Sếu đầu đỏ
Ở ấp Ba Núi, xã Bình An (Kiên Lương) ai cũng biết anh Danh Hiền, người Khmer, đã sinh sống ở triền núi Sơn Trà hơn 30 năm qua. Gia đình anh Hiền nghèo, đông con, sống với nghề đập đá thuê cho các công ty khai thác đá. Lao động cực nhọc, nhưng thu nhập của anh vất vả lắm mới đủ nuôi vợ, nuôi con. Anh cố gắng cho các con lớn đi học, nhưng chưa hết cấp hai thì đành phải nghỉ học theo cha đi đập đá phụ giúp gia đình...
Như thường lệ, hàng năm sếu đầu đỏ di trú về Kiên Lương sinh sống. Nhà anh Danh Hiền cách bãi sếu ngủ hơn 100m. Những năm đầu, sếu về đây đông lắm, trên 300 con. Ban ngày, cả đàn cùng nhau tìm đến những cánh đồng năn để kiếm ăn. Khi ấy, chúng đi ăn gần, những năm sau do tác động của con người mở rộng vùng nuôi tôm, thu hẹp diện tích cỏ năn - nguồn thức ăn chính của sếu - nên chúng phải đi kiếm ăn xa hơn. Dù đi ăn xa cách mấy nhưng đến chiều chúng vẫn tập trung về bãi ngủ cố định.
Vào những buổi chiều, anh Danh Hiền thường có thói quen ra bờ đất ngắm và đếm sếu. Nhìn những đàn sếu bay lượn, tiếng kêu lảnh lót vang xa theo hình mũi tên như một cuộc đồng diễn trên không, lòng anh khoan khoái vô cùng. Thế rồi, ngắm và đếm sếu trở thành thói quen của anh như một món ăn tinh thần sau một ngày lao động vất vả.
Tiếng lành đồn xa, vị đại sứ Đan Mạch và tiến sĩ Trần Triết trong Hội Sếu quốc tế đến tìm anh, được anh hướng dẫn đi đếm sếu, tìm đến bãi ăn, bãi nghỉ, bãi uống của chúng. Tại đây, tiến sĩ Trần Triết đã chỉ dẫn và tư vấn cho anh nhiều kiến thức về loài chim quý hiếm này. Qua đó, anh tiếp thu và truyền đạt cho bà con địa phương hiểu, tham gia gìn giữ, không được săn bắt, bảo vệ môi trường sống của sếu. Và cũng từ đó anh Danh Hiền trở thành cộng tác viên mật thiết với tiến sĩ Trần Triết để theo dõi đếm sếu và tuyên truyền bảo vệ bãi ngủ của chúng. Anh Danh Hiền cho biết: Từ khi cộng tác với tiến sĩ Trần Triết, anh được trang bị ống “dòm” hiện đại để đếm sếu từ xa và ghi chép vào sổ sách khoa học hơn. Trước đây, mỗi khi mùa sếu về anh chỉ đếm sếu cho vui theo sở thích. Bây giờ như thêm một trách nhiệm, hàng ngày mỗi sáng và chiều, anh thường xuyên có mặt để đếm sếu. Ngày nào anh bận công việc thì phân công vợ con ra đếm và ghi chép cẩn thận. Nhờ vậy, số lượng tăng hay giảm là anh biết liền.
Nhiều năm gắn bó với sếu đầu đỏ, anh Danh Hiền biết rõ từng đặc tính, đường đi, nước bước của sếu. Hàng năm, sếu di trú về Kiên Lương từ tháng giêng đến tháng 4 dương lịch. Khi trời mưa thì chúng “chia tay”. Mỗi sáng từ 6 giờ sếu gọi nhau bay đi kiếm ăn. Chiều khoảng 18 giờ sếu bay về bãi ngủ. Gia đình sếu thường chỉ có 3 con. Con đầu màu đỏ nhạt là sếu trưởng thành. Sếu hót và gọi bạn tình… Anh Danh Hiền còn theo dõi biết rõ hướng bay của sếu, biết chúng ăn ở cánh đồng nào, ở gần, ở xa như Núi Mây, Núi Huỷnh, Lung Lớn, Lung Kha Na, Hòa Điền…
Anh Danh Hiền còn là một chuyên gia hướng dẫn anh em nhiếp ảnh, truyền hình đến chụp ảnh, quay phim sếu đầu đỏ. Anh rất nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn những nơi sếu đi, sếu đến, kể cả những việc dẫn đường, khuân vác máy móc, che “tum”, nghi trang tạo điều kiện cho anh em ghi được những hình ảnh đẹp về sếu đầu đỏ. Khi đàn sếu về, anh điện thoại thông tin cho anh em nhiếp ảnh biết, có người ở xa tận miền Trung, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh…
Vào mùa sếu về, nhà anh Danh Hiền luôn đông khách, là trạm dừng chân cho những người “mê” sếu. Gia đình vui vẻ, tiếp đón niềm nở, nhường chỗ ngủ cho khách, cơm nước, kể cả tìm mồi lai rai cho khách. Thù lao cho những việc làm trên chẳng đáng là bao. Thỉnh thoảng tiến sĩ Trần Triết đến thăm “lì xì” cho 400 - 500 ngàn đồng gọi là cà phê, cà pháo.
Năm 2010, sếu về Bình An (Kiên Lương) rất ít. Đầu mùa, chúng bay về bãi ngủ lượn qua, lượn lại vài vòng rồi đi mất. Càng về sau chúng bỏ đi luôn không về bãi ngủ nữa. Tiến sĩ Trần Triết giải thích: Mặc dù có ảnh hưởng phần nào đến việc mở rộng khai thác đất sét của nhà máy xi măng, nhưng nguyên nhân chính sếu không về bãi ngủ là do tình trạng đắp đập giữ nước nuôi cá, nước không thoát được, bãi ngủ nước đọng lại sâu quá, sếu không ngủ được nên đành bỏ đi. Cũng theo tiến sĩ Trần Triết, sếu đầu đỏ chọn bãi ngủ cố định. Đó là những nơi đầm lầy, bãi bùn, có nước sâu khoảng 2cm. Khi ngủ sếu chỉ đứng một chân, còn một chân cọ sát vào thân, đầu cuộn vào cổ hoặc giấu dưới cánh. Là động vật máu nóng, nên khi ngủ sếu thường phải đổi chân để giữ nhiệt cho cơ thể. Khi ngủ, sếu rất tỉnh táo và cảnh giác. Chỉ cần một tiếng động lạ là chúng sẽ cất tiếng báo động đánh thức nhau và luôn trong tư thế sẵn sàng bay đi. Nguyên nhân sếu bỏ bãi ngủ được anh Danh Hiền phát hiện và tiến sĩ Trần Triết đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng, nhưng chưa được giải quyết.
Khi tôi viết bài này thì nhận được một tin vui: Một người “yêu” sếu hiểu rõ hoàn cảnh gia đình và lòng nhiệt tâm của anh Danh Hiền góp phần tuyên truyền bảo vệ đàn sếu đầu đỏ ở Bình An, đã vận động Cty Dược phẩm Tenamyd Pharma Corp, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh và tiến sĩ Trần Triết tặng anh Hiền một căn nhà tình thương trị giá 43 triệu đồng.