Lúc tuổi 15-16, tôi thường được bố tin cậy giao cho làm người "đánh" cây rơm. Để làm được việc này đâu phải dễ, nếu không biết trải rơm cho thật đều thì cây rơm không thể lên cao, chỉ 3 - 4m là đổ. Muốn đánh được cây rơm cao chừng chục mét người ta phải trải rơm rộng thành đường tròn có đường kính 4 -5m. Giữa vòng tròn ấy, người ta chôn một cây tre hoặc gỗ đường kính 30 - 40 cm, dài 7 - 8 m làm cốt, sau đó cứ thể trải rơm thật đều xung quanh và thành từng lớp. Thường, sau một lớp phải lấy chân dẫm xung quanh cây rơm cho thật đều.
Đánh cây rơm vào lúc trăng lên thì thật tuyệt. Gió nồm Nam trong đêm hè thổi vào mát rượi, trên bầu trời những ngôi sao lung linh toả sáng, ánh trăng đầu tuần nhô lên sau rặng tre làng tạo thành một bức tranh tuyệt tác mà chỉ ở miền quê mới có được. Còn nhớ đêm trước lúc lên đường đi chiến đấu, tôi đã thẫn thờ ngồi bên nàng dưới gốc cây rơm mà trò chuyện cho đến khuya. Hình ảnh ấy sau này còn đọng mãi trong tôi.
Mỗi mùa về, rơm ở làng quê trở thành một vật liệu được sử dụng nhiều. Sợi rơm nếp được tết thành chổi quét nhà rất sạch và nhẹ: "Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm. Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ. Chổi to bà quét sân kho, chổi nhỏ bà để dành bé chăm lo quét nhà... ". Mẹ tôi thường bảo: "Rơm chưa lên cây thì thóc chửa vào bồ”. Có lẽ chỉ ai đã trải qua những ngày lặn lội be bờ, cày cấy mới có thể hiểu được đúc kết sâu xa này.
Suốt những năm tuổi thơ, rơm là người bạn tri âm, tri kỷ của tôi và những đứa trẻ vùng quê lấy cây lúa làm nguồn sống. Khi vui, chúng tôi lăn vào đống rơm mà đùa thoả thích, tung rơm vào nhau, lăn lộn trên rơm suốt ngày không biết chán. Lúc bị bố la mắng, chúng tôi thường trốn vào đống rơm, phó thác cho rơm như tìm đến một sự chở che và sau đó là một giấc ngủ rất ngon mấy tiếng đồng hồ, khiến cả nhà lo lắng đi tìm.
Bây giờ, khi sống giữa đất Hà thành, thi thoảng tôi lại nghĩ đến sợi rơm vàng. Có lúc bỗng thèm mùi rơm tươi thơm ngòn ngọt chất thành đống ở sân gạch hay đơn giản là được thả bộ trên con đường làng mùa gặt, nghe bàn chân của mình ngập sâu trong những sợi rơm vàng êm ái.
(Quê Hương)