quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Long Biên - cây cầu đi vào ký ức

Thứ Sáu, 30/03/2012 | 06:35:00 AM

Vượt ra ngoài mục đích phục vụ cho chương trình bóc lột thuộc địa của các nhà chính trị thực dân, cầu Long Biên, cây cầu đã hơn 100 năm tuổi, trở thành một nét văn hóa tô điểm thêm cho vẻ đẹp Thăng Long - Hà Nội.

 

Cầu Long Biên, còn gọi cầu Paul Doumer, được khởi công từ tháng 9/1898 đến năm 1902, đến nay đã quá tuổi bách niên và là sản phẩm của chương trình thực dân hóa Đông Dương.

Ngay từ khi chưa đánh chiếm được Bắc và Trung Kỳ, thực dân Pháp đã bắt đầu chương trình khai thác Việt Nam. Theo gót đoàn quân viễn chinh, những nhóm tư bản lớn kinh doanh từ lâu ở Pháp và thuộc địa đã xâm nhập lãnh thổ kinh tế nước ta nhằm mau chóng biến Đông Dương thành một thuộc địa khai khẩn bậc nhất của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Nhưng do tình hình chiến sự vẫn tiếp diễn, chính quyền thực dân chưa làm chủ được tình thế ở nước ta. Hơn nữa, lo lắng đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Đức nên mặc dù Ngân hàng Đông Dương đã thành lập (1875), Hội địa lý thương mại và các đoàn thăm dò tài nguyên ra sức cổ vũ cho xứ thuộc địa “to nhất, đẹp nhất và giàu nhất” xứ Viễn Đông, tư bản Pháp vẫn chưa dám bỏ vốn sang Đông Đương kinh doanh, mà chỉ mới hoạt động về thương mại.

Đến  những năm cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản Pháp trên đà phát triển mạnh cũng rất cần phải sử dụng thuộc địa vào việc bổ sung cho công nghiệp chính quốc và nhất là lúc này công cuộc chinh phục Việt Nam đã hoàn thành về cơ bản. Mục tiêu “khai thác” Việt Nam được diễn ra với quy mô và tốc độ nhanh chóng hơn trước.

Chính lúc đó, Poul Domer được cử sang Đông Dương thực hiện kế hoạch “khai thác” mà Hội liên hiệp thực dân đã vạch ra (12/1896). Domer là một nghị sĩ, từng giữ chức bộ trưởng tài chính, thuyết trình viên những dự án luật thanh toán tạm thời và tổng thanh toán tài chính Bắc và Trung kỳ... Vì thế, vừa sang Việt Nam, Domer đã lưu tâm bắc cây cầu qua sông Hồng. Cầu được khởi công từ tháng 9/1898 dến năm 1902 thì hoàn thành. Đây là cây cầu đồ sộ nhất Đông Dương khi đó. Nó được thiết kế theo mẫu của Tổng công trình sư thiết kế ngọn tháp Eiffel của Pháp. Cầu Long Biên là công trình vĩ đại thứ hai của ông sau khi xây dựng ngọn tháp này.

Cầu Long Biên khi đó được dành cho đường sắt đơn (khổ 1.000 mm) chạy ở giữa, hai bên là đường ô tô (rộng 2,7 m) và đường đi bộ (rộng 0,8 m). Cầu gồm 19 nhịp dầm thép (dạng dầm mút thừa có nhịp treo). Trừ hai biên, các nhịp ở giữa có khẩu độ 75 m (nhịp số chẵn) và 105 m (nhịp số lẻ), các trụ đều dùng móng chìm hơi ép. Chiều dài toàn cầu là 1.681 m (chưa kể phần cầu gạch đã xây dài 800m) và tốn hơn 6 triệu france.

 

Hơn một trăm năm qua, cầu Long Biên ngoài vai trò kinh tế đơn thuần, còn mang ý nghĩa là một phần lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và là một nét văn hóa tô điểm thêm cho vẻ đẹp Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Cây cầu này đóng vai trò chứng nhân lịch sử và là một phần của sông Hồng.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, cầu vui mừng đón Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân từ căn cứ địa Việt Bắc về Thủ đô với rực rỡ cờ sao. Che chở cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội qua gầm cầu lên Yên Phụ vào đêm 17/2/1947 và chứng kiến cảnh đồng bào ven sông chèo thuyền đưa bộ đội lên chiến khu. Cây cầu cũng chứng kiến nghịch cảnh quân Pháp cay cú, lồng lộn dùng ca nô chạy ngược sông Hồng tìm kiếm bộ đội. Rồi cùng nhân dân thành phố rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô sau chín năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Cầu Long Biên không những nâng bước đoàn quân chiến thắng mà còn chứng kiến những bước đi âm thầm, rệu rã rút qua cầu vào một ngày mùa đông năm 1954 của đội quân viễn chinh Pháp sau thất bại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; sự thất thểu của những phi công Mỹ bị bắt giam trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân do Chính phủ của họ tiến hành từ năm 1964 đến năm 1972 được thả về bản quán sau khi Hiệp định Paris về tái lập một nền hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực.

Cũng trong hơn 100 năm, biết bao sự kiện quan trọng xảy ra với chính bản thân cây cầu. Đấy là từ năm 1923 đến năm 1954, cầu Long Biên thường xuyên được phía Pháp gia cố, mở rộng (mỗi bên phần đường bộ rộng hơn trước đến gần 2 m) để ô tô có trọng tải tối đa 8 tấn chạy qua. Từ năm 1967 đến năm 1972, cầu phải chịu áp lực ghê gớm của trận lũ sông Hồng năm 1971 và hàng chục đợt không quân Mỹ đánh phá cầu. Cầu đã ba lần bị thương: lần thứ nhất, vào hồi 12h30 ngày 12/3/1967, bốn máy bay F.105 của không quân Mỹ lao vào ném bốn quả bom cỡ lớn (3.000 bảng Anh) xuống cầu Long Biên. Hai quả nổ ở bãi Trung Hà, hai không nổ nằm lại trên bãi cát chân cầu; lần thứ hai vào ngày 11/8/1967, máy bay Mỹ bất ngờ đánh cầu Long Biên. Các nhịp cầu số 8, 10, 11, 14 bị hỏng nặng, nhịp 15 bị đứt hẳn.

Tháng 9 năm ấy, cầu Long Biên được chữa lành theo phương án độc đáo của Bộ Tư lệnh Công binh: dùng kỹ thuật nổ phá hất nhịp cầu gãy ra khỏi các trụ, giải phóng khoảng không gian cần thiết để làm nhịp mới; lần thứ ba, trong hai ngày 10 và 11/5/1972, hơn 100 máy bay chiến thuật của Mỹ chia làm nhiều đợt sử dụng bom laser liên tục ném bom vào nội thành Hà Nội, cầu Long Biên, nhà ga Gia Lâm, Yên Viên, sân bay Bạch Mai... là những mục tiêu chính trong đợt đánh phá này. Cầu Long Biên bị máy bay Mỹ dùng bom điều khiển từ xa đánh sập hai nhịp.

Ba lần bị bom đánh trúng, cầu Long Biên bị mất hẳn chín trong số 19 trụ chính, chín trụ khác “bị thương nặng”, hơn 600 dầm cầu bị mất, nhiều thanh dầm bị hỏng nặng. Từ tháng 9/1972 đến tháng 1/1973, cầu được đưa vào sửa chữa. Đến nay, tuy có cầu Thăng Long phía Bắc, cầu Chương Dương và một số cây cầu khác ở phía nam Hà Nội “gánh đỡ” phần xe động cơ, cầu Long Biên đỡ quá tải phần nào. Tuy rất già yếu, nhưng ngày đêm, cầu vẫn phải tải 22, thậm chí 26 chuyến tàu hỏa và không biết bao nhiêu xe máy, xe đạp chở người, chở hàng qua lại. Có chứng kiến cảnh chen chúc lên cầu vào buổi sáng ở phía đầu cầu Gia Lâm mới thấy hết giá trị cây cầu và việc tái tạo lại cây cầu lịch sử này. Cầu Long Biên phải vì thế mà đi vào lịch sử, đi vào văn chương, nghệ thuật, in dấu vào ký ức, trái tim nhiều thế hệ người Hà Nội hôm qua và hôm nay

(Cuộc Sống Việt)

Lượt xem: 2533

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE