quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Mỗi làng một sản phẩm (OTOP)- mô hình đáng quan tâm và nhân rộng

Thứ Ba, 28/02/2017 | 08:30:00 AM

(VACNE) Hiện nay, trên mạng truyền thông đang rộ lên mô hình “ Mỗi làng một sản phẩm” học từ Nhật bản của các nhà quản lý tỉnh Quảng Ninh, với những sản phẩm: Chả mực (Hạ Long), củ Ba kích (Ba Chẽ), gà đồi (Tiên Yên), hải sản (Cô Tô)… rất đáng khích lệ nhân rộng. Mô hình này đã được các chuyên gia Hội BVTN&MT Việt Nam đặt ra cách đây từ năm 2010 và sau đó là năm 2014, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu để bạn đọc theo dõi.

Bài số 1: OTOP - Sản phẩm của tri thức truyền thống

Tác giả: Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền (CREDEP)

Ngày đăng: Thứ Hai, 05/04/2010 | 09:30:00 AM

Lượt truy cập tính đến ngày 28/2/2017: 1082

Nội dung bài viết:

Ý tưởng ‘mỗi làng một sản phẩm’ (One Village One Product Movement) viết tắt là OVOP được Morihiko Hiramatsu khởi xướng và bắt đầu triển khai ở quận Oita (Nhật Bản) từ năm 1979. Sau đó, một số nước ở Châu Á đã áp dụng mô hình này và được đổi thành OTOP (One Town One Product, hoặc One Tambon One Product), có nghĩa là mỗi thị trấn hay mỗi địa phương một sản phẩm.

 

Hình 1

Những sản phẩm này dựa vào nguồn nguyên liệu ở địa phương, cộng với kỹ năng, kỹ xảo được truyền từ đời này sang đời khác của người dân địa phương để làm ra các loại sản phẩm thủ công đặc trưng của từng địa phương như đồ mỹ nghệ, hàng may mặc, đồ gốm, đồ gia dụng, thực phẩm,... phục vụ người tiêu dùng, khách du lịch, kể cả xuất khẩu. Tùy nơi, hàng hóa mang nhãn hiệu OTOP được chính phủ giảm thuế, hoặc miễn thuế.

Trong chương trình một tour du lịch hiện đại, việc đưa du khách đến mua sắm ở những cửa hàng OTOP  là việc làm cần thiết. Sự phong phú và hấp dẫn của các sản phẩm này đã làm cho du khách không còn thời gian để cân nhắc hầu bao của mình.

Thái Lan là nước phát triển OTOP rất thành công. Với chính sách khuyến khích và hỗ trợ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, hiện nay ở Thái Lan có khoảng 36.000 mô hình OTOP, mỗi mô hình tập hợp từ 30 đến 3.000 thành viên tham gia. Sự phát triển OTOP đã giúp nghề thủ công truyền thống của Thái Lan được duy trì. Nó đã giúp cho người dân Thái giải quyết được công ăn việc làm, làm ra nhiều sản phẩm đặc sắc của từng địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân tham gia và điều quan trọng là giữ được giá trị tri thức truyền thống trong văn hóa lâu đời của họ. Ở Trung Quốc mô hình OTOP cũng đã bắt đầu từ năm 1989. Riêng ở Đài Loan đã có khoảng 100 trung tâm OTOP, làm ra trên 1.000 loại sản phẩm.

Theo nghĩa OTOP là làng nghề thủ công truyền thống thì ở Việt Nam cũng đã có gần 2.000 làng nghề, tập trung chủ yếu ở vùng châu thổ sông Hồng, như Hà Nội, Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định,... thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... Cùng với sự phát triển của đất nước, rất nhiều làng nghề phát triển mạnh, đã có những sản phẩm, những thương hiệu nổi tiếng và có sức hấp dẫn như: làng Gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Đá Non Nước (Đà Nẵng), làng Lụa Vạn Phúc (Q. Hà Đông, Hà Nội), làng Gốm Phù Lãng (Bắc Ninh). Đặc biệt, làng Gốm Chăm Bầu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận), được coi là làng nghề cổ nhất ở Đông Nam Á.

Ở một khía cạnh tích cực hơn, mô hình OTOP cần khuyến khích người dân sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ, dựa vào tri trức truyền thống bản địa để làm ra sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Ngoài ý nghĩa kinh tế, đây là cách bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ở địa phương, và giữ gìn tri thức bản địa một cách hiệu quả. 

Với ý tưởng này, trong thời gian từ tháng 7/2005 đến 12/2007, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) là thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã triển khai dự án “Phát triển thị trường một số loại nông lâm sản bản địa ở các cộng đồng dân tộc thuộc khu vực miền núi phía Bắc”. Dự án có hai phần. Đối tượng của phần một là cây nông nghiệp. Phần hai dựa vào nguồn Cây thuốc dân tộc và Tri thức bản địa của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai). Người dân ở đây vốn có bài thuốc tắm truyền thống vẫn thường dùng trong gia đình. Sau khi thấy được tiềm năng phát triển và khả năng ứng dụng của bài thuốc này, được cộng đồng và chính quyền địa phương đồng ý, các nhà khoa học (Bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược, Hà Nội), đã nghiên cứu chứng minh tác dụng của từng cây thuốc, tìm dạng bào chế phù hợp, nghiên cứu thị trường, giúp người dân tạo ra một sản phẩm mới mang thương hiệu địa phương, gọi là  “DAO'Spa”. Về mặt tổ chức, cũng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, người Dao Đỏ đã thành lập và điều hành Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa, gọi là “Sapa - napro” (Hình 1)

Các sản phẩm DAO'Spa của Công ty đã đăng ký thương hiệu và đã có mặt trên thị trường trong cả nước, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Bước đầu công ty đã có các sản phẩm như “Nước tắm Dao'Spa for women” dành cho sản phụ nhanh chóng hồi phục sức khỏe ngay từ tuần đầu tiên sau khi sinh; “Nước ngâm chân Dao'Spa foot bathing” làm thư giãn chân, giảm đau nhức, chứng lạnh chân và hôi chân (Hình 2 và 3); “Nước tắm Dao'Spa relax” mang lại sự sảng khoái và thư giãn cơ thể sau một ngày lao động mệt mỏi.

Hình 2: Nước ngâm chân Dao'Spa

Hình 3: Nước ngâm chân Dao'Spa (Mẫu mới)

 

Nhìn chung, tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Mỗi vùng, mỗi miền thường có những loại cây cỏ riêng và kinh nghiệm dân gian, gia truyền trong sử dụng những cây cỏ đó mang tính địa phương. Đây là một thế mạnh của Việt Nam. Dựa trên cơ sở đó, nếu có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các nhà khoa học, biết tổ chức và kết hợp các điều kiện tự nhiên, xã hội và có được sự hưởng ứng, tham gia của cộng đồng, thì sẽ tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng cho từng địa phương, sản phẩm OTOP, góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân. 

Đường Link Bài viết đã được đăng trên website VACNE

 

Bài số 2: Các làng nghề và mô hình "Mỗi buôn làng một sản phẩm" (OTOP) trên dãy Trường Sơn (Phần 1)

Tác giả: Nguyễn Ngọc Sinh và Phùng Quang Chính, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Ngày đăng: Thứ Sáu, 08/08/2014 | 03:24:00 PM

Lượt truy cập tính đến ngày 28/2/2017: 1313

Nội dung bài viết:

(VACNE) - Tiếp sau Hội thảo khoa học "Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 6"; chuyên đề: Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng" diễn ra tại Đà Nẵng (26-27/7/2014), các nhà khoa học VACNE đang khẩn trương chuẩn bị báo cáo, tham luận cho Hội thảo lần thứ 7 với cùng chuyên đề, dự kiến tiến hành vào quý IV năm nay tại Nha Trang. Sau các bài về cộng đồng sinh thái, VACNE đăng tiếp báo cáo về OTOP. Kính đề nghị các nhà khoa học, quản lý gửi đăng các bài viết của mình.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Các làng nghề ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển và có vai trò quan trọng, lâu dài trong suốt quá trình lịch sử của đất nước cho đến tận ngày nay.Theo thống kê của Tổng cục Môi trường tháng 7/2012, tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước là 3.355 làng, trong đó có 1.318 làng đã được các địa phương chính thức công nhận là làng nghề. Với mong muốn phát huy tri thức bản địa, một biểu hiện của văn hóa môi trường truyền thống, phục vụ sinh kế cộng đồng theo mô hình OTOP “ Mỗi buôn làng Một sản phẩm”, chúng tôi thử đưa ra các nhận xét liên quan đến làng nghề ở khu vực Trường Sơn như là những nghiên cứu điển hình thực tế đã được kiểm chứng, từ đó đề xuất một số việc nên làm cho vấn đề này.


I. OTOP LÀ GÌ ?

OTOP là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “One Town/Tambon One Product”, có xuất xứ từ quận Oita Nhật Bản vào cuối những năm 70 của Thế kỷ XX. Nghĩa đen của OTOP là mỗi thị trấn, mỗi địa phương, mỗi làng ( Village, do đó đôi khi còn gọi là OVOP ) cho ra một sản phẩm riêng, đặc trưng cho thế mạnh của mình, vừa để phục vụ sinh kế cộng đồng, vừa góp phần phát triển kimh tế của đất nước.

Theo TSKH Trần Công Khánh, những sản phẩm nói ở đây phần lớn được làm ra từ nguồn nguyên liệu ở địa phương, được chế tác bằng các kỹ năng, kỹ sảo tích lũy trong dân địa phương từ đời này qua đời khác. Các sản phẩm đó thường rất đặc trưng cho từng nơi như đồ mỹ nghệ, hàng may mặc, thuốc men, đồ gốm, đồ gia dụng, thực phẩm,…Các sản phẩm này vừa phục vụ tiêu dùng, vừa bán cho khách du lịch mà bản thân các sản phẩm đó cũng là nguồn hấp dẫn khách, vừa có thể phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo TSKH Trần Công Khánh, hiện nay OTOP đã được phát triển khá thành công ở Thái Lan với trên 36.000 mô hình, ở Đài Loan với trên 100 trung tâm và ở một số nước châu Á khác, nơi có nhiều tiềm năng về mặt này. Ở nước ta, những năm gần đây đã xuất hiện những mô hình OTOP đầu tiên như sản phẩm “Sapa – napro” của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc cổ truyền CREDEP ( năm 2007 ) hay việc triển khai đề án xây dựng OTOP ở Quảng Ninh do PGS.TS Trần Văn Ơn tư vấn thực hiện.

II. PHÂN LOẠI LÀNG NGHỀ KHU VỰC TRƯỜNG SƠN

1. Tiêu chí phân loại

Trong cuốn “Làng nghề Việt Nam và môi trường”, NXB Khoa học và Kỹ thuật, H.,2012, GS.TS.NGND Đặng Kim Chi và các cộng sự đã đưa ra 7 yếu tố như là những tiêu chí phân loại làng nghề truyền thống như sau (ở đây không xét các loại làng nghề khác vì không gần với quan niệm OTOP mà chúng tôi muốn thảo luận):

- Đã hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời ở nước ta

- Sản xuất tập trung, tạo thành các làng nghề, phố nghề

- Có nhiều thế hệ nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề

- Kỹ thuật và công nghệ khá ổn định

- Sử dụng nguyên liệu tại chỗ, trong nước hoặc chủ yếu là trong nước

- Sản xuất các sản phẩm tiêu biểu và độc đáo Việt Nam, có giá trị và chất lượng cao, vừa là hàng hóa vừa là văn hóa nghệ thuật, có thể được đánh giá như những di sản của dân tộc, mang bản sắc Việt Nam

- Là nghề nghiệp nuôi sống một bộ phận dân cư của cộng đồng, đóng góp vào kinh tế của đất nước.

Theo chúng tôi, một cách khái quát nhất, có thể thấy rằng làng nghề truyền thống với 7 yếu tố vừa trình bày, rất gần với vấn đề sinh kế cộng đồng trên cơ sở tri thức bản địa dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học của địa phương mà Hội thảo Trường Sơn 6 ở Đà Nẵng đã đề cập. Chúng cũng khá phù hợp với mô hình OTOP mà chúng ta đang bàn. Rộng hon, có thể coi đây như những biểu hiện của văn hóa môi trường truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tại Thông tư số 116/2006/TT-BTNMT (có tài liệu viết là TT- BNN PTNT ), quy định, để được công nhận là làng nghề truyền thống, đối tượng được xét trước hết phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống theo các điều kiện sau:

- Làng nghề phải có tại địa phương từ trên 50 năm

- Nghề tạo ra các sản phẩm mang bản sắc dân tộc

- Nghề phải gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng.

Chúng tôi cho rằng, về cơ bản, 7 yếu tố và 3 điều kiện vừa trình bày là khá thống nhất với nhau,vì vậy, trong những phần trình bày tiếp theo,chúng tôi xin phép sử dụng kết quả nghiên cứu trong cuốn sách “Làng nghề Việt Nam và môi trường” nói trên.

2. Kết quả phân loại

Nếu tính dải Trường Sơn bắt đầu từ Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An và kết thúc ở cực Nam Đông Nam bộ như quan niệm của VACNE (xem Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn, NXB Tài nguyên và Môi trường, H., 2012), thì theo phân loại của GS. TS. NGND Đặng Kim Chi và đồng nghiệp, ta có kết quả sau:

1. Thanh Hóa có 127 làng nghề , trong đó có 45 là “thủ công mỹ nghệ”

2. Nghệ An -         25     -------”----------           10       -------”----------

3. Hà Tĩnh            16     -------”----------           11       -------”----------

4. Quảng Bình      14     -------”----------             9       -------”----------

5. Quảng Trị         12    -------”----------              2       -------”----------

6. Th Th Huế        13    -------”----------              4       -------”----------

7. Đà Nẵng           10    -------”----------              6       -------”----------

8. Quảng Nam      18    -------”----------              5       -------”----------

9. Quảng Ngãi        9    -------”----------              3       -------”----------

10. Bình Định        30   -------”----------            15       -------”----------

11. Phú Yên            6    -------”----------               5    -------”----------

12. Khánh Hòa      14   -------”----------               4    -------”----------

13. Lâm Đồng         3   -------”----------                2    -------”----------

14. Ninh Thuận       4 -------”----------                 1    -------”----------

15. Bình Thuận      13 -------”----------                 8    -------”----------

16. Đồng Nai           7 -------”----------                  3    -------”----------

Tổng cộng trong số 321 làng nghề truyền thống ở khu vực nghiên cứu, có 133 làng nghề thủ công mỹ nghệ, còn lại là thuộc các làng nghề dệt may, chế biến thực phẩm, dược liệu, tái chế phế liệu, khai thác đá, vật liệu xây dựng và nghề khác.

3. Nhận xét về kết quả phân loại “làng nghề truyền thống” theo OTOP

Trước hết, rất bất ngờ là các tỉnh Tây Nguyên, ngoại trừ Lâm Đồng, không có làng nghề truyền thống nào được công nhận. Một vùng rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên, rất nổi tiếng về các loài cây, con có khả năng điều trị, chữa bệnh, thậm chí đã thành danh, cả nước biết đến, nhưng không có nơi nào được đánh giá, được công nhận là làng nghề truyền thống. Chắc chắn rằng nếu theo quan điểm của OTOP, điều này có lẽ sẽ khác, sẽ phù hợp hơn.

Cũng theo quan điểm OTOP, phần lớn các làng nghề “thủ công mỹ nghệ”, chiếm tới hơn 1/3 tổng số làng nghề, có thể rất gần với mô hình “Mỗi buôn làng Một sản phẩm”. Đây là các đối tượng nên được chú trọng tìm hiểu, nhất là khi các làng nghề này có mặt ở tất cả 16 tỉnh và thành phố trong khu vực.

Làng nghề “tái chế phế liệu” chắc chắn không thuộc đối tượng nghiên cứu của chúng ta, còn trong số các làng nghề thuộc các loại còn lại, chỉ cần chú trọng một số làng nghề thêu thùa và chế biến dược liệu.

Cuối cùng có lẽ cũng nên nhận xét là, có thể do các quy định rất chặt chẽ của việc công nhận làng nghề truyền thống, đồng thời do chưa có điều kiện cập nhật các số liệu gần đây, nên số liệu đã nêu trên là thiên nhỏ. Đơn cử ví dụ. Theo thông tin trên mạng, Phú Yên hiện có ít nhất 18 làng nghề với 7 làng đã được công nhận theo Thông tư 116 nói trên. Vậy mà số liệu đã dẫn chỉ đưa ra con số chung là 6.

Tóm lại, việc nhận xét, đánh giá sơ bộ các làng nghề theo quan điểm OTOP có thể dựa chủ yếu vào số lượng các làng nghề thủ công mỹ nghệ, một số các làng nghề thuộc các ngành thêu thùa ,chế biến dược liệu. Các đối tượng “ chưa thành danh” , nhưng hàm chứa các yếu tố phù hợp với OTOP – “ Mỗi buôn làng Một sản phẩm” có thể chiếm tỷ lên không nhỏ, cấn được chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu.Con số 36.000 mô hình OTOP của Thái Lan rất đáng để chúng ta suy ngẫm về việc này. 

Theo chúng tôi, việc tìm kiếm các đối tượng “chưa thành danh” về mặt địa lý, nên chú ý các tỉnh Tây Nguyên và dải ven biển miền Trung, bao gồm các đảo, còn về mặt nghề nghiệp, nên chú trọng nghề chế biến dược liệu, thực phẩm.

(Còn nữa)

Đường Link Bài viết đã được đăng trên website VACNE

 

Bài số 3: Các làng nghề và mô hình "Mỗi buôn làng một sản phẩm" (OTOP) trên dãy Trường Sơn (Phần cuối)

Tác giả: Nguyễn Ngọc Sinh và Phùng Quang Chính, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Ngày đăng: hứ Hai, 11/08/2014 | 10:57:00 AM

Lượt truy cập tính đến ngày 28/2/2017: 1423

Nội dung bài viết:

 (VACNE) - Sau các bài về cộng đồng sinh thái, VACNE đăng tiếp báo cáo về OTOP. Kính đề nghị các nhà khoa học, quản lý gửi đăng các bài viết của mình.

(Tiếp theo và hết)


 

III. ĐỀ XUẤT BỔ SUNG MỘT SỐ MÔ HÌNH OTOP KHU VỰC DÃY TRƯỜNG SƠN

Có thể khẳng định: Ngành nghề truyền thống ở khu vực dãy Trường Sơn, đặc biệt là Tây Nguyên đã gắn bó ngàn đời với người dân bản địa, nhất là các dân tộc thiểu số như: Chăm,  M’nông, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Tu,… và những sản phẩm đó, không đơn thuần là những vật dụng phục vụ đời sống, mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, phong tục tập quán và tâm hồn, tâm linh của cư dân tại chỗ nơi đây.

Môi trường làng nghề cũng chính là khung cảnh văn hóa làng quê, đi cùng với các hoạt động lễ hội, phong tục tập quán, nếp sống dân gian của của các tộc người bản địa. Vì thế, khai thác lợi thế OTOP để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với xuất khẩu sản phẩm  làng nghề tại chỗ là một hướng đi cần quan tâm.

Phù hợp với định hướng về vị trí địa lý và làng nghề, xin đề xuất một số mô hình cụ thể dưới đây trên cơ sở tài liệu có được.

TẠI KONTUM

Mô hình 1: Nghề dệt may thổ cẩm, sản phẩm chủ yếu là dệt vải, may trang phục đồng bào dân tộc, túi sách... làm quà lưu niệm, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố và một số ít ở huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà.

Mô hình 2: Nghề đan lát mây tre, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt sản xuất: gùi, giỏ, phên nứa... tập trung ở địa bàn thành phố và huyện Kon Plông.

Mô hình 3: Làm rượu cần, sản phẩm dùng men lá rừng ủ với gạo nếp, hạt kê, bắp, sắn... đựng trong các ghè, ché, hầu hết đồng bào ở các huyện, thành phố Kon Tum, có lẽ cả Tây Nguyên đều có nghề này.

TẠI GIA LAI

Ngành nghề truyền thống ở đây manh mún hơn (chủ yếu là tự sản, tự tiêu) chưa tham gia nhiều vào kinh tế thị trường, nên mới chỉ có 9 làng và tới nay vẫn chưa đủ tiêu chí theo quy định công nhận làng nghề. Từ năm 2007 đến nay, một số mô hình làng nghề trên địa bàn được khôi phục và phát triển, nhờ sự khuyến khích và đầu tư của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho hơn 1.000 lao động.

Mô hình 4: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm ra từ đôi tay của người thợ đang được khách nước ngoài rất ưa chuộng nhờ độ tinh xảo, tính thẩm mỹ... trên mỗi sản phẩm, thể hiện nét văn hóa riêng của từng vùng. Thương hiệu của những sản phẩm đang góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam, một hướng đi để xây dựng thương hiệu vững mạnh trong quá trình hội nhập, mở ra sự giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới.

TẠI ĐĂK NÔNG

Được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của chính quyền địa phương và cơ quan văn hóa, trong vài năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã phục hồi nghề dệt thổ cẩm, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc bản địa. .

Mô hình 5: Những năm gần đây, bà con dân tộc M’nông ở Buôn O, xã Đăk DRô (huyện Krông Nô) đã trở lại với nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời. Mỗi gia đình ở đây đã có từ 1-2 khung cửi. Ban ngày, phụ nữ ra vườn, lên rẫy sản xuất, ban đêm chị em bật điện sáng, tranh thủ dệt vải làm các sản phẩm thổ cẩm. Những lúc nông nhàn, hay những ngày mưa, chị em cũng tận dụng thời gian dệt vải.

Hiện nay, chị em trong bon đã làm được các loại sản phẩm dệt thổ cẩm thông thường như áo, váy, tấm đắp, khăn chòang, áo gối, túi xách, vải trải bàn với những hoa văn đặc sắc, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của gia đình. Một số sản phẩm làm đẹp, đạt chất lượng tốt  được ngành văn hóa huyện Krông Nô chọn đưa đi trưng bày trong hội chợ triển lãm.

Mô hình 6: Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Ê-đê tại Buôn Sức, xã Quảng Phú (Krông Nô) cũng được phục hồi trong 3 năm gần đây, với trên 95% số hộ dân ở đây đều có khung cửi dệt.

Ngoài việc tập hợp phụ nữ tham gia nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gần đây Buôn Sức còn tổ chức lớp dạy đánh cồng chiêng cho thiếu niên, khơi dậy nét văn hóa, phục vụ lễ hội văn hóa truyền thống tại địa phương.

TẠI PHÚ YÊN

Mô hình 7: Làng gốm Trường Thịnh (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), một trong những làng gốm nổi tiếng, gồm 34 hộ, với hơn 100 lao động còn giữ nghề.

Mô hình 8: Làng nghề tráng bánh Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa)

Mô hình 9: Làng nghề bó chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), với 115/243 hộ sản xuất chổi đót, chổi dừa...

Mô hình 10: Làng nghề sản xuất nước mắm Gành Đỏ (TX Sông Cầu) với gần 20 cơ sở sản xuất nước mắm đang phát triển và hội nhập khá tốt. Nhiều cái tên được khách trong và ngoài tỉnh biết đến như: Ông Già, Bà Bảy, Bà Mười, Tân Lập…

Mô hình 11: Làng nghề truyền thống đan đát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), nhờ có sự thay đổi, phong phú về mẫu mã, chủng loại sản phẩm nên những năm gần đây, đời sống của người lao động trong làng nghề dần ổn định.

Ngoài sản xuất giỏ, lẵng hoa, vỉ phơi bánh tráng, nia, thúng…, làng nghề còn sản xuất: giỏ xách, giỏ đựng hoa cỡ nhỏ.. phục vụ khách du lịch.

TẠI ĐĂK LĂK

Tuy do nhiều nguyên nhân, nhiều ngành nghề truyền thống ở Đăk Lăk đang biến mất như: nghề nỏ ná, cung tên, nghề mộc nhà sàn, mộc nhà dài, điêu khắc tượng nhà mồ, săn bắt, thuần dưỡng voi... nhưng vẫn còn một số nghề như: dệt thổ cẩm, mây tre đan, rượu cần...

Mô hình 12: Nhờ kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm thủ công truyền thống được cải tiến, mang tính độc đáo đã vượt qua thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp địa phương, tới du khách trong và ngoài nước. Điển hình là hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, mây tre đan, dệt thổ cẩm.

Không dừng lại ở quần áo, khố, chăn và túi đựng đeo vai, nay có nhiều mặt hàng thổ cẩm mới, mang tính thời trang, như: dây lưng, hộp bút, vỏ điện thoại di động. Hàng mây tre đan đã hình thành 3 loại sản phẩm chính là hàng truyền thống, hàng du lịch và hàng theo thị trường, làm theo đơn hàng.

Mô hình 13: Làng nghề truyền thống Sâm Ngọc Linh. Với giá trị dược liệu đặc biệt, sâm Ngọc Linh cần được nghiên cứu xây dựng thành một OTOP điển hình của khu vực Trường Sơn.

Mô hình 14: Thu hái, sản xuất dược liệu nâng cao bản lĩnh đàn ông trên cơ sở bài thuốc A ma Kông nổi tiếng. Đây cũng có thể trở thành một OTOP điển hình.

TẠI LÂM ĐỒNG

Toàn tỉnh có 33 làng nghề, trong đó 12 làng nghề gắn với du lịch.

Mô hình 15: Làng nghề trà Brao (Bảo Lộc) sản phẩm đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia lan rộng tới Châu Âu và Bắc Mỹ

Mô hình 16: Làng nghề Thổ cẩm và Mây tre đan  Buôn Go (Cát Tiên) . Đây cũng là một trong 12  điểm làng nghề trên địa bàn gắn với du lịch, góp phần bảo tồn tri thức bản địa, phục vụ sinh kế cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Mô hình 17: Cà phê Tây Nguyên. Đây là sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng, với nhiều thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, những cà phê chồn, cà phê tự rang tẩm của từng gia đình, luôn nổi tiếng và gần gũi với quan điểm OTOP, cần được phát huy trong khắp vùng Tây Nguyên.

TẠI THỪA THIÊN – HUẾ

Mô hình 18: Làng nghề thêu Thuận Lộc; điêu khắc Mỹ Xuyên và Thuận Hòa.

Mô hình 19: Mô hình các làng du lịch gắn với việc chăn nuôi bán hoang dã và khai thác các bãi như: Cà Toong, Mang lớn Trường Sơn ở Hướng Hóa liệu có thể trở thành OTOP đặc trưng không?

TẠI ĐÀ NẴNG

Mô hình 20: Làng nghề thu hái lá rừng, rau dại (làm dược liệu mát gan) tại Cù Lao Chàm

TẠI QUẢNG NGÃI

Mô hình 21: Nghề sản xuất thịt bò khô thành phố Quảng Ngãi;

Mô hình 22: Làng nghề sản xuất đường, kẹo đặc sản thành phố Quảng Ngãi trên cơ sở mía đường của tỉnh.

Mô hình 23: Làng nghề trồng cây cảnh thôn Hoà Tân, Nghĩa Hoà;

Mô hình 24: Làng nghề chổi đót Phổ Phong.

Mô hình 25: Làng nghề trồng và chế biến Tỏi đặc biệt ở đảo Lý Sơn

TẠI QUẢNG NAM

Mô hình 26: Làng nghề trồng Ba Kích Tây Giang đang được phát triển, có thể có chất lượng không thua kém các nơi khác

Mô hình 27: Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim

Mô hình 28: Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà (Hội An)

TẠI NINH THUẬN

Mô hình 29: Làng nghề chăn nuôi Bò tót bán hoang dã thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình, xã Phước Bình, huyện Bác Ái

Mô hình 30: Làng nghề truyền thống dệt Mỹ Nghiệp

Mô hình 31: Làng gốm Chăm Bầu Trúc, cho dù đang có những khó khăn trong duy trì, nhưng nếu được quan tâm khai thác đúng đắn, việc phát triển làng gốm nơi đây không mâu thuẫn “đối kháng” với các cơ sở gốm sứ hiện đại. Bài học kinh nghiệm của nhiều nơi cho thấy điều này.

Trong số 31 mô hình được đề xuất cho một số địa phương, nhiều nhất vẫn là chế tác “thủ công mỹ nghệ”, bao gồm cả gốm, thổ cẩm. Có tới ½ số mô hình được đề xuất thuộc loại này, và đây thực sự là tiềm năng lớn của các mô hình OTOP khu vực Trường Sơn. Tiếp đến là các mô hình “chế biến lương thực, thực phẩm, dược liệu”, cũng chiếm tới 12 đề xuất. Thuộc loại “khác” chỉ có 3 mô hình (số 19, số 23 và số 29). Đây là những gợi ý cho những nghiên cứu sắp tới.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Mô hình OTOP là một phương thức tốt phát huy nét đẹp văn hóa môi trường truyền thống làm nội lực bảo đảm sinh kế cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xanh trong thời đại hiện nay. Nhiều nước trong khu vực đã chú ý phát triển mô hình OTOP các loại.

2. Ở Việt Nam bao gồm cả khu vực Trường Sơn, nhiều làng nghề truyền thống là những mẫu hình tốt phát triển OTOP. Để thuận tiện cho phổ cận OTOP, đối với khu vực Trường Sơn, nên gọi tên loại mô hình này là “Mỗi buôn làng Một sản phẩm”. Có thể tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc từ đa dạng sinh học, nhưng không nên hạn chế các mô hình phù hợp khác.

3. Vì đây là vấn đề còn khá mới mẻ, còn có thể có những ý kiến trái chiều, trong khuôn khổ Hội thảo thường niên của VACNE về Trường Sơn sắp tới, (lần thứ 8), nên chăng lấy tên chuyên đề là “Mỗi buôn làng Một sản phẩm”. Cần thiết có những điều tra, khảo sát liên quan để chuẩn bị cho Hội thảo cũng như khuyến khích viết báo cáo, tham luận về vấn đề này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Đặng Kim Chi (chủ biên). Làng nghề Việt Nam và môi trường. NXB Khoa học và Kỹ thuật, H., 2012.

2. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo “Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 6. Chuyên đề Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng”, Đà Nẵng, 8/2014.

3. Hội BVTN&MT Việt Nam. Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, NXB Tài nguyên và Môi trường, H.,2012.

4. Trần Công Khánh. OTOP – Sản phẩm của tri thức truyền thống. Web “vacne.org.vn” ngày 6/4/2010.

5. Mạng Web đang hoạt động: vnexpress, vietnamnet, vacne,...

6. Nguyễn Ngọc Sinh. Thay đổi cung cách ứng xử với thiên nhiên, xây dựng văn hóa môi trường tiên tiến hướng tới phát triển bền vững đất nước. H.,8/2014. Chuyên đề khoa học viết theo yêu cầu của Hội đồng Lý luận Trung ương.

7. What is OTOP? www.thaiembassy.sg

8. Hirosh Murayâm & K.Son. Understanding the OVOP Movement in Japan. www.iovoppa.org.

Đường Link Bài viết đã được đăng trên website VACNE

Văn phòng VACNE

Lượt xem: 6393

Các tin khác

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại khu vực phía Nam

(10/04/2024 02:07:PM)

Triển khai Chương trình “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(09/04/2024 05:06:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE