(VACNE) - Cây vải cổ thụ đã được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam vinh danh từ năm 1992, 18 năm trước khi VACNE phát động Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. VACNE trích đăng lại bài viết trên Dân Trí, xin mời đón xem.
Dân trí Từ cây vải Tổ có tuổi đời gần 150 năm tại Thanh Hà (Hải Dương), biết bao cây vải đã được nhân giống, đem lại cho người nông dân cuộc sống ổn định, khấm khá hơn.
Về thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà, Hải Dương), cây vải Tổ đã được cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự Phúc Thành), sinh năm 1848 ươm trồng thành công bằng hạt từ năm 1870. Cho đến nay, cây vải đã gần 150 tuổi nhưng vẫn còn rất tươi tốt và hằng năm vẫn cho ra quả.
Khách du lịch thường xuyên đến thăm cây vải tổ, chủ yếu là tháng 5 hằng năm
Người trông coi, chăm sóc cây vải Tổ do cụ Cơm trồng, chính là cháu đích tôn đời thứ 6 của cụ, ông Hoàng Văn Lượm.
Theo lời kể của ông Lượm: “Thời trai trẻ, cụ Cơm thường buôn bán hoa quả ra Hải Phòng. Trong một lần dự tiệc với người Hoa tại Hải Phòng, cụ Cơm được ăn thử vải ngon nên mang về ba hạt về ươm thử tại vườn nhà.”
Cây vải Tổ được công nhận
“Do thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, ba hạt đều nảy mầm thành cây, quả có hương vị thơm ngon đặc biệt. Nhưng vì nhiều lý do, chỉ còn 1 cây sống được, ra quả và tồn tại đến bây giờ. Chính từ cây vải Tổ đó, cụ Cơm đã chiết ra nhiều cây tặng bạn bè, rồi dần dần cây vải được trồng đi rất nhiều nơi khác”, ông Lượm cho biết thêm.
Ông Lượm còn cho biết: “Do quả vải này được hái từ cây vải có nguồn gốc Thiều Châu - Trung Quốc, nên được gọi tên là vải thiều.”
Cây gần 150 tuổi vẫn xanh tốt và ra quả
Năm 1958, Bác Hồ đã từng khen đây là loại quả quý, ăn ngon và khuyến khích nhân dân nên phát triển giống vải quý này. Hiện nay, diện tích vải thiều đã phát triển mạnh sang các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình…