Sống giữa nơi ngút ngàn rừng xanh, chị Lương Thị Huệ ở bản Cành Khỉn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) lại dành tiền của và công sức để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hỏi chị về cách làm giàu, chị Huệ nở nụ cười tươi rói và chỉ tay về phía đồi xa: “Tất cả đều bắt đầu từ rừng đấy. Cách làm của tôi rất đơn giản là phủ xanh đất trống, đồi trọc”.
Chị Lương Thị Huệ trong cánh rừng do mình vun xới (Ảnh: Bắc Vũ)
Hãy yêu lấy rừng
Chị Huệ sinh ra và lớn lên tại xứ sở của rừng thuộc miền Tây xứ Nghệ. Đời sống của gia đình chị gắn chặt với nơi này. Trước đây, tất cả vùng núi rộng lớn này được bao phủ bởi rừng nguyên sinh. Do cuộc sống của bà con còn khó khăn nên rừng cứ bị rút lõi dần, nhiều vùng bị biến thành đồi trọc, núi trống. Là người lớn lên tại nơi này, hình ảnh đại ngàn dần biến mất khiến chị không khỏi xót xa. Ngày đó chị cứ thầm ước, một ngày nào đó mình sẽ bỏ công sức ra để trả lại màu xanh cho rừng.
Như bao thiếu nữ người Thái trong bản, lớn lên chị lấy chồng. Chồng chị là người địa phương và cũng có nỗi đau đáu giống chị là mong muốn được trồng rừng. Cuộc sống của anh chị lúc đó vô cùng khó khăn. Hai đứa con lần lượt ra đời khiến anh chị làm quần quật cả ngày mới lo đủ cái ăn, cái mặc. Chồng chị còn tham gia công tác tại xã nên nhiều khi đi nương, đi rẫy chỉ có mình chị. Từ sáng đến tối chị bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn nghèo khó. Nương, rẫy ngày càng bạc màu, năng suất của cây ngô, cây lúa cứ giảm dần.
Cuộc sống quá khó khăn, nhiều ngày trăn trở tìm cách mưu sinh, chị nhớ lại lời dặn của cha mình, người ở miền núi phải giữ được rừng. Rừng cho thức ăn, cho nước uống và cho cả cơ hội đổi đời. Nhớ lời cha dặn, chị bàn với chồng mua cây giống để trồng rừng, vay vốn của Ngân hàng chính sách huyện để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Tay cuốc, tay dao, vợ chồng chị làm quên ngày tháng, ra sức phát dọn cây dại, cuốc hố trồng rừng. Có người bảo rằng, suốt ngày chăm vào đồi nương, không biết gì ngoài xã hội rồi thành… người rừng mất.
Ngày tháng dần trôi, công sức của vợ chồng chị Huệ bỏ ra đã được đền đáp, rừng xoan, rừng keo đã lên xanh tốt. Sau 10 năm, anh chị lại được thu hoạch cây cối một lần. Chặt gỗ đến đâu là chị tiếp tục trồng rừng mới đến đó. Khi có điều kiện, chị còn thuê thêm người làm để mở rộng diện tích rừng. Đến nay, gần 30 ha rừng của chị đã được phủ xanh. Không chỉ trồng rừng giỏi, chị luôn động viên hai con phải học lấy cái chữ để có kiến thức sau này về phục vụ bản làng. Hiện hai con của chị đang là sinh viên của trường Đại học Vinh.
Tiền triệu từ núi
Giữa trưa hè nắng chang chang, chị Huệ vẫn không ngần ngại dẫn chúng tôi lên thăm trang trại của gia đình. Chị đi phăng phăng, dường như con dốc khiến người ta mỏi gối kia chẳng thể làm khó đôi chân chị. Vừa đi, chị Huệ vừa chỉ tay về phía mấy quả đồi rợp bóng cây: “Tài sản của gia đình tôi trông cả vào chúng đấy”. Sau nửa tiếng leo dốc, mệt bở hơi tai chúng tôi mới tới được khu trang trại. Cả quả đồi rộng lớn, không còn một khoảnh đất trống. Xoan, keo được trồng thành hàng, nối nhau đều tăm tắp. Trang trại này của chị có 14 ha trồng xoan, 10 ha trồng keo, 7 ha trồng cây nông sản. Táo bạo hơn, chị vừa đầu tư một trang trại chăn nuôi lợn và trâu, bò cạnh đó, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Thời gian này, chị phải thuê thêm 20 lao động, làm việc liên tục. Khai thác gỗ đến đâu, chị lại trồng ngay lớp cây mới, nên vùng đất này lúc nào cũng xanh ngát chẳng để trống một tấc đất. Chị còn đầu tư làm chuồng trại quy củ nuôi 60 con lợn và 30 con trâu, bò chăn thả xung quanh những bìa rừng.
Đến nay, gần 30 ha rừng của chị Huệ đã được phủ xanh (Ảnh: Bắc Vũ)
Mô hình kinh tế trang trại đã mang lại cho gia đình chị cuộc sống khá giả. Mỗi năm chị thu lãi gần 150 triệu đồng. Có rừng là có bóng mát, có lớp cây bụi để chăn nuôi trâu, bò. Theo chị Huệ, nuôi trâu, bò cho lãi nhiều mà tốn ít công. Cứ 2 – 3 năm là đàn trâu, đàn bò có thể xuất chuồng. Mỗi năm, chị bán được 6 con trâu, con bò, thu về hơn trăm triệu đồng. “Về lâu dài, khi rừng keo, rừng xoan cho thu hoạch, khi đó thu nhập của tôi không dừng lại ở con số đó”, chị Huệ tự tin cho biết.
Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, chị Huệ luôn nói về lợi ích của việc trồng rừng. Người phụ nữ dân tộc Thái này luôn có cách nghĩ khác với mọi người vì chị dám đi tắt đón đầu. Xung quanh nhà, chị trồng rất nhiều cây nhãn, cây vải và không để một khoảnh đất trống nào.
Chị Huệ bảo:”Trang trại của gia đình tôi đã mang lại khoản thu nhập không nhỏ. Thực tế nhà tôi có thể sống ổn nhờ trồng rừng. Giờ tôi vận động bà con trong bản trồng rừng dễ dàng hơn trước rất nhiều. Cuộc sống của bà con nơi đây còn khó khăn, đất đai rộng mênh mông, nếu bà con nào cũng tích cực trồng rừng thì bản Cành Khỉn sẽ sớm thoát nghèo thôi”.
Bắc Vũ
(Báo Đại Đoàn Kết)