Theo ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề nghiêm trọng mà nước ta phải đối mặt. Nó tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Du lịch vừa là một phần tác nhân nhưng cũng là ngành bị ảnh hưởng rất nhiều bởi BĐKH. Những người làm trong ngành du lịch nếu nhận thức tốt về vấn đề này sẽ góp phần cải thiện môi trường, phát triển bền vững cho chính ngành mình.
Biển Hội An có thể biến mất vì biến đổi khí hậu. Ảnh: KHÁNH HƯNG
Cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng 2oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển dâng từ 75cm đến 1m so với thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 10-12% dân số sẽ bị ảnh hưởng, gây tổn thất khoảng 10% GDP. Ông Ngân Ngọc Vỹ, Phó trưởng Ban BĐKH và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, BĐKH ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất đến hai ngành du lịch và nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn nhìn nhận: Ngành du lịch chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, trách nhiệm đối với BĐKH; những hệ quả tác động gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến BĐKH của du lịch. Ngoài ra, còn thiếu sự phối hợp liên ngành, chưa nghiên cứu sâu về giải pháp thích ứng, ứng phó, giảm nhẹ tác động của BĐKH; thiếu kế hoạch hành động.
Theo các chuyên gia, BĐKH đã khiến một số bãi biển, khu du lịch như ở Hội An, Kiên Giang bị thu hẹp và có thể biến mất trong tương lai. Giáo sư Peter Burns, chuyên gia quốc tế về du lịch đã dẫn chứng hình ảnh chụp từ Google Earth, cho thấy sự thay đổi sau 10 năm (2004-2014) của bờ biển tại Hội An do nước biển dâng. Theo đó, nước biển ăn sâu vào đất liền mỗi năm đến cả 10m, không chỉ khiến các bãi cát bị thu hẹp dần, mà còn làm nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây bị tàn phá nghiêm trọng. Vùng biển, khu du lịch ở Vũng Tàu, Kiên Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các chuyên gia nhấn mạnh, xói lở sâu vào đất liền còn làm hư hại các di sản văn hóa, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái... Một số cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì.
Theo đánh giá của Giáo sư Peter Burns, ở góc độ ngành du lịch, nhiều sở du lịch, sở văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh, thành phố tuy đã có nhận thức về nguy cơ của BĐKH, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu vấn đề này. Trong khi đó, các biện pháp thích ứng thường dựa trên ứng phó của từng doanh nghiệp đơn lẻ. Ở phương diện khoa học, các đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động ứng phó với BĐKH cấp tỉnh, thành phố có kiến thức khoa học rất tốt nhưng không nhận thức được những vấn đề khó khăn cụ thể, riêng biệt đối với ngành du lịch. Do đó, cần có sự trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ để những người làm du lịch hiểu rõ về BĐKH và người làm khoa học hiểu biết thêm về ngành du lịch.
Để du lịch có thể truyền cảm hứng cho những chuyển biến hướng tới một nền kinh tế xanh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động thực hiện các hành động giảm phát thải khí CO2; các cơ sở đào tạo đưa nội dung BĐKH vào chương trình giảng dạy để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường, đóng góp vào tăng trưởng xanh cho du lịch Việt Nam...