Ở Hà Giang có rất nhiều nơi bạn nên đến để ngắm cảnh đẹp, để được gặp người hiền và thưởng thức đặc sản của vùng đất. Mùa Xuân mơn mởn, mùa Hạ chói chang, mùa Thu nắng vàng hay cả mùa Đông giá lạnh vẫn tràn ngập cảnh sắc tươi đẹp. Cho dù đâu đó, vẫn có khắc nghiệt của khí hậu và thời tiết vùng miền, nhưng chính nơi ấy, thiên nhiên lại đặc ân cho con người những kỳ quan, những nguồn vô tận mây núi, kỳ thú đến ngỡ ngàng.
Xin mời bạn hãy một lần đến với Lùng Vài, Khuổi My và Nà Thác, ba thôn xa nhất của xã Phương Độ, thuộc thành phố Hà Giang. Tiếng là thuộc thành phố, thôn xa nhất Lùng Vài cách trung tâm gần hai chục km. Ngược theo hướng Tây, con đường mòn vượt qua những nương chè, đồi cọ xanh biếc đưa ta về thung lũng lúa ruộng bậc thang đẹp đến mơ màng. Bản người Dao, người Tày nằm dưới chân núi, một vùng núi cao, liên kết với dải Tây Côn Lĩnh, được coi là biểu tượng của Hà Giang. Núi và mây là nguồn tài nguyên vô giá của miền sơn cước này.
Những bậc thang vàng ở Lùng Vài. Ảnh: Đinh Công Thủy
Đón bạn đầu tiên là thung lũng lúa Nà Thác. Bản Nà Thác nằm soi gương xuống thung lũng lúa và rau màu. Cư dân Tày xen lẫn Dao. Những mái nhà lợp lá, màu nâu bạc kề bên mái ngói, mái tôn. Dê đàn trên đồi, núi và vịt bầy dưới ao, ruộng. Cuối Thu, những cây hồng trụi lá, treo đèn lồng trên những cành cao. Đôi ba trái gấc chín muộn, như những mặt trời nhỏ, lấp ló bên mái bếp hay chơi trò ú tim bên cây núc nác khẳng khiu. Lúa đang vàng óng suốt dải ruộng bậc thang. Lúa Nà Thác nối vòng tay với Khuổi My và Lùng Vài. Mấy năm gần đây, giống lúa San Ưu đã đem lại nguồn lương thực chính cho bà con, giúp đồng bào ấm no hơn.
Vẫn con đường mòn, nay đã được đổ bê tông, lượn men chân rừng đưa ta vào Khuổi My. Khuổi My là tên một con suối nhỏ, gom nước từ những dãy núi cao phía bên trái, êm trôi qua cánh đồng, rồi lượn qua bản, đổ ra sông Lô. Theo tiếng Tày địa phương “khuổi my” là suối gấu. Xưa kia, trên dãy núi hùng vĩ trước mặt bạn có rất nhiều thú dữ. Dân bản đã từng gặp những chú gấu đen, lừng lững xuống suối uống nước. Vùng rừng núi nay không còn gấu và thú dữ nữa. Gấu, voi, hổ, rùa... đã hóa đá, chúng đứng, nằm án ngữ giữa dòng suối hay khiêm tốn bên bờ. Những khối đá khổng lồ, nhẵn lì dấu vết thời gian.
Ảnh: Trọng Toan
Rời con suối nhỏ, đi một quăng dao là tới bản người Dao Lùng Vài. Nhà nọ liền kề nhau, chẳng có cổng cao, rào chắn. Niềm vui, nỗi buồn của bản tràn sang nhau. Tôi trộm nghĩ, sao đất rộng mênh mông mà người vùng cao cứ thích xúm xít bên nhau? Vẫn những đứa trẻ nghịch ngợm, bùn đất và dãi nắng. Bọn trẻ là của thiên nhiên. Các bé sinh ra và lớn lên từ cây rừng, đá núi và ruộng bậc thang. Chân của bùn đất và tóc của nắng trời. Thiên nhiên đã chăn dắt và tôi luyện lũ trẻ. Chỉ ánh mắt, tiếng cười hồn nhiên là của bản. Thấy có khách chúng tranh nhau mời, dẫn khách vào nhà. Đồng bào Dao làm nhà đất, ven chân núi. Mái cọ nhà này, nước mưa chảy qua mái cọ nhà khác. Những ngôi nhà tựa lưng vào núi, hướng ra cánh đồng. Xen giữa mái lá là những cây ăn quả. Bụi chuối răng bừa, trổ buồng về mọi phía. Sự ngọt ngào được chia đều cho cả bản. Những cây đu đủ quả đeo bám chiu chít như những đứa trẻ trên thân cây mẹ. Quả ở thấp đã vàng vỏ mà phía trên líu ríu những non xanh.
