Tác giả đang thuyết trình về hoạt động của VFEJ trong khuôn khổ dự án truyền thông về môi trường dưới sự tài trợ của FK
Lần đầu tiên tôi thoải mái trong chiếc áo phông, như các TNV khác. Từng là quan chức nhỏ nhất (trưởng phòng) cấp sở, nhưng là phòng quản lý Báo chí, xuất bản và bản quyền, tôi đã dự không biết bao lễ khai mạc.
Nói chung là cần thiết, cũng có nhiều cuộc chỉ là hình thức. Nhưng điều phải nói là hầu hết các lễ khai mạc ấy, từ trung ương xuống địa phương, nhất là địa phương đều có cùng một kiểu giới thiệu khắp lượt, rồi kính thưa lặp đi lặp lại, sốt ruột người nghe, rất mất thời gian.
Tôi đã có một bài trên báo văn hoá, Về văn hoá giới thiệu phân tích, phê phán và kiến nghị về việc này, chỉ giới thiệu người có chức vụ cao nhất, còn thì giới thiệu chung, gộp cả lại. Nhiều năm sau thấy Chính phủ ra hẳn một nghị định, theo đề suất ấy.
Cũng trong nghị định ấy, còn quy định, không khuyến khích biểu diễn văn nghệ trước khi tiến hành một hội nghị. Đấy cũng là kết quả của một bài phê phán của kẻ ngứa mồm này trên báo An ninh Thủ Đô, Đừng tra tấn bằng văn nghệ. Tình hình ấy chỉ cải thiện được một thời gian không lâu. Giờ đâu lại hoàn đấy.
Ngày 19/3/2010 xem các bạn tổ chức lễ khai mạc khoá đào tạo lần thứ 14 tại AIT từng có hơn 4000 lượt người đã qua đây sau 14 năm càng thấy nể. Giản dị đến mức không thể giản dị hơn, đến lượt ai lên nói thì người dẫn chương trình giới thiệu người ấy. Và người ấy vô cùng giản dị, thân tình khi hỏi: trong các bạn những ai lần đầu tiên ra nước ngoài (2 người), lần đầu tiên xa gia đình (7 người).
Chúng tôi sẽ làm cho các bạn không có thì giờ mà nhớ nhà và thực tế cho thấy lúc chia tay, không chỉ một người rơi nước mắt đâu. Chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những kỹ năng cần thiết cho công việc sắp tới, cộng với kỹ năng sẵn có, các bạn sẽ cải thiện được một bước đáng kể, cả trình độ tiếng Anh và kết quả hoạt động của mình. Chính các bạn quyết định sự thành công của mình chứ không phải FK hay AIT.
Bây giờ, mấy chục người quây thành một vòng tròn lớn. Hai quả bóng tenít được người này chuyền cho người bên cạnh. Một vòng, hết 30 giây. Lần thứ hai, đứng sát nhau hơn, chu vi thu hẹp lại, không phải mỗi tay đón một quả mà là hai bàn tay khép lại hứng hai trái bóng người kia đổ vào. Hết 27 giây.
Lần thứ 3, mọi người xếp thành hai vòng tròn đồng tâm. Hai vòng người quay mặt vào nhau. Bóng vẫn qua tay tất cả mọi người, nhưng thời gian lại rút được mấy giây nữa. Kết luận rút ra là, con người luôn luôn phải rút kinh nghiệm, phải cải tiến. Quỹ thời gian của mỗi người như miếng da lừa Ban Zắc mỗi ngày một co lại. Sử dụng thời gian là vấn đề của trí tuệ, là kỹ năng sống, nghệ thuật sống.
Lồng lộng con người
Giảng viên của chúng tôi là bà Teresta Suselo, người Philippines cổ ngắn, mình ngắn, chân ngắn. Ngắn đến mức bà đứng mà chỉ bằng các học viên ngồi. Nhưng hình như bà không hề mặc cảm về điều đó. Phụ nữ có thể đi giày, dép cao trên dưới mười phân để tăng chiều cao cơ mà.
