Trong một cuộc chơi Phan Thiết, đến những ngực cát, vú cát, cong nở vũ nữ cát, tôi được Dân mời đến nhà chơi, đến hai lần liền.
Thú thực mời người đến nhà chơi ở thời buổi này hiếm lắm, nhất là đàn ông mời đàn ông, đàn-ông-nhậu mời đàn-ông-nhậu đến thăm tư dinh là chuyện lạ đời.
Thường những cuộc tỉ thí vẫn diễn ra ở quán. Nhà thơ Nguyễn Duy có câu hay:”Trong việc nhậu thì nên làm-khách-tập-thể”.Đúng. Khách quý thường ít hơn chủ. Thế là”tập thể”tha hồ chăm sóc. Khách chỉ việc xơi, không phải rửa bát, lau bàn, không phải dọn dẹp cái đống chiến lợi phẩm nhả bã.Sướng. Xơi xong, phủi đít đứng dậy, đi về, cứ như trước đó chẳng có chuyện gì xảy ra.
“Làm khách tập thể” thì có làm cả đời…
Nhưng bây giờ mời nhau về nhà là chủ hai khách một, quấy rầy”bà ngoại”( vợ). Chí ít cũng phải dậy sớm đi chợ với thịt tươi, cá tươi, rau tươi, hành húng tươi và thêm cả hoa tươi. Dù ở thời nào của nhố nhăng, nhậu nhẹt, lè phè thì các em, các bà vẫn không có “hộ khẩu” ở các quán xá. Họ vẫn bình tâm tươi cười từ bếp lên phòng ăn, phòng khách. Muốn chồng ăn đủ ba bữa ở nhà. Có thu nhập khá nhưng nên đi làm đúng giờ hành chính, về với vợ con. Nên phấn đấu cho sự nghiệp, là người của công chúng càng tốt nhưng phải tuyệt giao với đàn bà, con gái ngoài đời. Không có bản lĩnh, lập trường vững vàng là sa ngã, vợ con mất nhờ.
“Thôi, cứ đưa khách về nhà, em nấu. Nhà mình thiếu gì rượu, cơ man ở dưới hầm. Ra kia uống nó thủng ruột ra đấy, nát gan vì cái đám men Trung Quốc(Ố!Không, men của phương bắc chứ không phải Tàu). Ở nhà, ăn uống vừa ngon, vừa rẻ, vừa an toàn, lại được uống chừng mực, không liêu xiêu về nhầm nhà”.
Đến thăm nhau thành ra vẫn quý hoá, thân thiện, ấm cúng. Sao cái thời biệt thự, nhà vườn, cao ốc, sấp ngửa tít mù này nó cứ chẻ chúng ta ra. Chụm lại chỉ nâng, chỉ cử tạ…li cốc, tan ra là bèo bọt, là rã rượi tâm hồn…
*
“Xuống ngựa” là gặp hoa sen nở. Hương hoa của Phật mời ta vào nhà đấy. Những chiếc lá rộng vành thơm ngát vẫy chào và nhắc nhở từ tâm.
Tuần nào, thảo Dân nặng một trăm kí cũng lội bùn một lần, dùng gậy lớn sục lên sục xuống, cho hoa ăn đậu phụ. Cái lão hộ pháp này không từ một việc gì, nặng thế mà thoăn thoắt, trông chẳng kém nông dân, mỗi khác là quần soóc trễ bụng.Ô kìa, lại cười, cười thôi rồi, ngày mai thiên hạ có được cửa nhà của Dân không(?)
Hoa sen vì thế, bốn mùa. Bốn mùa dâng lễ lên trời cao đất dày. Với cái tốt trời cho, quần quật như trâu, lắm bạn đông bè, sen hồng cứ nguyện là chào hỏi lúc Dân đi, hân hoan lúc Dân về, cầu cho Dân phúc dày, lộc lắm, bình yên vô sự, công thành danh toại, không gây sự ai và không ai gây sự với mình.
Chương một của nhà Dân là mở đầu với sen trong một khu vườn rộng rãi, yên tĩnh, nơi bất chợt Dân bị buồn là về đứng đấy, suy tư nhìn sen và con đường…đời chạy ngang trước mặt.
*
Một thói quen vừa hay vừa dở của Dân là thường lái xe một mạch đường dài. Sài Gòn-Phan Thiết hả, ba trăm cây.Cái vù, không nghỉ. Đi vệ sinh không màng. Trên xe đủ thứ. Nước chè nóng trong phích nhỏ. Vợ rót ra nắp, một tay vừa lái vừa hơ vào điều hoà xe cho bớt nhiệt, ngon lành từng ngụm. Bánh mỳ kẹp xúc xích?. Có ngay. Một siêu thị hầm bà làng ở ghế sau phục vụ công việc và cả viễn du.
Lao về là lao qua cửa phòng khách, vòng thẳng ga ra không mái phía trái nhà, xuống xe, khiêng đồ vào nhà rất tiện. Cái ga ra ấy thực ra cũng là vườn, cây lá xum xuê, che xe lẫn che những cuộc nhậu bạn bè khi thấy ngồi trong nhà không còn hứng thú nữa.