Lùng Vài còn nhiều mái cọ, thâm trầm, bền bỉ với thời gian. Có mái nhà, cỏ nảy mầm và mọc xanh từng đám. Cỏ cây như khách quen về đậu nhờ và sinh sôi trên mái ấm. Đâu đó, nguồn nước róc rách từ núi về. Nước theo đường ống nhựa, chia về từng góc bếp. Sợi nước mát trong từ ngọn núi cũng biết lần tìm về bản. Nước cho người Dao rượu quý, để chủ và khách say từ trong nhà ra ngõ. Nước thơm ấm trà Shan tuyết, thoảng hương bên cửa sổ, mời khách lạ vào nhà. Nước cho bát cơm dẻo thơm, trắng ngần.
Khuổi My, Lùng Vài có mấy chục mẫu lúa. Phần lớn diện tích đất là ruộng bậc thang có độ dốc cao, chênh vênh. Từ bao đời nay, người dân đã đẽo vạc vai núi thành những thửa ruộng hẹp. Từ trên cao, hay từ dưới ngước lên, ruộng như những đường vân của núi. Đó là sợi dây buộc thắt cuộc sống của người Dao với núi đồi, mây gió. Ăn hạt cơm trắng dẻo nơi đây, uống chén trà thơm nắng gió, mới biết sự nhọc nhằn gian khó của đồng bào.
Mùa gặt ở Lùng Vài. Ảnh: Lê Na
Mùa gặt, một tấm thảm miên man của mùa Thu trải và trôi khắp đồi núi, lòng thung. Núi bên nhau, ruộng này liền ruộng khác, đó là bức tranh những trái núi chín vàng. Bờ ruộng là đường thêu, ren trên váy áo của phụ nữ bản. Dân ra đồi thu hoạch lúa. Người lớn, trẻ con rồi trâu bò, lợn chó cũng ra theo. Niềm vui mùa gặt chia đều cho mọi nhà và khắp bản. Nhà gặt trước, nhà gặt sau. Ruộng chín sớm, thửa còn xanh. Người phơi lúa, nhà bên đốt rạ, thu rơm. Bức thảm vùng cao mùa no ấm đã hiện lên.
Tôi biết Ban Hạnh, cô gái dân tộc Dao, hai mươi chín tuổi ở Lùng Vài. Ngoài cấy lúa, vợ chồng Hạnh đặc biệt chú trọng phát triển cây chè. Chè đã trở thành sản phẩm hàng hóa, là cây xóa đói, giảm nghèo của gia đình cô và nhiều hộ dân nơi đây. Mỗi ngày Hạnh giới thiệu một đặc sản chè của mình. Những chén trà màu hổ phách, sóng sánh như mật ong rừng, vàng mơ hay xanh màu mạ non. Nhắp chén trà buổi sớm, ngắm ruộng bậc thang qua cửa sổ, thấy lòng mình nhẹ bẫng, thanh tao, tâm hồn như được kết tinh bằng hương trà và sương núi.
Những cây chè cổ thụ ở Lùng Vài đã có tuổi đời cả trăm năm. Lớp địa y mốc trắng bên mảng rêu xanh thẫm. Nhìn vào lớp áo bọc trên thân và cành chè, bà con biết năm đó lạnh nhiều hay ít. Các cô gái, chàng trai Dao phải trèo lên ngọn cây hái búp. Chất lượng và vị ngon của trà phụ thuộc vào cách lựa chọn búp, thời điểm hái và phương pháp sao ủ chè. Bà con thường hái chè buổi sáng, khi búp chè còn ngậm sương mai. Một tôm hai lá, hay một tôm một lá. Rất nhiều thế hệ đã bảo vệ, nhân giống cây chè. Những cây chè cổ thụ, một vòng tay không ôm hết thân cây. Cánh chè ngon từ đây, mang hương vị đậm đà của núi rừng Hà Giang đến muôn nơi và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.
Chia tay bản nhỏ, bạn có thể mang về xuôi một chút cốm non đầu mùa, một chai rượu men lá hay vài món chè Shan tuyết. Chè trong ống tre lam, để trong túi thổ cẩm và mình sẽ khoác chéo vai xuống núi. Nay mai, nếu nơi đây được xây dựng điểm dù lượn để du khách được ngằm mùa vàng bên núi xanh thì thật lý tưởng. Bay trên trời xanh, ngắm một không gian bao la, núi rừng trùng điệp, suối trong và lúa vàng. Và, những ban mai thanh khiết, trong sương sớm ảo mờ, ngồi bên cửa nhà người Dao uống trà Shan tuyết với một vài người thân thì thấy cuộc đời này có gì thanh thản, tao nhã hơn thế.
Lê Na