Dự Lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái; huyện Mường La, Bắc Yên, tỉnh Sơn La; huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; các nghệ nhân, diễn viên, bà con nhân dân huyện Mù Cang Chải và đông đảo du khách trong và ngoài nước…
Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến phát biểu khai mạc Lễ hội.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Thị Xuyến nhấn mạnh: Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày cùng các hoạt động chào xuân năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để huyện Mù Cang Chải tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, vẻ đẹp thiên nhiên, con người của mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm suốt bốn mùa trong năm.
Điểm nhấn của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Vũ khúc khèn hoa”. Chương trình gồm 3 chương: Thanh âm và đại ngàn, Về miền lễ hội, Mù Cang Chải – khát vọng vươn xa với những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, có sự tham gia của các nghệ sỹ, ca sĩ nổi tiếng cùng các ca sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên.
Các tiết mục đã khắc họa những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là tôn vinh giá trị của chiếc khèn Mông đã gắn liền với đồng bào Mông từ bao đời nay, khắc hoạ nét đẹp của hoa Tớ dày, ruộng bậc thang Mù Cang Chải cùng những kết tinh văn hóa lễ hội, tinh hoa bản sắc Tây Bắc nói chung và huyện Mù Cang Chải nói riêng.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ khai mạc có chủ đề "Vũ khúc khèn hoa”.
Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Tại chương 1 - Thanh âm và đại ngàn đã tái hiện truyền thuyết về cây khèn Mông gắn liền với đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Mông từ nhiều đời nay. Khèn là một nhạc cụ không thể thiếu, là một phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào, là hồn cốt, là nét văn hóa riêng biệt được người Mông giữ gìn và phát triển. Cùng với đó tái hiện lại sự tích hoa Tớ dày, là biểu tượng của núi rừng vùng cao, thể hiện một sự mùa xuân mới đã về trên non cao Mù Cang Chải.
Chương 2 có chủ đề Về miền lễ hội, tái hiện không gian vùng cao Mù Cang Chải - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với những nét độc đáo, đặc sắc về bản sắc văn hóa cùng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cùng những lễ hội văn hoá đặc sắc như mời gọi du khách hoà mình vào không gian mênh mông, một thế giới đầy sức sống hiện ra với muôn vàn điều thú vị đang chờ ta khám phá, chinh phục.
Chương 3 có chủ đề Mù Cang Chái - khát vọng vươn xa là những ca khúc thể hiện niềm tự hào của người dân Mù Cang Chải, sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tất cả vì sự đổi thay của quê hương Mù Cang Chải trên chặng đường phát triển mới.
Chương trình khai mạc đã chính thức mở ra chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc, mang lại những trải nghiệm hấp dẫn, ý nghĩa cho du khách và người dân Mù Cang Chải như: trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nông sản địa phương; tái hiện không gian văn hóa Mông; thi khèn Mông; các hoạt động văn nghệ bản sắc; Triển lãm ảnh nghệ thuật "Sắc thắm hoa Tớ dày”.
Cùng với đó là các hoạt động chào xuân 2025 như: Chương trình nghệ thuật chủ đề "Xuân vùng cao”, Lễ hội giã bánh dày năm 2025, biểu diễn đánh quay người Mông, các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ tự do; bác hoạt động trải nghiệm bay dù lượn; Hành trình săn mây – Khám phá hoa Tớ dày… hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách một không gian trải nghiệm vô cùng mới mẻ, hấp dẫn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh và đại diện lãnh đạo Hội đồng Cây di sản Việt Nam trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho huyện Mù Cang Chải.
Lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh trao hứng nhận đăng ký quyền tác giả cho các lễ hội truyền thống cho huyện Mù Cang Chải.
Tại chương trình, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 04 cây, thuộc 02 họ gồm: 01 cây pơ mu và 03 cây thiết sam tại bản Nả Háng, xã Chế Tạo cho huyện Mù Cang Chải; Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã trao chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho các lễ hội truyền thống của huyện Mù Cang Chải, bao gồm: Lễ hội Giã bánh dày, Lễ hội Mùa vàng, Lễ hội hoa Tớ dày và Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng” của các tác giả: Lê Trọng Khang, Lương Thị Xuyến, Trần Trung Kiên và Hoàng Thị Chiều.
Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, giúp khẳng định thương hiệu du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của Mù Cang Chải, đồng thời, cũng là sự ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn, hướng tới sự phát triển du lịch xanh và bền vững, từng bước hoàn thiện mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến "Bản sắc – An toàn – Thân thiện”.
Cũng nhân dịp này, huyện Mù Cang Chải đã trao giải Cuộc thi sáng tác biểu trưng, logo huyện Mù Cang Chải và cuộc thi "Ảnh đẹp sơn tra” cho các tác giả (ảnh trên).
Trước đó, trong chiều nay, UBND huyện Mù Cang Chải đã tổ chức Hội thảo du lịch với chủ đề "Mù Cang Chải điểm đến "Bản sắc – An toàn – Thân thiện”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ khai mạc Festival khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày và các hoạt động chào xuân mới 2025.
Thu Trang - Bùi Minh