quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

MYANMAR: QUEN MÀ LẠ

Chủ Nhật, 13/03/2016 | 08:49:00 PM

(VACNE) - Mấy ngày đầu năm Bính Thân tôi chọn hướng Tây: đi về Cộng hòa Liên bang Myanmar (Republic of the Union of Myanmar) tên cũ là Miến Điện hoặc Burma– một thành viên mới của ASEAN, đất nước từ năm 2011 bước vào thời kỳ dân chủ sau 50 năm dưới sự lãnh đạo của giới quân sự.

 

                                               

 

Ghi chép bằng ảnh của Lê Trình
(VACNE)

 

Mở đầu

Đã nhiều năm rồi mấy ngày Tết là dịp tôi đi thăm các vùng đất xa để hiểu thêm thế giới quanh ta có gì khác lạ; có gì hay, có gì chưa hay (đi một ngày đàng, học một sàng khôn) và có chuyện làm quà cho các thầy cô, bạn đồng nghiệp bằng hình ảnh do tôi chụp con người và cảnh vật dọc đường đi bằng máy du lịch và ghi chép theo cảm nhận trực quan kèm theo hiểu biết của mình.

Mấy ngày đầu năm Bính Thân tôi chọn hướng Tây: đi về Cộng hòa Liên bang Myanmar (Republic of the Union of Myanmar) tên cũ là Miến Điện hoặc Burma– một thành viên mới của ASEAN, đất nước từ năm 2011 bước vào thời kỳ dân chủ sau 50 năm dưới sự lãnh đạo của giới quân sự.

Myanmar có diện tích 676.577 km2, gấp 2,0 lần nước ta, là quốc gia lớn nhất trên bán đảo Trung - Ấn, có bờ biển dài đến 1930 km (bằng 62% chiều dài bờ biển nước ta) là đất nước rất giàu về tài nguyên thiên nhiên: đá quý, sắt, dầu khí, kẽm, antimon; gỗ, hải sản và rất giàu đa dạng sinh học (rừng còn bao phủ gần 50% diện tích tự nhiên, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên với nhiều loài sinh vật bản địa quý: hổ, báo, voi, heo vòi, linh dương, tê giác…).

 

Tuy nhiên do nhiều yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa, dân tộc cho đến nay so với ASEAN Myanmar vẫn thuộc nước nghèo: theo số liệu tôi vừa tra cứu từ IMF: vào năm 2015 GDP/người của nước này chỉ 1.269 USD (bằng nước ta vào năm 2009), cao hơn Campuchia (1.140) nhưng thấp hơn Lào (1.785), Việt Nam (2.171), thấp xa so với Thái Lan (5.426), Malaysia (10.073) và Singapore (53.224 USD); Chỉ số phát triển con người (Human Development Index HDI: công thức tính dựa theo: thu nhập/người; tuổi thọ và số năm học/người) chỉ 0,536 (loại thấp; đứng 148 thế giới (trong khi đó: Việt Nam là 0,666 loại trung bình: đứng 116 thế giới; Thái Lan: 0,726: loại cao; Trung Quốc: 0,727; Malyasia: 0,779: loại cao… số liệu năm 2014).

 

Phần Một: Đền tháp, Lễ chùa và Đa dạng sắc thái thành phố

 

1.  Chùa Phật linh thiêng là báu vật lớn nhất của Myanmar          

Phần lớn người Việt sang nước này là hành hương đến các chùa cổ tìm về Đức Phật. Tôi không phải phật tử, cũng không có mục đích đi lễ chùa, nhưng được chiêm bái các khu chùa Phật có hàng ngàn năm lịch sử thì thật sự khâm phục dân tộc này đã có lịch sử và văn hóa đồ sộ. Hơn 1.000 năm trước trên vùng đất nay là ASEAN lục địa này đã có nền văn hóa Phật giáo phát triển rực rỡ với các thánh địa kỳ vĩ ở Champa, Campuchia, Thailand và Myanmar. 89% dân số Myamar theo Đạo Phật.Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada:Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Tiểu thừa hoặc Nam Tông). Sự tu hành của các sư cũng giống như Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia.

