Bài viết sau đây đã trích đăng trên báo An Ninh Thủ Đô cuối tuần trong tháng 5/2010. Để hình dung rõ hơn một mặt hoạt động nữa của VFEJ, chúng tôi xin giới thiệu trọn vẹn bài viết trên.
Các đối tác và tình nguyện viên tham gia trò chơi khởi động trước khi vào giờ họp
Đưa mọi người đến với nhau
Fredkorpset (FK) vốn là một tổ chức tình nguyện phi chính phủ Na Uy, thành lập cách đây 47 năm, sau rồi mới trực thuộc Bộ Ngoại giao nước này. Nó hoạt động độc lập bằng nguồn kinh phí nhà nước, để hỗ trợ chính phủ cho mục tiêu hợp tác và phát triển toàn diện đất nước. Na Uy trải dài trên bờ biển như Việt Nam, diện tích nhỏ hơn nước ta một chút (323.759 km2/ 331.700 km2).
Na Uy là nước phát triển ở Bắc Âu. Tính cộng đồng toàn cầu và nhân văn của người dân đất nước quân chủ lập hiến chỉ có 4,4 triệu người (1958) này thật đáng nể phục. Mong muốn xây dựng một thế giới công bằng và phát triển cho quyền sống cơ bản của con người, Na Uy coi trọng sự liên kết hợp tác với các nước đang phát triển, đặc biệt là hỗ trợ các nước nghèo nhất trong các nước nghèo, theo năm nguyên tắc: thống nhất, trao đổi, bình đẳng, đa dạng và minh bạch.
Hoạt động của FK gồm hai lĩnh vực chính: chương trình trao đổi và phát triển mạng lưới. Hiện FK đã có mạng lưới trên 60 nước ở ba châu lục Á, Phi và Nam Mỹ, trong đó có Việt Nam. Năm 1963, ngay khi mới thành lập, FK đã cử các tình nguyện viên sang Uganda và Iran.
FK tổ chức ba chương trình trao đổi: trao đổi nam – nam (giữa các nước đang phát triển), trao đổi bắc – nam (giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển), và trao đổi giữa những người trẻ tuổi. Một bên là các tổ chức, tập đoàn, các tổ chức cộng đồng Na Uy, một bên là các nước Á, Phi và Nam Mỹ.
Chúng tôi – Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) được FK chỉ định làm điều phối chương trình trao đổi nam – nam với Trung Quốc và Lào. Chương trình bắt đầu bằng việc tham gia một khoá đào tạo ngắn hạn ba tuần ở Thái Lan – một trong hai nước có văn phòng đại diện của FK trên toàn thế giới.
Từ mấy năm trước VFEJ đã tham gia chương trình này. Năm 2004, chị Fawzia Nasrin, tình nguyện viên (TNV) của Diễn đàn nhà báo môi trường Bangladesh đã đến làm việc tại VFEJ. Anh Mongkhou Vongsam Ang TNV Thời báo Vientian (Lào) cũng sang làm việc ở báo Sài Gòn Giải phóng. Đổi lại, VFEJ cũng cử hai TNV sang Lào và Banglađest. Thời gian làm việc của các TNV là 8 tháng.
Lần này Diễn đàn nhà báo môi trường Trung Quốc cử hai TNV, một sang Lào và một sang Việt Nam. Lào cử một TNV sang Việt Nam. Việt Nam cử hai TNV, một sang Lào và một sang Trung Quốc. Chương trình trao đổi diễn ra trong 12 tháng. Khoá học chuẩn bị này do AIT và FK phối hợp tổ chức nhằm giúp các TNV sống và làm việc hiệu quả ở đất nước sẽ tiếp nhận mình đến làm việc.
Ba tuần tập huấn với năm đơn vị học trình là đủ hay thiếu? Nhiều hay ít? Câu trả lời phải là của các TNV sau hoặc ngay trong thời gian làm việc. Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi trong các học trình ngoài những vấn đề chung về mục tiêu hoạt động của FK, của các TNV khi tiến hành trao đổi, những vấn đề về con người, về phát triển rất được FK chú trọng.
Họ chuẩn bị cho các TNV không chỉ những nguyên lí, những đặc điểm văn hóa, mà cả cách thức xử lí những cú sốc văn hóa, cách đối phó với tâm lí chán nản, e sợ hoặc cô đơn khi một mình sống ở một nước xa lạ.
Chu đáo đến mức chuẩn bị cho các TNV trẻ cả phương thức đối phó với những người khó tính, dạy họ cách xử lí khi gặp mâu thuẫn, dặn những điều cần thiết về an toàn và an ninh cá nhân, dạy cách sơ cứu khi gặp nạn. Các bà mẹ Hà Nội dạy con gái khi đi làm dâu cũng không kỹ càng hơn được.
(còn nữa)