quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Nét đặc trưng của đô thị xanh

Thứ Tư, 12/11/2014 | 07:19:00 AM

(VACNE) - Bài của GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng, Phó Chủ tịchHội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đăng trên báo Nhân Dân ngày 7/11/2014

 
 
 
 
 
 
 
 
Cần ứng xử với cây xanh như với "di sản và ký ức" của một thành phố. Ảnh: ĐĂNG ANH
 

Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn gần đây. Nhưng, do thiếu giải pháp phát triển đồng bộ từ quy hoạch, kiến trúc đến công tác quản lý, nên đô thị mọc lên hay mở rộng ra đều thiếu tính thẩm mỹ và nhạt nhòa bản sắc. Cây xanh, một thành tố quan trọng của đô thị, cũng không nằm ngoài vòng hệ lụy ấy.

 

Thiếu hụt chỉ tiêu hay trách nhiệm?

Người ta thường ví cây xanh đối với môi trường đô thị tương tự như lá phổi hô hấp của con người. Cây hấp thụ bụi, tiếng ồn, hấp thụ chất ô nhiễm độc hại, điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí "nhà kính". Ở các đô thị lớn, đi cùng hệ thống ao hồ, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, mầu sắc. Hơn thế, các công trình kiến trúc vốn nhân tạo, khi được kết hợp với kiến trúc tự nhiên, sẽ tạo ra sự hài hòa và tăng tính sinh thái trong kiến trúc.

Lý thuyết là vậy, nhưng nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng trước thực trạng, chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam vô cùng "khiêm tốn". Nếu căn cứ vào Quy chuẩn QCXD 01:2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành, chỉ tiêu này chỉ bằng khoảng 1/2 - 1/3 trị số quy định. Còn so với nhiều đô thị trên thế giới, có thể thấy khoảng cách rất xa về độ "xanh" của đô thị. Nếu như Xin-ga-po có diện tích cây xanh đến 30,3 m 2 /người, Xơ-un là 41 m 2 /người, thì hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ khoảng 2m 2 /người. Đà Nẵng là đô thị loại I, nhưng diện tích cây xanh chỉ đạt 0,5 m 2 /người. Những con số trên mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20 m 2 - 25 m 2 cây xanh/người). Đó là chưa kể, chính việc phát triển thiên lệch trong quy hoạch, chỉ chú trọng ở các đô thị lớn và trung bình, nên câu chuyện cây xanh ở các đô thị nhỏ còn hiếm hoi hơn nữa bởi tỷ lệ đất dành cho công viên và cây xanh rất ít.

Soi chiếu vào bức tranh đô thị Việt Nam, có một thực tế, từ năm 1990 trở lại đây, việc trồng cây ở đô thị trở nên lộn xộn và nhiều khiếm khuyết. Cứ nhìn vào các khu đô thị (KĐT) mới sẽ thấy, chủ đầu tư khoe mô hình thiết kế với những mảng cây xanh ngăn ngắt, vậy mà khi hoàn thành xây dựng chỉ có vài cây sơ sài. Thậm chí, ở thời buổi "tấc đất tấc vàng", nhiều nhà đầu tư cố tình bỏ quên việc tạo mảng xanh, trồng nhiều cây cho KĐT, mà chỉ chăm chăm chồng lên cho thật cao tầng những chung cư vô hồn, nặng trịch. Có chăng, một số nơi dành chút ít chi phí cho trồng cây xanh, thì cũng tùy hứng, thích gì trồng nấy, thiếu sự nghiên cứu và quy hoạch cần thiết. Phải chăng tư duy ăn xổi, hay sự chi phối của "nhóm lợi ích" trong đầu tư, cho nên quy hoạch đô thị giờ được gói ghém trong việc làm sao gia tăng giá trị sử dụng đất cao nhất thay vì chú trọng đến chiều sâu của việc nâng cao chất lượng sống? Những câu chuyện lựa chọn xây mới bất luận phải phá bỏ không gian xanh đã đi vào tâm thức của người dân tại không ít đô thị, đã trở thành những tiếng thở dài của người dân mà chưa được hồi đáp. Nỗi lo thiếu cây xanh trong đô thị từ lâu đã lớn hơn lời cảnh báo, nhưng dường như các cơ quan chức năng chưa tìm ra phương cách giải quyết vấn đề triệt để.

