quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Màu xanh bất tử

Thứ Sáu, 18/06/2021 | 03:28:00 PM

(VACNE) - Ban biên tập website VACNE vừa nhận được bài viết dưới dạng Bút ký của tác giả Phạm Ngọc Khảnh ở Nam Hồng - Đông Anh - Hà Nội, người có nhiều tâm huyết đối với hoạt động của Hội và Cây Di sản. Xin chia sẻ cùng độc giả.

Tôi xin nói về ba cây đại thụ mới được tìm ra: cây Dã Hương làng Dương Phạm, cây Hoa Đại Đông Ngàn và cây Bồ đề đại lão làng Dịch Diệp.

Cây Dã Hương làng Dương Phạm: Dã Hương thuộc dòng thực vật quý hiếm; những cây có tuổi thọ cao càng quý hiếm hơn.

Thế giới có ba cây thì một cây ở châu Phi đã bị chết. Ở Việt Nam ta cây Dã Hương Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được Lê Hiển Tông (1740 - 1786) sắc phong “Quốc chúa đô mộc Dã đại vương” - cây dã lớn nhất nước. Cây đã được ghi trong danh mục từ điển LaRousse của nước Pháp; và cây dã thứ hai hiện còn ở làng Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng có tuổi thọ rất cao. Cây to có chu vi gốc 16 mét, thân cao khoảng 28 mét, tán lá sum sê, tỏa rợp bóng cả một vùng; bộ rễ cuồn cuộn nổi lên kỳ dị, độc đáo, thân cành mốc meo, hốc hác, chứng tỏ cây đã từng sống và chống chọi với bao phong ba bão táp, mà trường tồn đến mãi hôm nay. Cây sừng sững cạnh ngôi miếu cổ và vuông dấu tích lăng mộ hướng về phương bắc kề bên.

Tương truyền ngôi miếu “Đức Chúa Hoằng Cô” ấy thờ vị Thánh mẫu giáng trần, người xóm Tài Long, thôn Dương Phạm, tổng Thanh Nê, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; nay là xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ngày ấy có một gia đình nghèo khó, ông Ngô Công Tước và bà Nguyễn Thái Hằng, năm 1449 sinh hạ được một người con gái mặt hoa da phấn đặt tên là Ngô Thị Nữ Hoằng. Không may một năm sau cha mất nàng ở với mẹ, đói nghèo không nơi nương tựa. Nữ Hoằng phải chăn trâu cắt cỏ cho nhà giàu. Lớn lên nàng đẹp như tiên giáng thế. Mùa xuân 1468 khi nàng vừa tròn 19 tuổi, một hôm ngồi trên tảng đá ven sông ngơi nghỉ nàng hát “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Lòng còn tơ tưởng mở mang cơ đồ”. Chợt lúc vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ngự thuyền Rồng trên sông đi thị sát đê Hồng Đức, Tiểu Giang nay là sông Đào ngang qua. Nghe giọng hát ngọt ngào, thoáng dáng người óng ả; vua ghé thuyền cho lính đến chuyện trò, ướm hỏi, qua đôi lời cảm mến. Vua cho đón về triều phong làm Nhị Phi Cung Tần. Được bốn năm thì ngày 9 tháng 6 năm Tân Mão (1471) nàng qua đời. Nhà vua thương xót cho thi hài vào săng đồng, và một đoàn thuyền khác chở báu vật và đá cuội ngũ sắc về quê hương Dương Phạm an tang. Về đến làng chợt trời đổ gió táp mưa sa, đoàn chở thi hài phải tạm nghỉ. Khi ngớt mưa ra đến nơi thì mối đùn thành một nấm vùi lấp hết quan tài, không cần mai táng. Khi hoàn tất mộ phần vua cho trồng một cây gỗ dã kề bên. Để bây giờ ta có cây Dã Hương cổ thụ hơn 550 năm tuổi ôm ngôi miếu cổ thâm trầm. Trong miếu có bức đại tự “Đức Hoằng Phi”; ngoài trụ thềm có đôi câu đối chữ Hán “Nhất phiến băng tâm huyền nhật nguyệt/ Thiên thu trinh tiết đối giang sơn” - một tấm lòng băng sáng cùng nhật nguyệt; nghìn năm trinh tiết đẹp với non sông. Cây ấy dân thường gọi với cái tên: Xoan Dã. Căn cứ vào tuổi của cây, gắn với nhân vật, triều đại lịch sử; năm 2013 Hội bảo vệ Cây di sản Việt Nam đã cho dựng bia đá và cấp bằng công nhận cây Dã Hương làng Dương Phạm là cây Di sản Việt Nam. Tháng 10 năm 2009 tôi đã cùng Công ty CP Phát triển truyền thông Hà Nội làm bộ phim tài liệu dài tập “Sông Hồng ký sự”, trong đó một tập về cây Dã Hương làng Dương Phạm, góp vào chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Với người dân Dương Phạm họ tôn kính coi cây Xoan Dã có thần, rất thiêng, không ai dám chặt phá động chạm đến. Trong làng ai có thù ghét xích mích gì nhau cứ đến kêu thần cây bên miếu Vua Bà đều được hòa giải đâu ra đấy.