Một vị nguyên thủ quốc gia, có thấp lắm đâu mà cũng thửa giày để cao thêm dăm bảy phân nữa. Tôi nhìn xuống đôi dép rọ giản dị dưới chân bà. Nó mỏng dính như đôi dép mo cau của các bà nông dân Việt Nam nghèo ngày xưa vậy. Cái gì cũng ngắn, chỉ trí tuệ là dài. Có lẽ bà tự biết như thế. Giọng bà khúc triết mạch lạc. Sự tự tin thể hiện rõ trên gương mặt đầy đặn phúc hậu như một bà mẹ Việt Nam đã có tuổi.
Trong lớp chỉ có hai người là tôi và một người nữa không hiểu bà nói gì. Người kia ngồi như chúa Tầu nghe kèn và tôi – chỉ hiểu lõm bõm qua thông dịch viên ngồi bên. Lõm bõm thôi, bởi chính người dịch cũng chỉ hiểu lõm bõm. Hai lõm bõm thì bằng một bập bõm rồi còn gì.
Tôi tự chán mình, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Ngày nào còn dạy học ở một tỉnh lẻ, cũng đã tự học quốc tế ngữ ESpéranto. Nhưng rồi cũng bỏ só vì chẳng ai dùng, để bây giờ… như kẻ mất sổ gạo!
Vì không hiểu gì nên tôi cho phép mình quan sát bà và những người khác. Họ đều biết tiếng Anh, nên nét mặt tỏ ra rất chăm chú. Mắt cứ sáng lên như nuốt từng lời, chứng tỏ họ rất hiểu điều bà nói. Nhiều lần bà dừng lại, đặt câu hỏi, học viên trả lời, bà phát triển, mở rộng.
Nhiều lần bà làm các học viên cười, cười thích thú bởi khoái cảm trí tuệ chứ không phải vì lối pha trò rẻ tiền. Tôi càng cảm phục người phụ nữ lùn tịt có chồng là người Inđônesia và hai đứa con đã làm nên điều kì diệu để mọi người đều gặp nhau trong tiếng cười hoà hiếu, hoà hợp, hoà đồng.
Tiếng cười xóa tan sự cách biệt. Nhìn ai cười cũng đẹp, cũng đáng yêu, cũng gần gụi thân thiết. Chị Elidabet, người Philippin, thấp đậm, nụ cười tươi rói cởi mở thân thiện. Cô Lý Nghi Nồng, người Trung Quốc, cổ cao ba ngấn cười bẽn lẽn có những nhận xét về mỗi người trong văn phòng VFEJ khiến tôi phải kinh ngạc.
Anh Tài, người Lào, sinh năm 1977, nặng 107 kg, đồ sộ như võ sĩ su mô, cười thật dễ thương sẽ sang Trung Quốc làm việc 10 tháng. Còn Poóng, cũng ở Thời báo Viên Chăn như Tài, sinh năm 1983 sẽ sang làm việc ở báo Đầu tư VN (ban Tiếng Anh) có gương mặt rắn rỏi, chỉ có 52 kg cười rụt rè hỏi tôi, Hà Nội có nhà thờ không? Có một cô gái cao dong dỏng, đầu, mặt như một vũ nữ Ba lê, đẹp từng cm, chân dài miên man, tóc vàng búi cao, người của văn phòng FK nên chắc hẳn là người Na Uy.
Tôi đưa sổ tay, ra ý để cô ghi tên mình. Hàm răng đều, trắng cười mê hồn. Môi dưới hơi dẩu dẩu mấy cái thật đáng yêu trong khi tay vẽ một con mèo đủ cả đôi tai, sáu cái ria dài, cái đuôi cong tớn rồi viết chữ cat bên cạnh, dưới ghi địa chỉ hòm thư. Hóa ra con mèo xinh xắn này tên là Catherine, người thân gọi là mèo con, bố người Úc, mẹ người Thái, làm nhân viên FK được năm năm rồi.
Tôi bảo gien trội ở bố cô rất cao, cháu Hương, TNV VN sẽ sang làm việc ở Trung Quốc, quay sang bảo không dịch được. Nhưng chả sao, vẫn hiểu được nhau nên cô mới nói thêm, ông bà ngoại cô lại là người Trung Quốc.
Bây giờ hôn nhân không biên giới là chuyện tự nhiên như bản chất cuộc sống vậy. Với cộng đồng châu Âu và khối Đông Nam Á bây giờ, biên giới cũng chỉ còn là ranh giới lãnh thổ, không phải xin visa nữa. Khi ngôn ngữ không còn là rào cản thì có gì ngăn được con tim đã tìm được nửa của mình.
Nhiều người, phần nào đó có tôi, cứ lấy làm lạ, khi thấy nhiều cô gái Việt không đẹp theo kiểu truyền thống (ví dụ nhất dáng nhì da) mà các chàng ngoại quốc cứ mê tít.
Có lẽ quan niệm về cái đẹp phụ nữ của tôi không theo kịp với thiên hạ chăng? Cái câu Nhan sắc chỉ cần một lần trong lễ cưới, còn tình yêu thì cần suốt đời đã là một chân lí. (dĩ nhiên tương đối thôi).
Có lẽ điều cốt yếu là hiểu được nhau, có khả năng chia sẻ, cảm thông, nhất là khả năng hợp tác, khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh sống, với nhiều nền văn hóa khác nhau, có khả năng hài hòa giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất.
Thảo Griffis, trưởng văn phòng Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, nhân vật trong một bài ký dài của tôi, là một người như thế. Chị Nisa người Thái Lan, chuyên viên văn phòng FK châu Á cũng là một người như thế.
Cái cách chị lắng nghe và giải quyết những mâu thuẫn quan niệm nho nhỏ giữa TNV Việt Nam ở Trung Quốc trong lần họp giữa kỳ ở Hà Nội đầu tháng 10/2009 và cuộc họp cuối kỳ ở Bắc Kinh cuối tháng 12/2009 làm tôi tâm phục, khẩu phục.
Và một điều nữa cũng thú vị, những người phụ nữ thế này và tất cả phụ nữ dự lớp tập huấn, cả những người quản lí, các đối tác, không một ai đeo nữ trang và trang điểm. Có thời, một lãnh tụ nước nọ, hô hào phụ nữ nước mình bất ái hồng trang, ái vũ trang (không thích điểm trang, chỉ thích vũ trang). Quan niệm ấy cùng với quan niệm Súng đẻ ra chính quyền đã lỗi thời và những người phụ nữ thời đại ở bất kỳ nước nào cũng đều muốn vươn lên thành người phụ nữ toàn cầu.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến một lớp tập huấn vui như thế. Chưa bao giờ tôi ngồi cùng lúc với các bạn mang nhiều quốc tịch đến thế. Chợt xót thương cho chính mình bởi sự ấu trĩ kém cỏi đầu đời. Khi ấy, tôi chỉ biết đủ các thuộc tính của văn chương, trừ thuộc tính quan trọng nhất làm nên giá trị nhân loại – nhân tính. Mặc dầu vẫn thuộc lòng câu ông cha ta dạy – một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
Hồi chống Pháp chúng tôi vẫn hát: Vàng đen trắng nước da không chia tấm lòng. Biên giới kia ngăn chặt mối dây thân tình. Phản động kia không ngăn lòng yêu chứa chan. Có đoàn thiếu nhi, chỉ mong yên vui thái bình… (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Mãi đến bây giờ mới thành hiện thực, không phải chỉ với trẻ con mà là với người lớn. Mãi gần đây mới biết thế giới người ta có hẳn một môn khoa học gọi là nhân loại học.
(còn nữa)