Ông Nguyễn Ngọc Dung chia sẻ về thùng rác xanh
Đó là mô hình tổ dân phố tự quản bảo vệ môi trường với biểu tượng "thùng rác xanh” là một mô hình năng động, có ý nghĩa thiết thực với người dân toàn quận. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận Phạm Thị Hưởng rất tâm đắc với phong trào này. Theo bà Hưởng, điểm dân cư đầu tiên được chọn xây dựng mô hình là tổ dân phố số 20 thuộc phường Lãm Hà.
"Từ mô hình xanh này chúng tôi đã nhân ra toàn phường, cuộc vận động xanh đã làm đẹp cho quê hương được bà con nhân dân ủng hộ nhiệt tình lắm. Để tiếp tục giữ gìn vệ sinh công cộng, mỗi đoàn thể thành viên của Mặt trận đảm nhận mấy con ngõ tự quản rất tốt.
|
Theo lời bà Hưởng, những năm trước, môi trường trên địa bàn khu dân cư số 20 này luôn là "điểm nóng”, những con đường nhỏ hẹp, cống rãnh tắc nghẽn, mưa thì lầy lội, nước thải bẩn đen xì hôi thối. Trong khi đó, một số người dân ý thức kém, vứt rác bừa ra đường, ra...ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà con trong khu dân cư trăn trở lắm nhưng chưa biết làm thế nào để cùng chung sức chung lòng giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Câu chuyện bắt đầu kể từ năm 2007, Ban công tác Mặt trận (BCTMT) khu phố khởi xướng phong trào Toàn dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Tiêu điểm của phong trào này là vận động nhân dân trong khu dân cư chung tay chung sức giải quyết 3 việc cần nhất: Mở rộng và bê tông hoá lối ngõ, nâng cấp khơi thông rãnh thoát nước và không vứt rác bừa bãi ra ngoài. Để làm được những việc này thì không ai khác chính người dân phải thực hiện.
Nhưng Ban công tác Mặt trận phải vận động thế nào để bà con trong khu nhận thức được tầm quan trọng của phong trào. Điều này nói thì dễ nhưng thực hiện lại rất khó. Theo bà Hưởng, muốn mở rộng ngõ thì các gia đình phải hiến đất, mà chỉ những nhà tiếp giáp với mặt đường mặt ngõ mới phải hiến, còn những nhà ở phía trong thì lại được "hưởng lợi miễn phí”. Riêng chuyện này cũng đã khó nói rồi. Chính vì thế, không ít người chống đối. Thậm chí có người còn đòi tiền đền bù, dù chỉ dịch bờ rào vào vài gang tay đất.
Tiền ở đâu ra đền bù bây giờ, không thể bắt những nhà phía trong đóng tiền? Những người làm công tác Mặt trận phải vào cuộc, mà vào cuộc một cách quyết liệt, vận động tới từng gia đình, nhà nào hiến đất trước thì mở rộng ngõ trước. Có những lúc Ban công tác Mặt trận phải cùng nhau xuống vận động một gia đình cả tuần liền mới thành công. Mưa dầm thấm lâu, chiến dịch xoá ngõ nghẽn, rãnh tắc dần được triển khai rầm rộ, gia đình nào cũng góp công góp sức, góp cả vật liệu xây dựng xây sửa rãnh thoát nuớc, mở rộng ngõ đi. Trong một thời gian ngắn toàn bộ 26 con ngõ nhỏ trong khu đều được mở rộng, liền với ngõ là hệ thống rãnh thải vệ sinh, không còn mùi hôi thối bốc lên nữa.
Vấn đề lúc này cần đặt ra là rác thải phải được tập kết như thế nào? Các cụm dân cư lại cùng nhau bàn bạc, thống nhất phải có thùng vệ sinh kín đáo cho từng nhóm gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Dung, uỷ viên Ban công tác Mặt trận đã đưa ra sáng kiến, mua gỗ ép cũ mang về đóng thùng rác, có nắp kín, không bốc mùi.
Sau khi 3 vấn đề quan trọng bảo vệ môi trường được thực hiện với sự đồng lòng của người dân, Ban công tác Mặt trận lại vận động bà con góp kinh phí lắp đặt 60 bóng đèn cao áp công cộng trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Lâm Chủ tịch uỷ ban MTTQ phường Lãm Hà vui vẻ nói: "Từ mô hình xanh này chúng tôi đã nhân ra toàn phường, cuộc vận động xanh đã làm đẹp cho quê hương được bà con nhân dân ủng hộ nhiệt tình lắm. Để tiếp tục giữ gìn vệ sinh công cộng, mỗi đoàn thể thành viên của Mặt trận đảm nhận mấy con ngõ tự quản rất tốt. Hàng tuần bà con ra quét dọn vệ sinh, kiểm tra cống rãnh, thùng rác, nếu có gì cần sửa chữa là báo với Mặt trận để điều hành ngay”.
Ý tưởng xanh này đã được MTTQ quận Kiến An triển khai ra toàn quận. Nhiều ban công tác Mặt trận đã tới tổ 20 học tập kinh nghiệm xây dựng phong trào. Hưởng ứng ý tưởng xanh có ý nghĩa này, bà con nhân dân tổ dân phố 15 phường Trần Thành Ngọ đã hiến được 182m2 đất làm ngõ với giá trị 7 triệu đồng/1m2. Riêng gia đình bà Phạm Thị Thêm hiến 20 m2 và phải phá tường bao bằng sắt hoa rất đẹp để mở rộng ngõ đi. Gia đình anh Phạm Văn Ngọ ủng hộ 8 triệu đồng dịch chuyển cột điện làm thoáng đẹp lối đi.
Người dân Kiến An, Hải Phòng đi đâu cũng tự hào bởi 3 địa danh núi Ông Voi, sông Văn Úc, đồi Thiên Văn quê mình. Đồi Thiên Văn là một địa danh vô cùng đẹp, nằm ngay trung tâm quận, trên đỉnh đồi có trạm khí tượng thuỷ văn được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
"Tự hào với quê hương càng vì thế, vấn đề vệ sinh môi trường càng có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống của cộng đồng dân cư. Bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp là nhiệm vụ của tất cả mọi người, ai cũng cần phải nhận thức như vậy. Cần xây dựng ý thức tự nguyện, có trách nhiệm của người dân để mỗi hành vi của họ mang tính cộng đồng cao. Hàng tháng MTTQ quận tổ chức giao ban nghe tình hình, tiến độ xây dựng phong trào này. Có những người đã làm thơ, sáng tác tiểu phẩm… cổ vũ phong trào. Hy vọng rằng ý tưởng xanh sẽ làm cho quê hương Kiến An ngày càng văn minh lịch sự”, chủ tịch MTTQ quận Kiến An Phạm Thị Hưởng khẳng định.
Lê Tự
|