Nhà của ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, nằm trong một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5. Ngôi nhà bề ngang 3,5m bình thường như bao căn nhà khác ở thành phố chật chội này.
|
Ông Huỳnh Kim Tước và hai con gái trong ngôi nhà tiết kiệm điện - Ảnh: Đặng Tươi |
Phòng khách của ngôi nhà gắn hai bóng đèn dài, dạng tuýp gầy T5. “Đây là loại đèn tiết kiệm năng lượng nhất hiện nay ở VN và trên thế giới, tiết kiệm gần một nửa năng lượng so với những đèn tuýp khác. Một bóng đèn bình thường công suất là 40W thì T5 chỉ 28W” - ông Tước cho biết.
Quá bất ngờ về cách tiết kiệm
Căn bếp nằm ở tầng dưới nhỏ gọn cũng dùng đèn T5. Bà Trần Thị Việt Hà, vợ ông Tước, nói: “Với diện tích nhà bếp nhỏ, dùng đèn 6 tấc như thế này là đủ ánh sáng”. Chiếc quạt máy đang quay là loại có nhiều cấp độ, theo giải thích của ông Tước, năng lượng cung cấp ở nhiều mức khác nhau sẽ đỡ tốn điện.
Căn phòng trên lầu của hai cô con gái, nơi có nhiều màu sắc nhất của căn nhà từ tranh, ảnh đến các loại búp bê. Nơi đây, ông bà chọn cho con gái máy lạnh hiệu Panasonic, dòng Inverter. “Nó tiết kiệm 30-50% điện so với những loại khác” - ông Tước nói.
Đèn cầu thang có công tắc đổi chiều, để khi ở lầu dưới bật đèn, leo lên lầu trên có thể tắt hoặc ngược lại. “Như vậy sẽ tránh được việc đèn cầu thang cứ để không, cho tới khi có người đến tận nơi mới có thể tắt đèn” - chủ nhà giải thích.
Chiếc đèn ở bàn làm việc của ông Tước chỉ chiếu sáng khu vực làm việc chứ không dùng loại đèn chiếu sáng cả phòng. “Dùng đèn như vậy hợp lý, đúng chỗ, lại tránh làm phiền người khác nếu họ đang ngủ” - ông Tước nói.
100.000 “hộ gia đình kiểu mẫu tiết kiệm năng lượng”
Là chương trình Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM phát động trong năm nay. Theo đó, chương trình vận động mỗi gia đình giảm 10% chi phí điện năng so với trước, bằng cách chọn thiết bị điện tiết kiệm và biết cách sử dụng năng lượng hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Huỳnh Kim Tước cho biết các hộ gia đình ở TP.HCM tiêu 5.200 tỉ đồng tiền điện/năm. “Do vậy, con số 10% tiết kiệm là rất lớn. Chương trình sẽ duy trì hằng năm với mỗi năm sau khuyến khích người dùng điện hiệu quả hơn năm trước” - ông Tước nói.
|
Bên cạnh chỗ ông làm việc là chiếc tủ lạnh hiệu Toshiba, loại 120 lít, loại có dòng chữ “tiết kiệm điện”. Theo bà Hà, nhà ít người nên chị chọn loại vừa đủ, không dùng loại quá to vì tủ lạnh là thiết bị ngốn điện nhiều nhất trong nhà, dùng 24/24 giờ.
Bên cạnh phòng bé Anh Kim, một khoảnh sân nhỏ nhắn khoảng 7m2 là nơi sinh hoạt chung của gia đình: ăn sáng với nhau hay nơi trò chuyện buổi tối. Khoảnh sân có gió lồng thật mát, đỡ tốn quạt, với một bóng đèn compact 11W tiết kiệm điện.
Các thiết bị tiết kiệm điện trong nhà ông Kim Tước thường có giá thành cao hơn các loại khác khoảng 30%, nhưng ông cho biết “với vòng đời sử dụng một sản phẩm (khoảng 10 năm) thì tiền mua ban đầu chỉ chiếm 5%, còn tiền điện chiếm tới 90%”.
Ai cũng có thể làm được
Theo ông Tước, chọn mua thiết bị mới là một nửa của quá trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Còn một vế quan trọng nữa là sử dụng điện.
Bé Anh Kim, con gái lớn của ông bà, cho biết thói quen hằng ngày của em là “ra khỏi phòng thì tắt đèn, tắt quạt ngay”. Kim giải thích: “Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền, là cách con giúp đỡ ba mẹ”. Giờ Trái đất năm ngoái, Anh Kim là một trong những thành viên tích cực tham gia phát tờ rơi, bong bóng tuyên truyền tiết kiệm năng lượng cho mọi người ở Nhà hát thành phố.
Sử dụng tiết kiệm là sử dụng đúng lúc đúng chỗ, không dùng nữa thì tắt ngay, chính là nguyên tắc trong ngôi nhà ông Huỳnh Kim Tước. Nhiệt độ máy lạnh ở ngôi nhà này thường bật 27-28OC, các phích điện (tivi, máy giặt, quạt...) khi không xài đều được rút ra khỏi ổ cắm, máy vi tính khi chờ làm việc tiếp để ở chế độ “standby”.
Ông bà còn chia sẻ bí quyết tiết kiệm điện khi ủi đồ: không ủi đồ vào những giờ cao điểm, tập trung nhiều đồ để ủi một lần, khi ủi nên theo thứ tự: ủi đồ mỏng rồi ủi đồ dày, sau đó rút phích cắm và tận dụng sức nóng còn lại để ủi đồ mỏng, kiểm tra cài đặt nhiệt độ của bàn ủi thích hợp cho loại vải cần ủi, không dùng bàn ủi trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ hoặc khi quần áo còn ướt, lau sạch bề mặt của bàn ủi sẽ giúp hoạt động hiệu quả hơn.
Nhà ông Tước có bốn người, tiền điện mỗi tháng từ 110.000-120.000 đồng. Tôi chợt so sánh với ngôi nhà của mình, cũng bốn người, các thiết bị dùng tương tự mà tháng nào cũng trả trên 200.000 đồng.
Ông Tước nói: “Không có gì to tát, vĩ đại cả, đây là việc bình thường. Ai cũng có thể làm ngôi nhà tiết kiệm năng lượng nếu chịu để ý và tạo thành một thói quen mỗi ngày”.
ĐẶNG TƯƠI
(Tuổi Trẻ, 20/3/2010)