Những ký ức gắn với hàng cây xanh có thể theo suốt cuộc đời mỗi người. Ảnh: XUÂN CHÍNH

Mấu chốt là quy hoạch và quản lý

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, thân thiện với môi trường. Song, cho đến thời điểm hiện nay, rõ ràng, những gì đặt ra đầy kỳ vọng trong quy hoạch vẫn chưa được triển khai bao nhiêu trong thực tế, nếu không muốn nói là có phần thụt lùi, khi nhìn từ góc độ quy hoạch cây xanh.

Xin lấy đại diện là Thủ đô Hà Nội, một thành phố có nguồn gốc sông nước, các mảng thực vật tự nhiên phát triển tốt, được thiết kế "kiến trúc cây" bài bản từ đầu thế kỷ 20. Khi ấy, Hà Nội được quy hoạch theo ý tưởng "thành phố vệ sinh" và "thành phố vườn", được đúc rút những kinh nghiệm từ nhiều thành phố khác nhau trên thế giới. Ở đó, cây xanh bao giờ cũng được ưu tiên trồng trước khi xây dựng công trình nhà, đường sá. Và những đường cây đặc trưng của Hà Nội đã trở thành giai điệu phố đi vào thơ ca và đời sống tâm thức phố của cư dân. Hay nói đến TP Hồ Chí Minh, những con đường cây mà nhắc qua thì ai cũng nhớ như Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Hoàn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... đã góp phần khẳng định giá trị của đô thị thông qua tuổi tác của cây. Ấy thế nhưng, qua thời gian, những nét đặc trưng xanh của hai đô thị lớn nhất cả nước đều mai một đi rất nhiều. Thậm chí, có tiếng nói mạnh mẽ từ phía các chuyên gia còn mong muốn cứu được thảm xanh cây cối của đô thị.

Muốn không bị các đô thị nước bạn bỏ quá xa về diện tích cây xanh đô thị tính trên đầu người, thì chiến lược quốc gia về cây xanh cần phải được hiện thực hóa vào chương trình hành động của các cấp quản lý. Những kinh nghiệm quốc tế cần được học hỏi nghiêm túc. Và từ mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, những người có trách nhiệm góp phần làm xanh thành phố cũng cần chung sức bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ đúng đến hình thành các hành động cụ thể.

Đưa cây xanh đô thị trở thành một chuyên ngành khoa học thật sự không còn là ý tưởng mới mẻ gì. Nói cách khác, đã đến lúc các nhà khoa học- quản lý đô thị cần có những việc làm thiết thực, từ quy hoạch đến xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cây trồng, kỹ thuật, chăm sóc, v.v. Muốn vậy, Nhà nước cần sớm ban hành chế tài bảo vệ tài sản cây xanh công cộng, đẩy mạnh sự giám sát của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh. Đồng thời, hoàn thiện chương trình đào tạo nhân lực có kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị. Tiếp theo là tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cây, không mang tính phong trào, mà cần thực chất để qua đó nhân lên tinh thần tự giác trong cộng đồng.

Chúng ta đã có những bài học và nền tảng văn hóa trong quy hoạch kiến trúc đô thị. Chẳng có lý do gì không kế thừa những thành tựu đã có, để phát huy hơn trong việc tạo ra những đô thị có đầy đủ các giá trị, quy hoạch những con phố đậm dấu ấn và đặc trưng riêng. Để rồi từ đó, bồi đắp tính cách và văn hóa con người, bồi lắng một lối sống văn minh gắn bó hài hòa với những hàng cây mang theo linh hồn của đô thị xanh.

Nếu như Xin-ga-po có diện tích cây xanh đến 30,3 m 2 /người, Xơ-un là 41 m 2 /người, thì hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ khoảng 2m2 /người.

 

Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vào năm 1998 mới đạt khoảng 24%, đến năm 2009 là 29,6% và năm 2012 đã tăng lên 31,9%. Năm 1990 cả nước mới có khoảng 500 đô thị, năm 2012 đã tăng lên 765 đô thị và đến tháng 12-2013, tăng lên thành 770 đô thị. Nghịch lý là, cùng với tốc độ đô thị hóa cao, hệ thống cây xanh ở khu vực này ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng.

 

 

 
GS, TSKH PHẠM NGỌC ĐĂNG

Lượt xem: 3108

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE