(VACNE) - Đó là ấn tượng mạnh mẽ của cán bộ truyền thông Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam (VACNE) khi tham dự lớp Hội thảo - Tập huấn về nâng cao kỹ năng truyền thông về REED+ do Văn phòng REED+ Việt Nam tổ chức ngày 9/11/2016 tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Toàn cảnh buổi tập huấn (Ảnh: Báo TN&MT)
Khác với nhiều hội thảo, tập huấn, tọa đàm thường thấy, Hội thảo - tập huấn này không có phát biểu khai mạc của lãnh đạo cấp trên và báo cáo đề dẫn của báo cáo viên chính. Sau màn chào hỏi ấn tượng, bà Chánh Văn phòng REED+ Việt Nam đã giới thiệu tổng quan hết sức súc tích, dễ hiểu về Biến đổi khí hậu, về hiện trạng REED+ của thế giới và Việt Nam, định hướng và yêu cầu truyền thông về REED+ cho cộng đồng. Các phóng viên được nghe tóm lược quá trình hình thành, phát triển các hoạt động REED+ tại Việt Nam từ 2005 đến nay, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, sự hình thành sáng kiến REED+ như một những giải pháp quan trọng ứng phó với BĐKH toàn cầu. Đây là sáng kiến quốc tế về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn nâng cao trữ lượng carbon rừng” .
Các báo cáo trình bày tại Hội thảo – Tập huấn đề cập đến những vấn đề quan trọng của REED+ ở Việt Nam, như Chương trình hành động REED+ quốc gia, bản đảm an toàn môi trường và xã hội, tài chính REED+, kỹ năng truyền thông, …. Các học viên là phóng viên được giới thiệu về các mục tiêu cơ bản của Hội nghị Cop 22, mục tiêu của Hội nghị Ma Rốc nhằm thiết lập các quy tắc để thực hiện Hiệp định Paris đã được 100 quốc gia thông qua, tìm kiếm sự đồng thuận về cách thức các nước giàu sẽ giúp đỡ các nước đang phát triển trong nỗ lực chuyển sang nền kinh tế carbon thấp.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chánh Văn phòng REED+ Việt Nam giới thiệu tổng quan về BĐKH và REED+ (Ảnh: Báo TN&MT)
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề của BĐKH, từ năm 2009 Việt Nam đã quan tâm sớm đến việc triển khai REED+ với các chính sách, văn bản pháp luật, chương trình đã được xây dựng và triển khai thực hiện nhằm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, như Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Phát triển rừng quốc gia... REED+ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đạt được mục tiêu của các chủ chương, chính sách này. REED+ trong lâm nghiệp là cơ chế thực hiện chi trả dựa trên kết quả thực hiện, trong đó các nước phát triển sẽ đền bù cho các nước đang phát triển cho nỗ lực giảm phát thải do suy thoái rừng và mất rừng tại chính các nước này.
Các phóng viên đã cùng nhau chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm để cùng nhau phối hợp thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về BĐKH và REED+ một cách rộng rãi, dễ hiểu tới cộng đồng trong thời gian tới.
Các vị đại biểu chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: Báo TN&MT)