Cả nước có hàng vạn đền, chùa. Vì vậy, cũng như Campuchia, Myanmar còn được gọi là đất nước Chùa tháp. Đặc biệt rất nhiều ngôi chùa ở nước này được dát vàng nguyên chất nên Myanmar còn được gọi là đất nước Chùa vàng. Nhiều chùa, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ 11. Nhiều chùa tháp của Myanmar thường được xây trên các đỉnh núi cao hơn mặt nước biển hàng nghìn mét để lưu giữ, bảo quản xá lợi Phật và các Phật tích khác. Các ngọn tháp cất giữ xá lợi Phật là những cấu trúc liền khối hình nón với một căn phòng chứa báu vật ở bên dưới. Khu nền bao quanh ngọn tháp là nơi dành cho hành khách hương cầu nguyện, thiền định, tụng kinh hay dâng hương. Những kiến trúc Phật giáo khác gồm có tượng Phật – được dựng ngoài trời hay dưới một mái che và Phật đường.

Ở lối vào những ngôi đền, chùa lớn có nhiều quầy bán hoa tươi, cành lá, nến, vàng thếp, những chiếc dù, quạt nhỏ bằng giấy màu để dâng lên Đức Phật. Giày dép của khách thập phương phải bỏ bên ngoài mỗi khi bước chân vào đền, chùa (ai cũng phải đi chân trần trong khuôn  viên chùa, vì vậy khi đi thăm nước này tốt nhất là đi dép: dễ cởi, dễ mang). Sân các chùa rộng mênh mông nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, không một cọng rác, mảnh giấy (trong khi đó bên ngoài nhiều chùa rác rưởi cũng nhiều như nhiều vùng nông thôn nước ta). Ở cổng chùa có nhiều người bán đồ lưu niệm, đồ ăn, nước uống, nhưng không có người ăn xin như các chùa ở miền Nam nước ta.

Trong 1 tuần ở nước này tôi đã viếng 10 chùa nổi tiếng và thăm Đại học Phật giáo Theravada (Nam Tông) trong đó có trên 40 sinh viên Phật giáo Việt Nam cùng với nhiều sinh viên từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, Thái Lan…đang học từ bậc đại học, cao học cho đến bậc tiến sỹ. Tôi đã gặp 3 vị trong số đó.

 

       E:\MYANMAR 02.2016\PAGODAS\SHWEDAGON\IMG_2009.JPG E:\MYANMAR 02.2016\PAGODAS\CHÙA SHWWENMAWDAW TÓC XƯƠNG PHẬT\IMG_2279.JPG

 

1. Chùa Shwedagon 2.500 tuổi (?) cổ nhất thế giới, trái tim Phật giáo Myanmar có đỉnh tháp cao 98m, tất cả các tháp đều dát bằng 60 tấn vàng nguyên chất, đỉnh tháp là các viên ngọc quý; 2. Chùa  Shwemawdaw – trên 1.000 năm tuổi bảo tồn xá lợi tóc và xương Đức Phật.

 

  E:\MYANMAR 02.2016\PAGODAS\MYANMAR 02.2016. CHÙA VÀNG TRÊN NÚI CAO\DSC09115.JPG E:\MYANMAR 02.2016\PAGODAS\MAYMAR 2016. CHÙA VÀNG TÓC PHẬT\DSC09265.JPG

 

3. Chùa Đá vàng ở Kyaikhtiyo ở bang Môn, được xây trên tảng đá khổng lồ nặng hơn ngàn tấn, tưởng chừng sắp đổ xuống vực sâu vậy mà vẫn đứng vững trên 2.500 năm. Toàn khối đá và chùa tháp được dát vàng; 4. Chùa Sule ở Yangon, 2.000 năm tuổi, nơi giữ sợi tóc thiêng của Đức Phật, toàn bộ chùa cả bên ngoài và bên trong đều được dát vàng nguyên chất.