Trong kháng chiến chống Pháp khu cây, đền miếu như pháo đài để bộ đội, du kích đánh giặc. Năm 1949 Pháp cho chặt phá cây cối, riêng cây Dã Hương và ngôi miếu cổ chúng dùng bao nhiêu đạn pháo cũng không tài nào phá được. Từ đó dân làng còn gọi Dã Hương là “Cây thần mộc”.

Mấy năm gần đây trên thân lá cành bao nhiêu là rêu rệp, tầm gửi bám kín. Rễ cây thì mối mọt ăn hốc hác năm 2009 dân đã hạ chặt gần một tấn củi cây tầm gửi; cũng năm ấy Viện nghiên cứu đa sinh học, cử các đoàn về nghiên cứu gen cây, thả thiên địch như tắc kè, giun đất, trừ phá tổ mối, kết hợp dân thường xuyên chăm bón từ đó tới nay cây phát triển khỏe mạnh bình thường.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, báo CAND cùng với địa phương đã đầu tư tài trợ 300 triệu đồng nâng cấp trùng tu ngôi đền miếu và rào dậu chung quanh gốc Dã Hương. UBND huyện Ý Yên chi hơn 6 tỷ đồng làm con đường nhựa dài hơn 3 cây số từ quốc lộ 56 về khu tâm linh và gốc cây gỗ dã.

Dã Hương cùng họ với long não, xếp vào loại cây dược liệu, có tính nhiệt, vị cay thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý ngoài da, đau nhức xương khớp, bệnh trĩ…, bào chế ra băng phiến, tinh dầu xoa bóp.

Từ xưa tới nay dân làng Dương Phạm lấy ngày 9 tháng 6 âm lịch, ngày giỗ Nhị Cung Phi Tần tổ chức hội cúng tế linh đình, khách xa gần thường về du ngoạn.

Họ Phạm hai làng Dương Phạm, Phạm Xá liền nhau, có mối tương quan sâu sắc. Dòng họ Phạm ở đây nối đời phát đạt. Đời thứ V có Hoàng giáp Phạm Đạo Bảo, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, khoa thi năm Đinh Mùi (1487). Phạm Đạo Phú (1463 - 1539), 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Canh Tuất (1940). Đời XVI có Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị (1805 - 1880), đỗ Hoàng giáp tiến sỹ năm 1838. Ông là người thuộc phái chủ chiến, chiêu mộ cầm quân đánh Pháp, để lại gương sáng cho đời.

Vậy là mảnh đất hai làng Dương Phạm, Phạm Xá, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; nơi sinh ra Mỹ nữ anh linh, và những bậc danh thần, danh tướng tài hoa thông tuệ góp phần làm vẻ vang nòi giống. Luôn rợp mát dưới bóng Dã Hương nhiều năm tuổi.

2

Cây Dã Hương làng Dương Phạm

Đông Ngàn cây Đại ngàn năm. Đông Ngàn xưa có tên là làng Long Tửu, xã Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Làng Đông Ngàn nằm cạnh dòng Thiên Đức, chính là sông Đuống ngày nay.

Truyện xưa làng Đông Ngàn có những người trai: một người họ Phạm tên Lang, một người họ Trần tên Khiết và người khác ở xứ Hoan Châu họ Nguyễn tên Khang. Cả ba lớn lên đều là phó tướng, tỳ tướng cùng Phù Đổng đánh giặc Ân; thời Hùng Vương thứ VI cách đây 3700 năm. Vì có công dẹp giặc nên đã được vua Hùng truy tặng Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Khang là Bảo Khang đại vương, Trần Khiết là Minh Khiết đại vương và Phạm Lang là Quốc Lang đại vương. Khi mất làng lập đền thờ. Ngoài ngôi đền thờ chung - Đình Đông Ngàn thờ ba vị; làng còn lập Đền Thượng thờ Bảo Khang, Đền Trung thờ Trần Minh Khiết và Đền Hạ thờ Quốc Lang đại vương đều ở ven đê Thiên Đức. Riêng Đền Hạ thờ Quốc Lang đại vương xây dựng xong còn được trồng cây hoa đại đầu hồi phía tây. Như vậy tính ra tới nay cây Đại đã hơn 3000 năm tuổi. Trải qua thời gian bão táp dập vùi cây Đại vẫn sừng sững vươn lên, thân cành sần sùi, quằn quoại thoạt trông tưởng đại hóa rồng, tỏa hương dâng sắc cho đời. Trong quá trình tôn tạo con đê, ngôi đền tọa lạc ven sông đã nâng lên cao ngang mặt đê, riêng cây Đại thân gốc vẫn vùi sâu dưới chân đê hơn 4 mét. Bây giờ đo ra phần thân gốc nổi chu vi 4,1 mét, chiều cao 12 mét, hai cành to lớn tỏa lan cân đối, sum sê rất đẹp. Nếu đem cây Đại Đông Ngàn so sánh với cây Đại cạnh đền An Sinh Vương Trần Liễu ở Hải Dương, trồng từ khi lập đền đến nay khoảng 750 năm mà chu vi gốc mới 2,1 mét, suy ra cây Đại Đông Ngàn hơn 3000 năm tuổi là có cơ sở. Xúc cảm trước vẻ đẹp cung kính nên thơ tôi đã mạnh dạn có đôi dòng lục bát “Đông Ngàn dáng đại như mơ/ Mấy nghìn năm vẫn … bây giờ đẹp hơn”.

Hoa Đại không to, năm cánh xếp xòe cân đối, màu sắc đầu cánh vàng ngà, dịu đậm dần vào cuống nhụy, chân hoa. Hương hoa thoang thoảng cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt không mấy ai dám trồng đại trong vườn nhà mà thường trồng nơi đền thờ miếu mạo.

Nguồn gốc đại ở Mexico, Trung Mỹ, Venezuela, sau lan sang các nước khu vực nhiệt đới khác trên thế giới. Đồng chí Trường Chinh - Sóng Hồng một lần ở Indonesia nhìn thấy cây đại ông đã cảm hứng đề thơ: “Trông ra hoa đại đầy sân/ Cảnh sao gần gũi mà thân với mình”.

Cây Đại Đông Ngàn, đứng bên ngôi đền cổ thờ vị danh tướng Quốc Lang đại vương, người có công dẹp giặc Ân thời vua Hùng; đã được nhà nước công nhận xếp hạng Cây di sản Việt Nam là rất xứng đáng.

Cây Đại Đông Ngàn

Cây Bồ đề đại lão làng Dịch Diệp. Cái tên Dịch Diệp trang có từ thế kỷ XI, Lý Thái Tổ (1010 - 1028) phong cho, nay Dịch Diệp thuộc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bấy giờ vào năm 1112, thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), vị Thành hoàng thứ ba là Nguyễn Công Phạn dâng biểu từ quan, được vua chuẩn y. Ngài về làng tu tại chùa Dịch Diệp, cùng dân tu bổ lại chùa, đúc chuông, tạc tượng… tôn tạo khuôn viên; sau đó trồng cây tạo cảnh, trong đó có cây Bồ đề. Như vậy cây Bồ đề tính tới nay đã 900 năm tuổi; trường tồn ngót một thiên niên kỷ với bao bão táp dập vùi. Đặc biệt năm 1962 cơn bão số 7 có tên là Harriet khi vào bờ đã gây ảnh hưởng lớn, làm gẫy một cành chính. Rất may, cây chỉ hơi nghiêng, sau bật lên năm cành mới có dáng như bàn tay xòe cao vẫy gió, dân làng và người nơi khác có dịp đến ngắm nhìn đều trầm trồ trước vẻ đẹp lạ lùng của cây.

Thời nào làng cũng cử người chăm nom, đặt tên cây là “Bồ đề đại lão”. Nhiều người dân còn nhớ khoảng năm 2005 - 2006, không hiểu vì sao chỉ có phần quay về phía chùa tán còn xanh, phần phía ngoài thì cứ lụi dần. Năm 2007, làng lập ra Ban kiến thiết, có nhiệm vụ chỉnh trang chùa chiền. Khi tát nước hồ để xây lại kè bao gốc cây mới phát hiện dưới gốc cây bị sụt lở chỉ còn phần rễ bám vào đường chùa là sinh sôi nên cành lá mới như thế. Làng đã lập tức chở hơn 40 khối bùn đất chèn vào gốc cây, vừa tạo thế, vừa bồi dưỡng nhờ thế cây phát triển bình thường trở lại. Giờ thì cây Bồ đề đại lão ấy có chu vi gốc tới 9 mét, thân cao 20 mét, tán lá rộng 960 mét vuông. Hàng ngày kể cả lúc nắng, khi mưa, dưới tán Bồ đề cổ thụ luôn có người làng quây quần, ngơi nghỉ chuyện trò tâm tình vui vẻ. Cây Bồ đề cổ thụ bên hồ nước rộng trong xanh, tỏa bóng bên ngôi “Tối linh từ” tạo nên cảnh sắc văn hóa vừa cổ kính vừa hiện đại. Với tuổi thọ, sức sống của cây, chính quyền địa phương Dịch Diệp và xã Trực Chính đã làm đơn đề nghị nhà nước xếp hạng cho cây. Hội đồng cây di sản Việt Nam đã xét cấp bia đá và bằng công nhận cây Bồ đề đại lão làng Dịch Diệp là cây di sản Việt Nam.

Được tin vui ấy dân làng đã tổ chức đón nhận “sắc phong” và gắn với đại lễ 965 năm ngày sinh tam vị Thành hoàng làng rất long trọng. Nhiều người đã thành tâm đóng góp để tôn tạo khu di tích văn hóa. Đặc biệt có gia đình nhà giáo Lê Đình Tiến, gom tiền mua tấm bia đá kim nhũ, thuê đục khắc chữ vàng, rồi chở về cùng dân làng rước dựng bia dưới gốc Bồ đề. Mặt sau bia ghi dòng chữ: Gia tộc nhà giáo Lê Đình Tiến cung tiến! Đây là việc làm đáng trọng. Người đứng tựa gốc cây là ông Lê Đình Lai, thành viên trong gia đình nhà giáo ấy.

Tôn ơn Lão Tướng - Thần Hoàng, sinh thời có tầm nhìn sâu rộng đã chọn trồng cây Bồ đề dựng nên biểu tượng trí tuệ và sự giác ngộ về đạo Phật cho hậu thế con cháu.

Hôm rồi ngày 17/04/2021, tức 06/03 âm lịch. Buổi lễ kỷ niệm đón rước; làng mời khách thập phương từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã về dự. Riêng đoàn khách Trung ương - đại diện Hội đồng cây di sản Việt Nam (VACNE) có GS TS khoa học Đặng Huy Huỳnh làm trưởng đoàn. Trong đoàn có một phụ nữ người Nga Sonia, sau mấy lời phát biểu, chị ôm đàn say sưa hát bài Chiều Mát-xco-va và bài Người ở đừng về dân ca quan họ Bắc Ninh thật truyền cảm, át cả tiếng mưa rào ràn rạt. Nghe xong mọi người vỗ tay như pháo nổ. Có một chàng trai Ngọc Tỉnh gần bên - nhà thơ Phạm Trọng Thanh tới dự đã sáng tác một bài thơ hay, trong đó có câu: “Người mắt biếc người phơ phơ tóc bạc/ Những tâm hồn đồng điệu Sonia/ Vòm đại thụ tầm nước mây lá múa/ Bến đá ao đền cộng hưởng đến muôn xa”. Lời thơ, ý thơ quyện với cảnh tình lay động long người. Ngoài kia “Lúa con gái nõn nà xua ngọn khói”; trong này vòm đại thụ lá cây vờn múa lưng trời!

Mọi người đến dự lễ hội chăm chú say xưa chẳng muốn về, trước vẻ cung kính tôn nghiêm, những nét cười, ánh mắt của người con gái Dịu dàng, nền nã, không biết có phải vẻ đẹp của đồng quê ngày xưa còn lưu lại.

Cây Bồ đề đại lão làng Dịch Diệp

Và những cây Dã Hương làng Dương Phạm, cây hoa Đại Đông Ngàn, cây Bồ đề làng Dịch Diệp trụ bám ba vùng đất khác nhau; sống giữa đời chứng kiến và chịu bao bão táp can qua; hưởng mọi thanh bình, tráng lệ. Nếu nói “rừng vàng” thì đây là những thỏi vàng ròng vô giá, cho ta, cho mãi muôn đời!

Những “lão mộc” ấy đã có công hàng nghìn năm níu buộc để màu xanh trở thành bất tử …

Phạm Ngọc Khảnh (Nam Hồng một ngày chớm hạ, 25 tháng 05 năm 2021)

Lượt xem: 2017

Các tin khác

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE