Cữ này, đi vùng cao, ngắm ruộng bậc thang, chiêm ngưỡng mùa vàng và thưởng thức đặc sản đã thành thói quen, sở thích của không ít người.
Những lằn ruộng mỏng manh, bám vào chân đồi, sườn núi, bò từ thung khe lên đến đỉnh cao ngất ngưởng ấy không hiểu sao lại mê hoặc lòng người đến thế. Chưa đến, quyết đến một lần, đến rồi thành quen, lại muốn đi và có lẽ chả mấy ai lại chán với cái thú này.
Mùa này, ngược Tây Bắc rồi sang Đông Bắc, theo những lộ trình của chinh phục và chiêm ngưỡng, ruộng bậc thang và những mùa vàng sẽ bát ngát lộ ra. Mỗi nơi, mỗi vùng đất, mỗi con người, ruộng bậc thang có những cái thú vị riêng.
Cùng với lúa, cùng với cao trình lên xuống, thoai thoải hay ngất ngưởng của những lằn ruộng bậc thang là cuộc sống hồn hậu, giản đơn của những con người đã kiến tạo ra nó.
Làm ruộng bậc thang cũng là một nghệ thuật, một bí quyết, nhiều khi phải đem phản xạ sinh tồn của con người ra để cắt nghĩa thì mới trả lời được câu hỏi tại sao họ lại làm được thế.
Tại sao họ lại giỏi đến thế! Giữa một triền đồi khúc khuỷu, bát ngát, không một dụng cụ đo căn mặt phẳng, chỉ bằng mắt và phản xạ đơn thuần của con người, kì lạ thay, "những mặt phẳng để đựng nước” ấy đã được những người nông dân dân tộc thiểu số "vẽ” ra. Phẳng đến độ không thể ngờ được.
Phẳng đến độ, chỉ cần bước vào mùa, có mưa, có nước là toàn bộ cái mặt phẳng được tạo ra ấy sẽ trữ được nước, không sâu, không thấp, đủ để cho cây mạ cao chưa đầy đôi mươi phân ấy có chỗ cắm chân vươn lên.
Ruộng bậc thang mùa nào cũng có cái đẹp riêng của nó, đủ để thỏa sự bằng lòng của những người được coi là khó tính nhất.
Mùa này, người ta gọi là mùa "đổ nước” cho ruộng. Những lằn ruộng bậc thang, sau khi được "đổ nước” nhanh chóng trở thành những "tấm gương” với những đường cong viền làm người ta nao lòng với vẻ đẹp của nó. Ruộng bậc thang "mùa đổ nước” này, ban ngày đã đẹp nhưng có lẽ đẹp và huyền bí nhất phải là những đêm trăng, nếu được chiêm ngưỡng một lần thì có lẽ phải nhớ suốt đời.
Ruộng bậc thang mỗi nơi, của mỗi một dân tộc có những vẻ đẹp riêng. Nhưng có lẽ, ruộng bậc thang, gây ấn tượng nhất trên những dặm đường đã qua phải kể đến như Tú Lệ (Văn Chấn) hay Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Đến đây vào mùa nào, du khách cũng đều được chiêm ngưỡng những cái lạ, sự phối hợp về màu sắc, khối hình của nhũng thửa ruộng bậc thang này.
Lên tý nữa, lại gặp ruộng bậc thang của Sa Pa, quẹo xuống Than Uyên, Tam Đường của Lai Châu cũng lại gặp ruộng, mỗi nơi một khác, một sự đam mê và khám phá riêng.
Từ Lào Cai, lên Bắc Hà, tới Xi Ma Cai rồi xuôi sang Xín Mần, Hoàng Su Phì của Hà Giang mùa này đâu cũng thấy hút hồn về màu vàng lúa chín trên những lằn ruộng bậc thang.
Ở hai huyện miền Tây của tỉnh phên dậu Cực Bắc Hà Giang này nhiều nơi có ruộng bậc thang đẹp, nhưng đẹp nhất và bát ngát nhất vẫn phải kể đến là khu vực Thông Nguyên.
Tôi chả hiểu sao, ngày trước, ai đã là người đặt ra những cái tên hay như Tú Lệ, Thông Nguyên. Gắn với cái tên đẹp này thì phải nói rằng ruộng bậc thang ở những nơi đấy cũng hết sức đẹp. Ruộng bậc thang của Việt Nam – sự kiến tạo của con người vùng cao ấy, những năm gần đây luôn đón nhận được những tin vui.
Đầu tiên là ruộng bậc thang ở khu vực Mù Cang Chải được xếp hạng Danh thắng Quốc gia. Sau đó, ruộng bậc thang ở khu vực Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang được vinh danh là Di tích Quốc gia.
Và mới gần đây nhất, ruộng bậc thang ở Sa Pa ở Lào Cai đã được trang Mother Nature xếp trong danh sách 30 nơi đẹp nhất hành tinh, bên cạnh những cái tên nổi tiếng như Maldives, Angkor Wat...
Theo Phương Nguyên (Đại Đoàn Kết)