(VACNE) - Năm Giáp Thìn sắp đến, GS.TSKH Trần Công Khánh gửi đến Hội bài viết “Năm Giáp Thìn nói về con Rồng”, xin chia sẻ cùng quý vị
Năm Giáp Thìn (2024) sắp đến là năm “Rồng”. Rồng (hay Long) là một trong 12 con giáp ở Việt Nam. Ngoài 11 con giáp từ “Tý” (Chuột), “Sửu” (Trâu)… đến “Hợi” (Lợn) là những con vật mà chúng ta thường thấy trong đời sống, chỉ có “Thìn” là con Rồng thì chưa ai thấy! Vì vậy, có nhiều người hỏi: giới Động vật ở Việt Nam có con “Rồng” không? Xin trả lời: không có con vật nào như hình Rồng trong các trang trí kiến trúc, điêu khắc, hội họa,... “Rồng Việt Nam” (hình 1) là linh vật huyền thoại hư cấu, có sức mạnh phi thường, nhưng không có thực, chỉ là con vật theo trí tưởng tượng của người Việt, không tồn tại trong sinh giới hiện thực.
Vì được cấu tạo theo trí tưởng tượng nên hình “Rồng Việt Nam” khác với hình Rồng Châu Âu, Rồng Trung Hoa và Rồng ở các quốc gia khác.
Hình 1: “Rồng Việt Nam” trên đỉnh Điện Tử Cấm Thành, Huế. (nguồn: Internet)
Tuy nhiên, giới Động vật trên cạn ở Việt Nam có Rồng thật, một loài Bò sát có tên là “Rồng đất”, còn gọi Kỳ tôm, Tu xả tảng (Thái), Bùng nhĩ loòng (Dao), Rình rình (Mường), v.v, tên khoa học là Physignathus cocincinus Cuvier, họ Nhông (Agamidae), bộ Có vẩy (Squamata). (Hình 2 và 3).
Hình 2 và 3: Con Rồng đất (nguồn: Internet)
Đặc điểm: Con Rồng đất, hay Kỳ tôm, cùng họ với Kỳ đà nhưng kích thước và trọng lượng nhỏ hơn. Thân Rồng đất dẹt, có vẩy nhỏ đều với hàng gai nhọn trên lưng, có 4-8 lỗ ở mặt trong đùi (đặc điểm để phân biệt với các loài Nhông). Mặt trên của thân có màu xanh lá cây, xanh thẫm, hay nâu đen nhạt (màu sắc thay đổi theo điều kiện môi trường sống), bụng màu trắng, đuôi có những khúc màu nâu xám xen kẽ với màu vàng. Khi trưởng thành, Rồng đất có chiều dài khoảng 15cm, phần đuôi dài hơn 30cm (khoảng 2/3 chiều dài cơ thể); trọng lượng trung bình khoảng 0,6 kg/con, hoặc hơn.
Loài này phân bố ở Đông Nam Á (gồm: Đông Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và miền Nam Trung Quốc: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam). Ở Việt Nam, loài Rồng đất sống hoang dã trong tự nhiên, phân bố ở nhiều tỉnh từ Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc (Tam Đảo); Hà Tây cũ (Ba Vì), Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm), Tây Ninh, Bình Phước (Vườn quốc gia Bù Gia Mập), Đồng Nai và Kiên Giang (Phú Quốc).
Rồng đất thường sống trong các hang hốc trên đồi núi, hoặc bụi cây ven bờ suối. Con vật này có đặc tính cứ vào buổi chiều, khi mặt trời lặn là leo lên đậu ở các cành cây gần mặt nước, đến sáng nhảy xuống nước tắm rồi lên cây phơi nắng. Dựa vào các đặc tính này nên việc săn bắt Rồng đất thường diễn ra vào ban đêm.
Số lượng Rồng đất trong tự nhiên hiện nay bị giảm sút nhiều, do xuất hiện những lời đồn là thịt Rồng đất rất ngon và bổ dưỡng, có thể chữa được một số loại bệnh nan y, mật Rồng đất chữa được bệnh hen suyễn, ho, v.v.. nên chúng bị săn bắt làm thực phẩm đặc sản, bán cho các nhà hàng, quán ăn (giá 300.000 - 400.000 Đ/kg, tùy kích cỡ). Trưởng một nhóm thợ săn Rồng đất ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) kể: “với nhóm 3 người, bình thường bắt được 3-4kg/chuyến đi, nhiều hôm được 5-7kg, nhưng cũng có đêm đi mỏi cả chân cả nhóm chỉ bắt được hơn 1kg”.
Do tình trạng loài này bị suy giảm nhanh ngoài tự nhiên nên nhiều hộ gia đình ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Quốc… đã nuôi Rồng đất để cung cấp cho nhà hàng và xuất khẩu.
Rồng đất đã được xếp vào loại động vật hoang dã quý hiếm cần bảo vệ, đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam - phần Động vật (Nxb KH-KT Hà Nội, 1992). Phân hạng: VU A1c,d.
Cần cấm săn bắt, buôn bán và nuôi Rồng đất trong các khu vực phân bố của chúng để bảo tồn nguồn gen.
TSKH. Trần Công Khánh