 

2. Đồ lễ của người đi chùa

Phần lớn người dân Myanmar sùng đạo Phật. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn ở Myanmar, cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo. Cả mấy ngày trên đất nước này nhìn thấy cảnh chùa nào, vào ngày nào cũng có đông khách đi lễ là người ngoại đạo tôi luôn nghĩ: đất nước này người dân còn nghèo lắm nhưng luôn tâm niệm Đức Phật, có gì tốt nhất, có giá trị nhất đều dâng cúng cho chùa chiền, cho tăng ni, khất sỹ để cầu mong cho kiếp sau an lạc thì còn thời gian, nghị lực, tài lực đâu mà dành cho phát triển kinh tế, sáng tạo KHCN, làm sao đất nước có thể giàu mạnh so với các dân tộc khác trên cõi trần thế là nơi chúng sinh sống thực chứ không phải là cõi tạm này? Niềm tin tâm linh của họ rất giống người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long nước ta.

Tuy nhiên, rất khác với người Việt: người Myanmar đi chùa có lẽ như chỉ được gần Đức Phật để được bình an do vậy đồ lễ của họ rất thanh tịnh: chỉ là hương hoa và đĩa trái cây (ảnh dưới); không hề có đồ mặn (gà, heo: Đức Phật và chư tăng đâu có dùng đồ mặn mà dâng rượu thịt); không hề có cúng tiền, nhét tiền vào Đức Phật, không  hề có cảnh xô đẩy, tranh giành như người Việt ở miền Bắc khi đi lễ chùa trong nhiều năm gần đây. Người đi chùa ở nước này không ồn ào, chí chóe, không nói to, không vội vàng, chen lấn; không khí thật trang nghiêm, điềm tĩnh. Người nước ngoài cũng thấy thoải mái, nhẹ nhàng khi vãng chùa Myanmar; khác hẳn ở nước ta vào mùa lễ hội khách nước ngoài và nhiều người Việt rất ngần ngại đến các đền, chùa nổi tiếng.

 

     E:\MYANMAR 02.2016\LỄ PHẬT\IMG_2032.JPG E:\MYANMAR 02.2016\LỄ PHẬT\IMG_2033.JPG

 

5. Cảnh lễ Phật tôn nghiêm ở Chùa Shwedagon  6. Một số người đốt nến (đèn cầy) khi hành lễ (không đốt vàng mã); phần lớn người đi chùa không mang theo lễ vật gì cả mà chỉ đến niệm Phật.

 

     E:\MYANMAR 02.2016\LỄ PHẬT\IMG_2199.JPG E:\MYANMAR 02.2016\LỄ PHẬT\IMG_2348.JPG

 

7.  Lễ vật khi hành lễ ở chùa Đá vàng: chỉ có nến, đĩa trái cây và chai nước;8. Lễ vật thường thấy ở các chùa: mâm trái cây gồm nải chuối xanh và 1 trái dừa.

 

3.  Nét đặc trưng rất lạ của thành phố

Tôi chỉ mới đến 2 thành phố: Yangon (thành phố lớn nhất, dân số 4,4 triệu người và Bago (thành phố cấp bang với số dân nội thị trên 280.00 người, tương đương thành phố cấp tỉnh nước ta) nhưng quan sát kỹ các khu phố từ khu trung tâm, khu ngoại ô cũng có thể phát hiện nhiều điều thú vị có nhiều tương đồng và không ít khác biệt với Hà Nội, Sài Gòn.

-  Điểm rõ nét nhất là thành phố có quá nhiều khu phố cũ kỹ với nhiều trăm tòa nhà chung cư 8-10 tầng, kéo dài qua nhiều dãy phố, dường như được xây dựng 30 - 40 năm trước nay đã xuống cấp; chưa được cải tạo (ảnh 9) dù vẫn chưa xập xệ như nhiều nhà ở các khu chung cư Thành Công, Kim Liên, Trung Tự ở Hà Nội nhưng đã mất mỹ quan. Có thể vài thập kỷ trước đây là Yangon từng là thành phố thuộc loại lớn và hiện đại ở Đông Nam Á, vì nếu cùng thời điểm đó thành phố này có nhiều khu phố lớn hơn nhiều so với các phố khu vực trung tâm Sài Gòn và Hà Nội.

-  Không thấy có các con hẻm nhỏ, sâu thăm thẳm; không thấy có các khu nhà ổ chuột ven kênh rạch như ở Sài Gòn ngày nay.

 

    E:\MYANMAR 02.2016\ĐƯỜNG PHỐ\IMG_2327.JPG E:\MYANMAR 02.2016\MAYMAR 02.2016. ĐƯỜNG PHỐ 2\DSC09155.JPG

 

9. Các nhà chung cư 8-10 tầng cũ kỹ, xuống cấp, chưa được sửa chữa: hình ảnh rõ nét ở Yangon; 10.  Tại khu phố Tàu ở Yangon: cũng có hàng quán lấn lòng đường giống Sài Gòn, Hà Nội  nhiều năm trước.

-  Vỉa hè khá thông thoáng, người đi bộ không bị cản trở. Nhưng cũng như các thành phố Đông Nam Á ở Yangon và Bago cũng có nhiều dãy phố, nhất là khu China Town (phố Tàu) hàng quán cũng lấn vỉa hè (ảnh 10) nhưng chưa phải hiện tượng phổ biến.

-  Nếu theo “chuẩn” sống của dân đô thị Việt Nam hiện nay thì Yangon quá “khô khan”: hầu như không có quán cafe, rất hiếm quán ăn; bia, rượu có bán ở các nhà hàng nhưng không có quán chuyên bia dù là bình dân; không nghe thấy tiếng nhạc nào vẳng bên tai. Dĩ nhiên, karaoke, quán bar lại càng hiếm (hoặc không có?). TV trong khách sạn lớn mà chỉ có 10 kênh trong đó chỉ có 2 kênh Myanmar và vài kênh nước ngoài (CNN, Nhật Bản, Trung Quốc, thể thao…); không có kênh chính thức của Việt Nam nhưng tình cờ tôi lại xem được  trận Arsenal vs Leicester truyền trực tiếp từ kênh K+ của Việt Nam (nhưng thuyết minh tiếng Anh).

-  Dân Myamar không ăn uống cầu kỳ, lại hầu như không bia rượu, không say sưa, lè phè, ít “tán phét”, không chơi bời như dân Việt do vậy không thể có “thị trường” cho bia rượu, ăn nhậu, ca hát, trà chanh chém gió như ở ta. Vì vậy cũng không thấy to tiếng, cãi lộn, đánh nhau ngoài đường.

-  Tuy nhiên, Yangon hôm nay đã trên đường phát triển dù muộn hơn các quốc gia ASEAN khác:  nhiều công trình xây dựng mới với các tòa nhà 20 - 30 tầng ở các khu vực trung tâm thành phố; một số khu đô thị mới đang được xây dựng, một số siêu thị đã hoạt động; một số công ty nước ngoài như KFC đã có mặt (ảnh 11) và Hoàng Anh Gia Lai cũng đóng góp 1 khu phức hợp lớn vào loại hiện đại bậc nhất Yangon (ảnh 12). Đó là các biểu tượng tốt lành về phát triển của đất nước Chùa vàng trong giai đoạn mới.

 

     E:\MYANMAR 02.2016\ĐƯỜNG PHỐ\IMG_2417.JPG E:\MYANMAR 02.2016\ĐƯỜNG PHỐ\IMG_1947.JPG

 

11. Khu trung tâm Yangon đã được hiện đại hóa; 12: Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai, một trong số các dự án đầu tư nước ngoài lớn ở Yangon.

-  Trong khi các đô thị ở Myanmar rất hiếm bóng cây và bụi bặm thì Yangon lại là thành phố xanh với nhiều vườn cây, công viên (ảnh 13), hồ nước nước rộng lớn làm giảm bớt cái gay gắt vào thời điểm mùa xuân (dù thành phố này nằm trên cùng vĩ độ với Đà Nẵng nhưng Yangon vào tháng 02 này nhiệt độ ban ngày lên đến 30 - 350C, trong khi ở Đà Nẵng chỉ 20 - 220C).

 

   E:\MYANMAR 02.2016\ĐƯỜNG PHỐ\IMG_2386.JPG E:\MYANMAR 02.2016\ĐƯỜNG PHỐ\IMG_2325.JPG

 

13. Yangon có nhiều công viên lớn với nhiều cổ thụ bản địa; 14.  Chim (quạ) có mặt khắp các phố ở Yangon.

-  Đặc biệt nữa có thể “sát sinh” là điều cấm kỵ với người Phật giáo nước này nên các thành phố có rất nhiều chim (phổ biến nhất là quạ, sẻ và bồ câu: ảnh 14).Điều này cũng thường thấy ở các thành phố Ấn Độ: rất nhiều chim, sóc, khỉ…có mặt trên phố (nếu so với các thành phố Ấn Độ, Bangladesh Yangon của Myanmar sạch, an toàn, trật tự hơn nhiều).

 

4.  Giao thông ở Myanmar – nhiều ấn tượng đặc biệt

Vài năm trước báo chí nước ta cho biết: taxi và xe hơi ở Yangon rất hiếm và cũ nát. Tuy nhiên điều đó không còn đúng vào thời điểm này. Thật ngạc nhiên là số lượng xe con (4 chỗ) ở Yangon còn nhiều hơn ở TP HCM hoặc Hà Nội (!): trên các phố chính xe chạy hàng 3-4 chiếc kéo dài nhiều km (ảnh 15, 16); các đường hẻm đều là nơi để xe hơi (miễn phí, không cần người bảo vệ, có lẽ do ít kẻ gian) với xe sát liền xe. Vậy, nếu theo số lượng xe hơi/đầu người thì dân Yangon giàu hơn dân Hà Nội, Sài Gòn, trong khi lương nhân viên mới tốt nghiệp đại học chỉ khoảng 100.000 Kyat (khoảng 85 USD)/tháng; mức lương tối thiểu là 3.600 Kyat (2,8 USD)/ngày. Phần lớn xe hơi còn mới, chứ không cũ nát như báo chí mô tả.

-  Điều ngạc nhiên thứ 2 là ở nước này xe chạy theo bên phải đường (như Việt Nam) nhưng gần như toàn bộ số xe hơi 4 chỗ đều là xe tay lái nghịch (vôlăng ở bên phải). Tôi đoán là họ nhập xe second hand từ Thái Lan hoặc Nhật Bản với giá rất rẻ thì mới có lượng xe lớn đến như vậy. Đem thắc mắc này hỏi anh cán bộ bản địa thì câu trả lời của anh ta là đúng vậy, giá xe nhập về chỉ khoảng 10.000 USD/chiếc mới chạy dưới 100.000 km.

 

       E:\MYANMAR 02.2016\MAYMAR 02.2016. ĐƯỜNG PHỐ 2\DSC09202.JPG E:\MYANMAR 02.2016\ĐƯỜNG PHỐ\IMG_1962.JPG

 

     15. Dòng xe hơi trên đường ven đô             16. Dòng xe hơi trên phố khu trung tâm

- Bên cạnh dòng xe hơi đời mới là các xe bus cũ kỹ với rất đông khách (ảnh 17); dòng khách lên xuống xe trật tự, khi vào xe thì ngồi hoặc đứng yên lặng chứ không trò chuyện ồn ào (người Miến Điện ít nói, ngay cả trong quán ăn hoặc mua bán trên vỉa hè họ cũng nói ít và nói khẽ, khác hẳn bà con ta người Kinh ở ta).

-  Có một loại phương tiện giao thông rất lạ tôi chỉ mới thấy lần đầu là xe đạp lôi. Hơn 20 năm trước xe đạp lôi rất phổ biến ở miền Tây Nam Bộ nhưng là xe đạp kéo theo thùng chứa khách; còn xe đạp lôi ở Myamar lại kèm thùng chứa khách bên cạnh người đạp xe, thùng có thể chứa 2 người ngồi đối lưng nhau và người khách thứ 3 có thể ngồi sau porbaga của xe đạp (ảnh 18). Nặng vậy mà xe vẫn chạy băng băng, phục vụ hữu hiệu cho giới bình dân.

 

       E:\MYANMAR 02.2016\GIAO THÔNG\IMG_2077.JPG E:\MYANMAR 02.2016\GIAO THÔNG\IMG_2326.JPG

 

17.  Phần lớn xe bus rất cũ kỹ, quá đông khách nhưng là phương tiện đi làm chính của người có thu nhập thấp vì xe đạp, xe máy không được sử dụng ở nội thành; 18. Xe đạp lôi: phương tiện giao thông khá phổ biến ở Myanmar hiện nay.

-  Thêm điều rất ngạc nhiên nữa là sao đường phố Yangon lại không có xe máy, xe đạp (xem các ảnh trên) trong khi phần lớn người dân không có tiền mua xe hơi? Anh bạn địa phương giải thích: Chính phủ không cho phép xe máy, xe đạp tham gia giao thông ở các quận nội thành; xe đạp lôi thì được phép. Rất khâm phục vì ý thức người dân quá cao hoặc người dân quá “ngoan”, “hiền”: không “lý sự” mà chấp hành tuyệt đối nghiêm chỉnh (điều này sẽ không bao giờ có ở nước ta khi mà bất cứ quy định nào cũng bị/được “phản biện” quyết liệt)

-  Các điều trên là khác biệt lớn nhưng điều khác biệt đặc biệt nhất trên đường phố Myanmar so với các thành phố Việt Nam là không có bóng cảnh sát. 5 ngày đi xe  hơi liên tục cả ngàn km qua hàng trăm đường phố thủ đô và các quốc lộ, tỉnh lộ ở nước này tôi chưa nhìn thấy 1 vị cảnh sát nào dù mật độ xe cộ rất lớn và các đèn tín hiệu giao thông không hiện đại như ở ta (đèn giao thông ở các ngã 4 chỉ có 3 màu: xanh, vàng, đỏ; không chỉ thời gian dừng hoặc đi bao nhiêu giây). Cảnh sát ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, các thành phố châu Âu, châu Úc rất hiếm khi xuất hiện trên phố nhưng thi thoảng ta vẫn thấy họ. Nhưng ở Yangon lại cảnh sát còn ít hơn nữa, đến mức không nhìn thấy vậy mà suốt cả chuyến đi tôi chưa thấy cảnh xe cộ giành nhau mặt đường, vượt đèn đỏ hoặc ách tắc giao thông hoặc tài xế cãi lộn. Xe đi đúng làn đường, chạy đúng tốc độ, nhường đường cho khách qua đường, dừng lại khi có đèn đỏ. Sao họ lại tự giác và thân thiện như vậy? Chỉ có thể giải thích bằng đạo đức và văn hóa con người. Điều này hoàn toàn khác biệt so với nước ta (ở Hà Nội ngã 4 nào giờ cao điểm cũng có vài sỹ quan cảnh sát mà xe cộ vẫn xô bồ; ở quốc lộ nào cũng có các anh cảnh sát hoặc cán bộ giao thông chẹn xe xét hỏi mà cũng quá nhiều tai nạn; lý do tại sao thì nhiều người đã biết). Ý thức và văn hóa người dân Myanmar như vậy là “tài sản mềm” giúp cho Chính phủ có thể tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ USD cho bộ máy cảnh sát. Sao ta luôn nói “văn hóa Việt”, “con người Việt”; công an, cảnh sát, bảo vệ có mặt khắp phố phường, tụ điểm mà mọi sự vẫn xô bồ, bất an?

 

    E:\MYANMAR 02.2016\TRÌNH GIANG MYANMAR\IMG_1909.JPG E:\MYANMAR 02.2016\TRÌNH GIANG MYANMAR\IMG_2067.JPG

 

 

19.“Tác giả” với hành trang vừa đến Cảng hàng không quốc tế Yangon 20. Với các bạn đồng hành người địa phương. Váy dài và dép tông (dép lào) là vật bất li thân của đàn ông Miến Điện dù dân nghèo hay doanh nhân, chính khách, mọi lúc mọi nơi.

 

 

  (CÒN TIẾP PHẦN HAI)

Lượt xem: 2532

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE