"Nga Hà, Văn Phú, Sơn Cương,
Đi đâu cũng nhớ quê hương của mình.
Cây đa, bến nước, sân đình,
Mái trường gắn bó mối tình tuổi thơ......"
Sai Nga là một dải đất phù sa màu mỡ nằm bên bờ hữu Sông Hồng thuộc trầm tích phù sa cổ, nơi đây đã lưu giữ được khá nhiều nét văn hóa đặc trựng của nền văn hóa vùng Châu thổ sông Hồng, các di tích đình, đền, chùa, trong xã có một điểm chung nhất là đều được sắc phong thờ Cao Sơn và Tam Lang Chàng Út Đại Vương là 2 vị bộ tướng tài giỏi thời Hùng Duệ Vương. Từ ngày xưa cư dân Sai Nga sinh sống thuận hòa trên nét đẹp văn hóa truyền thống của 3 làng: Làng Văn Phú, có nghề làm rau nổi tiếng, làng Nga Hà có nghề mộc truyền thống, làng Sơn Cương mang dư vị của đặc sản "Cá Đồng Câu"; chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu thành ngữ "Cua đồng Ngạ, cá Đồng Câu, trâu Sơn Tình, đình Văn Phú". Cả 3 làng đều lưu giữ được nghề nón lá truyền thống và phong tục làm Gà thờ nổi tiếng để dâng lên các vị thần trong những ngày lễ hội. Đình Văn Phú và Đền nghè Nga Hà; sắc phong đồng phụng sự Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, vị tướng thời tiền Lê. Đền Sơn Cương thờ công chúa Ngoạn Hoa Phương Anh, người đã có công dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải.
Đặc biệt trong quần thể di tích đền, chùa, làng Sơn Cương có cây Đa, cây Sanh, được nhắc đến là "Lưỡng mộc đại thụ" đây là thực thể sống lâu năm nhất còn tồn tại ở xã Sai Nga, sự ra đời, tồn tại của 2 cây này qua sự truyền miệng của các cụ cao niên trong làng chỉ là "Khi tôi còn nhỏ, đã thấy 2 cây này to như thế này rồi!". Tuy không có niên đại chính thức, nhưng qua các nghiên cứu, đánh giá của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì 2 cây này có tuổi đời trên 500 tuổi. Trải qua suốt chiều dài của lịch sử, mọi biến cố của dân làng trong vài trăm năm qua chỉ có 2 cây này mấy được chứng kiến hết. Trận lũ lịch sử và nạn đói năm 1945 đã cướp đi tất cả, trận dội bom ác liệt của máy bay Thực dân Pháp vào làng Nga Hà tháng 2/1951, đã cướp đi sinh mạng của 22 người dân vô tội, 78/80 nóc nhà bị cháy, hư hại nặng, Cây gạo Còng của làng Nga Hà đã bị tàn phá. Nhưng không hiểu phép màu nào đã làm cho cây Đa, cây Sanh của làng Sơn Cương tránh được hòm tên, mũi đạn. Trận lũ lịch sử năm 1968, năm 1971 đã cuốn đi nhiều tài sản và cả những di sản như ngôi đình, đền, chùa của làng Văn Phú, Sơn Cương, nhưng cây Đa, cây Sanh vẫn to lớn, vươn cao hiên ngang che chở cho xóm làng.
Bước vào khuôn viên ngôi đền, ở phía sau hậu cung, chúng ta gặp ngay quần thể "Lưỡng mộc đại thụ" cây Đa, cây Sanh với dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng, gốc cây mọc ở thế "Lưỡng trụ" có đường kính lên đến vài mét với bộ rễ đồ sộ như cảnh quan hùng vĩ của những nhũ đá, rễ của 2 cây đã bện chặt vào nhau tạo thành một vòm cổng cổ kính, huyền bí, như vòm cổng của chốn động tiên. Rễ của Đa, Sanh bện chặt vào nhau, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của người dân Sơn Cương. Cây Đa có chiều cao khoảng 45m, cành đến đâu buông rễ nổi đến đó, rễ biến thành thân, thành cội, những cội đa như những bắp tay khổng lồ cơ bắp cuồn cuộn, nâng cả tán cây xanh ngắt lên giữa bầu trời. Tán cây rộng hàng ngàn m2, như ôm trọn cả một góc làng, dưới làn gió mát lành, .bóng cây rì rào như xua đi bao nỗi nhọc nhằn, bộn bề của cuộc sống mưu sinh, như xua đi những điều tà ác, những cái xấu vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong xóm, ngoài làng. Đa có tấm thân lực lưỡng, trăm cành hiên ngang như hình ảnh của những trai làng Sơn Cương rắn giỏi, khỏe mạnh, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất.
Cây Sanh tỏa bóng la đà, bộ rễ kỳ vỹ, cổ kính, rễ non xõa xuống mềm mại, rễ thân cây bện chặt với cây đa, dáng vẻ chắc chắn, nó biểu hiện như tính cách của con gái làng Sơn Cương, đảm đang, khéo léo.
Không chỉ là cây cổ thụ có vài trăm năm tuổi, mà dưới bóng cây, đó còn là những câu chuyện về tầng sâu văn hóa, lịch sử, có tính giáo dục mang bản sắc riêng đã được lưu giữ và truyền miệng qua nhiều thế hệ. Bởi thế mà cây Đa, cây Sanh còn có ý nghĩa rất lớn trong tâm hồn bao thế hệ người dân làng Sơn Cương. Cây Đa, cây Sanh đã chứng kiến không khí hào hùng của cách mạng tháng Tám giữa mùa thu lịch sử, đã che chở cho ngôi đền mà tổ Đảng Sơn Cương, chi bộ Nỗ Lực làm nơi họp bàn, để đưa ra các quyết sách lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Cây đã che chở cho bao thế hệ học trò làng Sơn cương trong hành trình đi tìm con chữ, rồi trưởng thành vươn xa trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Cây đã chứng kiến những giọt nước mắt được gói trong chiếc khăn tay của các cô gái Sơn Cương, tiễn những trai làng trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Cây Đa, cây Sanh đã chung vui cùng dân làng trong các mùa xuân lễ hội mồng 6 tháng 2. Ngày xưa chuyện kể lại rằng: " Cứ đến ngày lễ hội, một số cụ cao niên trong làng, giỏi chữ nho, thông thuộc phong thủy, đã giành thời gian để ngắm Thần thái của cây. Theo các cụ năm nào lễ hội mà thần thái của cây tươi tỉnh thì năm đó mưa thuận gió hòa, lúa ngô đầy nong, đầy bồ, cá tôm đầy đồng, xóm làng bình yên, phát triển. Khi thần thái của cây buồn thì xóm làng cũng có chuyện buồn". Cây đã gắn bó với con người nơi đây qua nhiều thế hệ, sự gắn bó tri kỷ, nghĩa tình ấy, đã làm cho cây như có tâm hồn. Không biết tự bao giờ mà tình người, tình đất, tình cây đã hòa quyện vào tâm hồn của các thế hệ làng Sơn Cương đến thế.
Giữa dòng nước lũ cuồn cuộn, cây vẫn đứng hiên ngang, trước những cơn cuồng phong của thiên nhiên, cây vẫn vững vàng như để che chở, bợ đỡ cho xóm làng. Ai cũng thầm hiểu trong tâm trí rằng: Cây đã đem lại nhiều điều may mắn cho mọi người. Không biết có sự tình cờ hay linh nghiệm mà nhiều người dân trong làng còn tránh cả tên húy của cây, mà họ đều thể hiện sự kính trọng gọi đó là "Cụ Đa, cụ Si".
Nhân dân làng Sơn Cương được đón nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam và tự hào được gắn bia đá "Cây di sản", đó là mảnh ghép hoàn hảo cho một nét văn hóa độc đáo của làng Sơn Cương. Cây Đa, cây Sanh được vinh danh là cây di sản của Quốc gia, đặc biệt nó sẽ trở thành một biểu tượng, một báu vật vô cùng cao quý của nhân dân trong làng. Tôn vinh cây di sản làm cho chúng ta càng thêm yêu thiên nhiên môi trường hơn, càng trân trọng những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.
Với niềm tự hào đó, chúng tôi mong muốn sẽ có sự chung tay góp sức của nhân dân trong làng, của những người con quê hương đang công tác trên khắp mọi miền của Tổ quốc, góp công, góp của, để chăm sóc, bảo tồn 2 cây di sản. Đó cũng là những việc làm thiết thực, có trách nhiệm của thế hệ chúng ta trước các bậc tiền nhân, lưu giữ báu vật quý này cho muôn đời sau./.