Có thể bạn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hay đã gắn bó với mảnh đất này lâu năm, nhưng đã bao giờ bạn dành thời gian một chiều đi bộ lang thang trên các con phố cổ, ngắm nhìn sự đổi thay của phố phường từng ngày? Với “chuyến du lịch mini” này, có thể bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị và đáng suy nghĩ nữa. Đó là bên cạnh một Hà Nội ồn ào và tất bật của ngày nay, bên cạnh những cửa hàng sầm uất, quán ăn sang trọng, những quán café đầy màu sắc mọc lên san sát, đâu đó bạn bắt gặp hình ảnh của những gánh hàng rong. Chợt nhận ra, dường như, mỗi con phố, con ngõ nhỏ của Hà Nội đều ghi dấu bước chân của họ. Chẳng rõ tự bao giờ, nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, quen thuộc của Hà thành… Và đằng sau hình ảnh ấy còn là sự lận đận mưu sinh của những người bán rong…
Mang hương vị quê đi khắp phố phường Hà Nội
Nếu được hỏi chính xác, hàng rong ở Hà Nội có từ khi nào, chắc sẽ chẳng mấy người biết. Chỉ biết, từ lâu lắm rồi, với mỗi người Hà Nội, gánh hàng rong đã trở nên quen thuộc, trở thành một phần không thể thiếu, là một kí ức đẹp cho những ai đã sống và gắn bó với mảnh đất này.
Gánh hàng rong tồn tại ở Hà Nội lâu như vậy, có lẽ bởi thói quen của người Hà Nội, nhất là những người sống ở khu phố cổ, đã quen mua quà, ăn quà từ những người bán rong. Đó cũng là một cách thưởng thức ẩm thực rất thú vị của người Hà Nội.
Và sở dĩ gọi là gánh hàng rong vì những người bán hàng xưa thường sử dụng đôi quang gánh để gánh hàng đi bán cho thuận tiện trong di chuyển, dễ dàng len lỏi vào các con ngõ, các hẻm sâu. Ngày nay, gánh hàng rong đã trở thành danh từ để chỉ những người bán hàng hóa không cố định một chỗ, cho dù họ có còn sử dụng đôi quang gánh nữa hay không.
Nhưng những món hàng họ bán thì hầu như không thay đổi, chủ yếu vẫn là những món quà dân dã, mang hương vị của các vùng quê. Đó đôi khi là bát chè nóng trong những cơn mưa phùn đầu Xuân, là bát tào phớ mát mịn giữa mùa Hè oi ả, hay những hạt cốm làng Vòng xanh non như ngọc chứa đựng sự ngọt ngào của mùa Thu. Rồi khi cái se lạnh của mùa Đông đến, gánh hàng rong lại mang mùi hương ngào ngạt của những bắp ngô nướng, khoai nướng bay khắp phố phường. Dẫu chỉ là những món ăn đơn giản, bình dị nhưng lại trở thành một kí ức khó phai đối với những người Hà Nội khi đi xa.
Hà Nội ngày nay dẫu không còn được cổ kính như xưa, thay vào đó là những dãy nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất nhưng đâu đó, ta vẫn thấy hình ảnh những gánh hàng rong miệt mài trên các con phố. Phải chăng chính những gánh hàng rong ấy là một yếu tố góp phần níu giữ lại nét văn hóa xưa, làm nên nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội đã tồn tại tự bao đời nay?
Và cứ như thế, ngày qua ngày, tháng qua tháng, từ sáng sớm tới đêm khuya, mặc cho sự đô thị hóa và hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, thì những gánh hàng rong vẫn bền bỉ, tiếp tục công việc của mình trên phố phường tấp nập.
Gánh nặng mưu sinh trên đôi vai
Hiện nay, số lượng những người bán rong ở Hà Nội khá nhiều. Hầu hết trong số họ đều không có trình độ hay bằng cấp. Có lẽ do nhiều lí do khác nhau mà họ đổ về thủ đô để tìm kế sinh nhai. Có người do thu nhập ở quê quá thấp, không đủ nuôi gia đình, có người do không còn ruộng đồng để canh tác, lại có người mất việc do mất làng nghề truyền thống… Rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng họ đều mang chung một số phận - số phận của những người dân nghèo.
Từ ngày 1/7/2008, theo QĐ số 02/2008/QĐ-UBND, TP Hà Nội đã chính thức triển khai quy định cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử. Đầu năm 2009, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 46/2009/QĐ-UBND, thay thế Quyết định 02/2008/QĐ-UBND về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn TP. Theo đó, các khu vực thuộc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, khu vực thuộc các cơ quan Nhà nước, cơ quan Ngoại giao, tổ chức quốc tế, trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, quốc lộ, hè đường, khu vực công cộng, cảng hàng không, sân ga, bến tàu, bến xe... đều là nơi cấm bán hàng rong. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng ngàn vụ việc bán hàng rong sai quy định, tịch thu phương tiện hành nghề và phạt tiền đối với hàng trăm trường hợp sai phạm…
|
Chị Lệ, một người bán hoa quả dạo tâm sự: “Quê tôi ở Thanh Hóa, nhà cũng làm nông nhưng chỉ trông vào mỗi vụ nông thì không đủ nuôi 2 đứa con. Bởi vậy, khi không phải vụ mùa thì tôi lên đây bán hàng. Cũng vất vả lắm, nhưng nếu chịu khó, ăn tiêu tằn tiện, mỗi tháng tôi cũng gửi được vài trăm về cho con đóng học phí”. Tuy nhiên, việc bán hàng rong cũng gặp lắm nỗi gian truân đặc biệt từ khi quy định “Cấm bán hàng rong” ra đời. Luật quy định cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử, gần như đã phủ kín địa bàn trung tâm Hà Nội - nơi bán hàng chủ yếu của người bán rong. Chị Lệ nói thêm: Tôi đã từng bị các anh trật tự phường bắt một lần, có những chị em thì bị bắt tới vài lần, bị tịch thu hàng, phạt tiền, rồi ký cam kết, đủ cả… Nhưng rồi, chúng tôi vẫn phải bán hàng lại, vì cuộc sống của những người nghèo chúng tôi, không trông vào gánh hàng rong này, thì biết làm gì để sống, để nuôi gia đình đây?
Tôi theo chân chị về căn phòng chị trọ ở gần sát gầm cầu Long Biên. Dãy trọ chật chội và ẩm thấp, lại có mùi nồng nặc của hoa quả thối ở bãi rác chợ bay vào. Phòng chị ở chừng 10m2, cùng chung với hai chị khác - cũng bán hoa quả dạo. Trong phòng ngoài đôi quang gánh, thúng, mẹt - phương tiện sinh nhai của các chị thì hầu như chẳng còn gì. Một chị cùng phòng kể: Ở đây, tuy chật chội nhưng cũng có cái tiện là tiền thuê rẻ mà lại gần chợ, còn được ngả lưng vài tiếng. So với những người khác, vậy là tốt hơn nhiều rồi. Có nhiều chị em còn không được ngủ, cứ vật vờ ở chợ, đợi xe hoa quả đêm về, còn tranh thủ lấy hàng mà đi bán. Chị cười xòa với cái cảnh “tốt hơn nhiều rồi” của mình. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt đầy nếp nhăn, rám nắng và đôi mắt sâu trũng vì thiếu ngủ, chợt thấy chạnh lòng cho số phận những gánh hàng rong…
Rồi một chiều lang thang trên con phố cổ, thưởng thức cốc chè dịu ngọt đầu thu của chị Hoa - một người bán rong đã gần chục năm nay tại Hà Nội, hỏi dăm ba câu chuyện, tôi đã được nghe chị chia sẻ về cuộc sống của mình. Chồng chị mất đã lâu, một mình phải gánh vác gia đình nên chị quyết định lên Hà Nội kiếm sống. Xa con, chị nhớ lắm nhưng cũng đành. Nếu cố gắng bán, mỗi ngày chị cũng có vài chục ngàn gửi về nuôi mẹ già và hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Chị bộc bạch: “Nhưng giờ bán hàng ở đây cũng chẳng dễ dàng gì! Vẫn biết “Cấm bán hàng rong” là để tránh tắc đường, tránh mất đi văn minh của thành phố nhưng giá mà có thể bố trí được khu vực nào để chúng tôi có thể yên tâm bán hàng, để kiếm tiền nuôi gia đình thì tốt quá. Chứ cứ như hiện nay – vừa bán vừa chạy thì…”. Rồi chưa kịp nói xong câu chuyện, phía cuối đường là một tốp nam thanh nữ tú, ăn mặc vẻ sành điệu gọi với “Ê! Chè…”, chị Hoa lại tất tả thu dọn, quẩy hàng lên vai, vội vã hòa vào dòng người tấp nập, tiếp tục công việc mưu sinh…
(Quê Hương)
|
|