn ai hết vấn đề của chính quê hương mình, điều kiện xã hội cụ thể của làng xã cũng như khả năng thực hiện, một bản hương ước được xây dựng nên có tính hiện thực rất cao, rất sát với địa phương, phù hợp với các đặc thù về cơ sở vật chất, nếp sống văn hoá, phong tục tập quán của địa phương mình.
Trước khi trở thành một văn bản chính thức, bản dự thảo sẽ được gửi đến từng gia đình góp ý rồi cũng nhau tổng hợp lại, bàn bạc, chỉnh sửa và thông qua. Bản hương ước đã được đồng thuận có sự cam kết bằng chữ ký của các thành viên của cộng đồng (đơn vị thường là gia đình) và các tổ chức xã hội (chi bộ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội phụ lão, hội cựu chiến binh, các trường học ở địa phương) có giá trị như các “lệ làng” thời hiện đại.
Để có sự ràng buộc về mặt pháp lý, các bản hương ước có sự xác nhận của Chính quyền địa phương (UBND xã, huyện…). Hương ước chỉ bổ sung hoặc thay đổi trong trường hợp pháp luật Việt Nam có thay đổi, bổ sung hoặc chính địa phương cần có những thay đổi bổ sung cho phù hợp với cách sống, phong tục của mình.
|
Nếu được thực hiện một cách đầy đủ, hương ước môi trường sẽ có tác dụng to lớn, giải quyết được nhiều vấn đề của làng xã. Ảnh: quehuongonline.com. |
Giám sát việc thực hiện hương ước
Việc giám sát thực hiện hương ước môi trường là một bộ phận trong việc thực hiện những hương ước khác cuả làng xã. Một ban kiểm soát được thành lập. Ban này có trách nhiệm kiểm tra xem kết quả sau khi hương ước được đưa vào sử dụng như thế nào. Họ cũng có trách nhiệm ghi nhận khiếu nại và xử phạt những cá nhân, gia đình vi phạm hương ước, rồi viết thành báo cáo gửi cho UBND xã. Số tiền xử lý vi phạm có thể chi cho quỹ Môi trường sau khi được bàn bạc tập thể.
Thực hiện đầy đủ một hương ước môi trường sẽ có tác dụng to lớn, giải quyết được nhiều vấn đề trong một tập thể nhỏ là làng xã, nhưng trước hết nó nâng cao được ý thức và trách nhiệm cho mọi người, làm mọi người quan tâm đến việc giữ gìn môi trường mình đang sống, bảo đảm sự phát triển bền vững, lâu dài. Cao hơn nữa, nó giúp mọi người quan tâm đến những công việc chung trong cộng đồng, lọai trừ dần một tiêu cực cố hữu ở nông thôn “miễn là được việc mình”.
Nếu như mỗi làng xã có một bản hương ước riêng, chắc chắn môi trường ở nước ta được cải thiện rất nhiều.