Đã lâu lắm rồi, có lẽ đã gần 20 năm rồi tôi không còn được nghe lời hát à ơi ru hời của mẹ. Tiếng hát nghe sao mênh mang là buồn nhưng chao ôi mộc mạc, giản dị như những người thôn quê. Khi tôi vừa lọt lòng, lời hát ru của mẹ đã đưa tôi vào giấc ngủ. Và chẳng biết từ bao giờ những câu hát ấy không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Mẹ tôi kể lại rằng, ngay cả khi tôi đã học cấp II, tôi vẫn thường nhõng nhẽo đòi mẹ phải hát ru thì mới chịu đi ngủ. Những câu hát ấy thấm đẫm trái tim và nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Tôi lớn lên, thay mẹ hát ru em những buổi mẹ đi làm đồng. Chúng tôi là những đứa trẻ hạnh phúc vì được lớn lên trong những lời ru yêu thương của mẹ, của bà, của chị.
Cuộc sống đổi thay từng ngày. Con người cứ phải gồng mình chạy đua với cuộc đời nên chẳng còn thời gian hát ru con. Cứ nhìn chị gái của tôi thì biết. Anh chị lập nghiệp ở thành phố. Con gái chị đã được một tuổi mà chẳng bao giờ được nghe hát ru ngủ như ngày xưa mẹ nó được bà ngoại hát ru. Mỗi lần mẹ tôi đi thăm cháu thấy chị tôi mở nhạc cho cháu nghe để ngủ thì mẹ lại cằn nhằn. Không biết vì mẹ xót thương cháu mình không được mẹ nó bế ẵm, vỗ về ru ngủ bằng những lời hát ngọt ngào, sâu lắng và mênh mang buồn nhưng thấm đậm tình yêu thương, hay vì mẹ chới với, lo sợ trước cuộc sống ồn ào nhưng tẻ nhạt của thế hệ những đứa con, đứa cháu của mẹ...
Lời ru con từ ngôi nhà bên đường hắt ra khiến tôi thèm trở về bên mẹ, sà vào lòng mà nhõng nhẽo đòi mẹ hát ru như thuở thơ bé. Và tôi biết, những lời hát ru ngày xưa của mẹ chính là bài học đầu đời, là món quà vô giá mà mẹ đã ban tặng cho những đứa con của mình. Nồng nàn, tha thiết và thắm đượm tình yêu.
Lương Thị Nguyệt
(ĐĐK)