Phòng khách của Dân là một không gian đẹp. Ghế bàn giản dị, an toạ bình tâm và tốn rượu. Bên phải là một phòng ngủ thoáng đãng, từ phòng ấy có một chú chó bước ra nhìn khách, vừa ngây thơ vừa ngơ ngác. Nó có vẻ không quen với một vị tóc dài, đeo kính gông to, nói cười toang toác, hút thuốc như ống khói, đập li như gõ búa, đi lại như người nhà. Rõ là nó được sống trong ngăn nắp và quy chuẩn thì mới lạ với cái loại khách quái gở ấy.
Đi khỏi phòng khách lại là phòng khách. Lạ nhỉ. Khách gì lắm thế.”Không, phòng khách ngoài là khách “dương”( ghế bàn trên mặt nền cốt 0), còn đây là “khách âm” (ghế bàn thụt xuống âm nền chừng bảy tám mươi phân gì đấy)”. Lại cứ tưởng ngoài thì tiếp nam, trong thì tiếp nữ.”Ngồi ở âm hay ra phết đấy, đôi lúc phải hạ mình xuống. Hạ xuống gây một cảm xúc khác: mát, êm dịu hơn và có thể là thoải mái hơn với tuỳ người”
*
Ở bếp đang diễn ra một trò chơi lạ…
Cả nhà Dân thích ăn cá, hợp với cá, nhất là cá biển. Hai vợ chồng ăn ngon lành những món ăn có gắn với cá. Cháo cá là khoái khẩu. Dân ăn sáu đến tám bát. Vợ ăn hai đến ba bát. Vợ Dân dịu dàng, ít nói, uy nghiêm. Vẫn chờ Dân ở sân bay mỗi lần đi xa về, như xưa, như chưa hôn nhân, bịn rịn và kín đáo, như bù lại cho nhau những cay đắng…
Có lẽ vì mê ăn cá nên Dân mê chơi cá. Loại cá không ăn được mà chỉ ngắm. Toàn bộ sàn bếp được lát một tấm kính lớn, kính an toàn thay cho gạch lát nền và dưới là một bể cá chừng hai mươi mét vuông, trong suốt. Những con cá vàng cỡ lớn đủ màu” vẫy cánh” chú không phải vẫy vây, vẫy đuôi nữa. Nó lượn lờ thi hoa hậu dưới chân. Vừa nấu bếp vừa nhìn, vừa ăn cơm vừa ngắm. Nó “vẫy cánh” cho cơm chiều quây quần, dễ tiêu hoá, nó pha loãng sự bực dọc ngoài đời, ngoài đường và những trục trặc thực ra không đáng có ở thế- giới- người.
Đi lên cái nền kính ấy, rờn rợn, run run. Cái nền do Dân thiết kế nó giống bản tính của ông chủ: Ngược chiều để thuận chiều, dịu dàng và rờn rợn, lì cứng và dễ vỡ… Người đàn ông to khoẻ chừng ấy, đã không ít lần bất động trong cabin xe bất động, rồ máy tại chỗ và òa khóc. Khóc cái gì, cái gì khóc… Thôi mà, rồi “ngây thơ” sẽ lớn, nỗi đau sẽ qua. Có một nhà văn nói: chẳng có gì là vĩnh cửu cả, hạnh phúc, bất hạnh, tổn thương, những lê lết đường đời…
*
Cái khoảng sân chênh chếch với gian bếp đây rồi.
Một khoảng trữ tình dành cho chúng ta, những cá nhân đầy áp lực, êm đềm nhưng bất thường dậy sóng, riết róng với những gì mình ấp ủ, thích biến quả trứng thành con gà chỉ qua một đêm. Chúng ta thành công, bi kịch và đôi khi… tội nghiệp!
Cây vẩy ốc bám trên những bức tường của không gian êm ái ấy như phản diện, như bộc lộ vẻ xù xì của bọn đàn ông mang tiếng khác người. Những li ti, chồng lớp, cũ kĩ của kinh nghiệm và lối sống. Nó giống ngoại hình của con tê tê, loài động vật ẩn hiện, dễ thích nghi nhưng lại đầy cá tính.
Tuần nào dân cũng Sài Gòn, 7h sáng thứ 2 nào cũng sân bay đi Đà Nẵng, Vinh, Hà Nội, thoắt cái lại ở đâu đó của thế giới. Cái con tê tê ấy nghe đâu cũng là loài bò sát giống trăn, giống rắn. Nó lột y phục để sống, để sống dài lâu trước sự săn bắt của con người. Nó làm nao núng bản lĩnh của hữu hạn. Tuổi thọ của chúng ta là chừng mực thôi. Thấp hơn con mồi của ta rất nhiều…
*
Đến nhà Dân không kịp ăn cơm vì còn phải đi thăm Vũ nữ cát. Nhưng được ngắm, được soi xét một cá tính. Sắp đặt là một nghệ thuật của cá tính. Một ngôi nhà không dễ có. Ngôi nhà, qua bao thăng trầm vẫn có “nhà tôi”.
Dân sống bình yên trong căn nhà ấy, vườn tược ấy, sống chậm trong khuôn viên thoáng mát vì ngoài đời nhanh quá. Cứ thong thả như vội vàng. Chúng ta tích phúc, cứ xếp hàng là đến lượt, ngay cả trước cái chết.
“Chuyện nhỏ. Lo gì ông ơi”. Đúng là Dân.