quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THƯ GIÃN

Lên Đắc Sở xem phật thủ, về Sa Đéc ngắm bonsai

Thứ Sáu, 16/09/2011 | 01:51:00 PM

Trong vòng đua của sự “ham thanh chuộng lạ” ngày tết, rất nhiều giống cây, giống quả, thú chơi mới lên ngôi. Tết này có ai về Đắc Sở (Hà Nội) ngắm những vườn phật thủ (*) vàng rực rỡ, hay ghé xuống Sa Đéc (Đồng Tháp) mua một chậu mai chiếu thủy dáng cổ thụ nghiêng xuống trong chiếc chậu nhỏ chừng một chụm tay?

 

ông Nguyễn Bá Mùi bên vườn phật thủ của mình - Ảnh: Hoàng Điệp

Đắc Sở chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 20km đi theo hướng đại lộ Thăng Long, nhưng vài năm gần đây người ta mới đổ về đây, đúng hơn là về những cánh đồng đất bãi đang ánh lên sắc vàng của phật thủ và sắc đỏ rực của cam Canh.

Từ những người đi buôn

Vì đồng đất không nhiều, mỗi nhân khẩu chỉ được chia chưa đầy 300m2 đất trồng màu nên người dân Đắc Sở đi buôn bán khắp nơi. Ông Nguyễn Bá Mùi là một trong số những người chăm chỉ ấy. Trong những năm tháng xuôi ngược các tỉnh phía Bắc: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La... ông và những người bạn buôn thỉnh thoảng lại mua được vài quả phật thủ. Lượng cung không nhiều nhưng lượng cầu quá lớn khiến giá phật thủ bao giờ cũng cao nhất.

 Những người nông dân nhanh nhạy ở Đắc Sở nghĩ cách mang cây về đồng bằng trồng. Năm 2004, người đầu tiên nhân giống cây phật thủ thành công ở Đắc Sở chính là ông Nguyễn Văn Thiết, ở xóm 4, thôn Đông Hạ. Sau vài năm chăm bón và nhân giống thành công, hàng chục hộ dân ở Đắc Sở đã đưa cây phật thủ ra trồng trên những đồng bãi trước đây trồng rau màu. Nay thì hầu như hộ nào ở Đắc Sở cũng trồng phật thủ, tổng diện tích đã lên gần 16ha.

Bãi trồng phật thủ nhà ông Mùi cách xa thôn ông ở chừng 2km với diện tích khoảng 4.000m2. Từng chùm phật thủ xanh chín xen kẽ những cây cam Canh đỏ rực lúc lỉu quả. Vợ chồng ông Mùi - bà Gái đang nhanh tay tỉa cành, nhặt lá sâu, gom lá rụng và quả xấu vào góc căn chòi tuềnh toàng - chốn ở quanh năm của vợ chồng ông bởi chăm cây phật thủ chẳng khác gì chăm con mọn. Góc nhà, đống phật thủ quả nhỏ còn xanh, vẹo vọ, xấu xí chất đống.

“Phải thường xuyên tỉa cành và nhặt những quả xấu để đảm bảo những quả đẹp cho khách. Cả vườn phật thủ và cam Canh này bán cho thương lái hết rồi nhưng mình vẫn phải chăm cho họ đến khi thu hoạch với giá trung bình 200.000 đồng/quả - ông Mùi nói rồi chỉ vào đống phật thủ trong góc nhà - Chỗ này cũng có thương lái mua hết, họ sấy khô rồi bán sang Trung Quốc làm thuốc, nếu bán tươi khoảng 40.000 đồng/kg, còn khô thì 300.000 đồng/kg”.

Đến quả phật thủ bạc triệu

Mới theo nghề chừng bốn năm nhưng vườn phật thủ của ông Mùi đã nức tiếng khắp vùng bởi cách chăm sóc đặc biệt để có được những quả phật thủ vừa to vừa đẹp. “Tiêu chuẩn của người dùng là cứ quả phật thủ nào nhiều ngón, thuôn, đều thì được giá - ông Mùi vừa nói vừa dẫn tôi đến chỗ có quả phật thủ có đến 20 ngón tay - Quả này thương lái trả ngót 2 triệu bạc”. Cả Đắc Sở chỉ có hai quả như thế!

Rất nhiều hộ dân ở Đắc Sở đã và đang trồng phật thủ nhưng không phải ai cũng được mùa, thu hoạch thành công bởi cây phật thủ khá đỏng đảnh. Bình thường khi còn mọc trên núi, bởi thân cây yếu nên các cành bò ra khắp mặt đất, quả cũng vẹo vọ tự nhiên. Khi cây phật thủ về đồng bằng, được làm giàn chống, có cây đã cho đến 500 quả/năm, chất lượng và hình thức quả cũng đều hơn. “Vụ tết này, nhà tôi thu khoảng 2.000 quả, trừ mọi chi phí còn khoảng 300 triệu đồng” - ông Mùi khoe.

Những người mang phật thủ đi khắp mọi miền

Vườn nhà bên không được mùa phật thủ như vườn nhà ông Mùi mà lại trúng mùa cam Canh. Cả khu vườn đỏ rực sắc cam, đầy tiếng cười nói lao xao và ngã giá rôm rả của những người buôn hàng. Thành, một cô gái chưa đầy 25 tuổi ở thôn Trung Kỳ làm nghề buôn bán hoa quả từ Nam chí Bắc cả chục năm nay, nói năm nay cô mua được sáu vườn cả cam Canh và phật thủ, riêng tiền đặt cọc cho các chủ vườn đã gần 2 tỉ đồng. Sau rằm tháng chạp, những người buôn hàng mới vào vườn hái, mang ra chợ Long Biên (Hà Nội) để phật thủ và cam Canh ngược xuôi Nam - Bắc.

Theo chân những thương lái này, quả phật thủ đã đi khắp đất nước: “Cái gì khó bán chứ quả phật thủ ra đến đâu có người mua đến đấy, mà mỗi năm một giá, năm 2009 chỉ 80.000 đồng/quả đếm chung cho cả vườn, năm 2010 giá đã là 150.000 đồng, còn tết này giá lên đến 200.000 đồng/quả”.

Quả phật thủ được giá, như giải thích của chị Hanh - một chủ vườn, có lẽ vì: “Phật thủ để được khoảng tám tháng, từ khi màu vỏ còn xanh chuyển sang vàng, rồi từ quả chín vàng đến khi khô mà không hề bị thối, lại có mùi thơm rất dễ chịu. Nhiều nhà bày phật thủ lên ban thờ quanh năm để mùi thơm ngát của quả quyện với mùi hương trầm. Khi quả khô, người ta đem ngâm với rượu hoặc mật ong để chữa cảm hàn, đau bụng, lại có người xẻ từng miếng bỏ vào chậu nước gội đầu cho thơm, mượt tóc. Người ta còn xuất khẩu cả quả phật thủ khô nữa đấy”.

Làm sao để phật thủ sai quả, quả lại đều và đẹp đều do những nông dân cần cù ở Đắc Sở mày mò, truyền dạy cho nhau bí quyết và cả những sai sót để tránh. Thế mà những vườn phật thủ của Đắc Sở ngày càng rộng ra, năm nay ước đạt tới 65 tấn quả, đến nỗi đất bãi của Đắc Sở không còn, người dân phải đi thuê đất của Yên Sở và các xã lân cận để nhân giống phật thủ.

Ông Mùi, ông Thiết tự hào rằng họ là những nông dân tiên phong đưa giống phật thủ về Đắc Sở, để thức quả thơm tho đẹp đẽ này đến ngày tết lại được nâng niu đặt trong mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên.

Anh Chí Hiếu chăm sóc, tạo dáng cây kim thanh mai (kiểng mini) -Ảnh: H.T.V.

Bonsai “mini” lên ngôi

Khác với vẻ náo nhiệt của hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) mùa tết, những người làm bonsai vùng này lặng lẽ hơn, thâm trầm hơn. Nhưng những vườn kiểng có vẻ khiêm nhường ấy lại đang tạo những đợt sóng ngầm khuấy động thú chơi bonsai tết này.

Vườn bonsai của anh Nguyễn Hoàng Chí Hiếu nhỏ xíu, lọt thỏm trong một góc làng hoa Sa Đéc. Công việc của anh cũng không vội vàng tất bật như người trồng hoa bên cạnh. “Nghề này mà gấp là tiêu - anh Hiếu thủng thẳng - Phải tỉ mỉ, thư thả và đam mê mới làm được. Bữa nào thấy mình mẩy bất an thì tốt nhất nên nghỉ, ráng làm là hư. Mà thứ này bị gãy một nhánh nhỏ là mất cả triệu bạc”.

Giữa những chậu bonsai lớn nhỏ đủ cỡ, anh Hiếu đặc biệt chăm chút một cái kệ, trên để những cái “chậu” nhỏ chỉ bằng ly uống trà, trong ló ra nhánh cây chỉ bằng ngón tay cái, cao ngang cây viết mà tôi lấy ra đo. Anh Hiếu lấy một cây ra giới thiệu: “Đây là cây thanh mai có dáng trực lắc (cây thẳng, trên có các chi gie ra hai bên), được chiết từ một nhánh nhỏ trên gốc cây thanh mai, nuôi lớn và uốn tạo dáng. Cây càng nhỏ, càng thấp, uốn càng khéo càng có giá trị”.

Anh Hiếu nói rằng thời nay, dân chơi bonsai bắt đầu chú ý tới kiểu cây “mini” như vậy, họ chọn cây cao lắm chừng một tấc rưỡi là cùng, chăm chút, uốn lượn thành đủ dáng rất thú vị.

Ông Vương Phát Hồng (Chín Hồng Ngọc), một nghệ nhân bonsai ở Sa Đéc, giải thích: “Bonsai nghĩa là cây cảnh nhỏ có dáng cổ thụ đẹp trồng trong chậu cạn.

Các nghệ nhân bắt chước dáng cây cổ thụ trong thiên nhiên mà nuôi uốn rồi đặt tên cho cây. Chẳng hạn, ở mé sông thường có cây gừa nghiêng gie ra ngoài, cây gừa bonsai cũng được tạo dáng giống vậy, gọi là dáng nghiêng. Hay cây có dáng giống như ngọn thác đang đổ gọi là dáng thác đổ, cây trong vách núi đổ ra oằn xuống rồi ngóc lên gọi là dáng đổ treo...

Dáng cây muôn hình vạn trạng, thế cây cũng hàm chứa những ý nghĩa thâm thúy, tỉ như dáng đổ treo hàm ý sự quật cường, tuy bị ngược đãi nhưng vẫn vươn lên bằng sức sống mãnh liệt. Chủng loại cây cũng đa dạng, phần lớn là cây lá nhỏ như: kim thanh mai, kim quýt, thanh mai, bùm sụm, sam núi, bạch tuyết mai hay sơn liễu...”.

Anh Hiếu kể từ ba tháng trước tết, dân Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang... đã lục tục săn mua cây mini về chăm sóc chuẩn bị tết, để bài trí trong nhà, ngoài hành lang, bancông hoặc sân thượng, thậm chí đi dự thi hội hoa xuân. Tính tới tết này, anh đã bán chừng 500 gốc, hầu hết là bonsai mini.

Bonsai ra Bắc

Trong vườn hoa kiểng của mình, nghệ nhân Trần Văn Thăng, phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp, dành một góc nhỏ chơi kiểng bonsai. Những tác phẩm của ông đa số thuộc hàng “độc” bởi đã được dày công chăm sóc cả chục năm, có cây tới 15 năm.

Từ một cái rễ trong gốc cây mai chiếu thủy, với con mắt tinh đời của một nghệ nhân lão luyện, ông phát hiện nó có tiềm năng trở thành một gốc bonsai có dáng của một đôi nam nữ đang quấn quýt bên nhau. Vậy là ông tách nó ra, cắt tỉa hết rễ phụ, chỉ chừa lại thân gốc, tiếp tục nuôi dưỡng cho ra nhánh rồi uốn nó dài theo dáng thác đổ. Được năm năm, người ta trả giá 10 triệu đồng, ông nhất định không bán. Cứ vậy mà nay ông có hẳn một bộ sưu tập hàng trăm gốc bonsai đủ chủng loại, hình dáng đa dạng.

“Vậy mà gần cạn nguồn rồi chú ơi - ông bộc bạch - Dân chơi bonsai miền Bắc vô đây mua gần hết. Có món giá lên tới bảy tám chục, hàng trăm triệu đồng họ cũng mua. Có lẽ đời sống khá lên, nhiều đại gia có nhu cầu trang trí trong nhà hoặc thích thú chơi tao nhã nên nguồn cầu tăng. Các chủ nhà hàng, khách sạn cũng muốn bày biện đẹp mắt thu hút khách du lịch thưởng ngoạn. Tui mới bán mười mấy cây cách đây không lâu cho khách đem ra Hà Nội, Hải Phòng. Ngay cả một số khách ở miền Trung cũng đang tìm mua rất nhiều mà không có đủ nguồn cung cấp”.

Theo ông Thăng, thị trường bonsai đang rất hấp dẫn. Nhưng những người làm bonsai lên tới hàng nghệ nhân rất hiếm hoi, nhiều người làm hoa kiểng chỉ chuyên chú loại hoa kiểng đơn giản cho thị trường tết, các công viên, văn phòng... Mà nghệ nhân thì ít chịu bán cây, vì họ... chơi là chủ yếu. Một tác phẩm bonsai phải bỏ ra hàng chục năm trời chăm sóc mới thành, ai cũng muốn giữ nó cho mình.

Hiện nay, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đang mở các lớp tập huấn kỹ thuật làm bonsai cho các nghệ nhân trẻ để phát triển nghề. “Chịu học nghề thì chỉ khoảng vài tuần là nắm bắt được kỹ thuật, thu nhập đảm bảo sống được bởi có thể lấy ngắn nuôi dài. Còn nếu biết cách làm nghề kết hợp kinh doanh thì làm kiểng bonsai cũng có khả năng hái ra tiền” - ông Thăng nhận định.

Vườn hoa kiểng của nghệ nhân Tư Thăng (Tân Quy Đông, Sa Đéc, ĐồngTháp) - Ảnh: H.T.V.

Công nghệ bonsai

“Tháng gần tết này tui bán cho dân ở Bình Dương, Đồng Nai gần 600 gốc bonsai, đa số là hàng... sơ chế” - ông Quách Hải Sơn, một nhà vườn bonsai ở ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết tin vui ngày giáp tết của mình. Ông giải thích hàng “sơ chế” là nhánh lớn bằng ngón tay trỏ được chiết ra từ cây mẹ, giâm cho ra rễ rồi cho vào ly (chậu nhỏ bằng cái ly nhựa), nuôi thêm chừng một năm rưỡi cứng cáp rồi bán, giá chừng 150.000 đồng/gốc.

Có lẽ đón trước được nghề này sẽ phát triển, từ hai năm qua ông Sơn đã cặm cụi theo ông Thăng học nghề và bắt đầu lập vườn bonsai trên miếng đất chỉ 300m2 của mình. Ông dẫn tôi ra vườn chỉ vào những nhánh cây xanh xanh ghim dưới đất rồi kể: “Tui lên liếp, mua cây mẹ về nuôi rồi chiết nhánh ra gây giống. Đặc biệt, chỉ nuôi mỗi thứ là cây kim thanh mai bởi nó có ưu điểm lá xanh, thân “nu” (có u sần) dân chơi bonsai rất thích.

Vả lại, mình tính tiến tới làm bonsai công nghiệp nên phải rặt một thứ mà số lượng nhiều mới đủ cung cấp. Năm ngoái có khách hàng dặn một lúc cả ngàn nhánh mà hổng đủ bán mới tức. Năm nay tui quyết tâm làm thử coi sao”.

Theo ông Trần Văn Thăng, tương lai xuất ngoại của bonsai rất gần, bởi khách hàng Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu đang rất ưa chuộng loại cây cảnh nhỏ này. Sa Đéc có thuận lợi về tay nghề, nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, lại thêm làng hoa kiểng có truyền thống lâu đời cả nước đều biết tới, nên những người làm bonsai đang mơ về một nghề thịnh vượng mới trên vùng đất được coi là vựa hoa kiểng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long này.

HOÀNG ĐIỆP - DƯƠNG THẾ HÙNG - NGỌC DUNG

__________

  

(*) “Phật thủ: Citrus medica L. var. digitata Risso, họ cam quýt (Rutaceae). Quả có hình dáng đặc biệt, trông như một nắm tay có nhiều ngón, thường dùng để bày bàn thờ trong dịp tết. Vỏ quả có nhiều túi chứa tinh dầu nên dùng để ngâm rượu. Theo đông y, quả phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng tiêu đờm, trừ các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc...”.

(Theo Từ điển tranh về các loại củ, quả của Lê Quang Long - NXB Giáo Dục)

(TTCT)

Lượt xem: 1756

Các tin khác

Thung thăng miền xanh đại ngàn

(12/02/2024 04:22:AM)

Rừng ngập mặn đẹp như mơ ở Bàu Cá Cái Quảng Ngãi

(16/01/2024 07:26:AM)

Mùa cây trút lá tuyệt đẹp ở miền Tây Quảng Trị

(15/01/2024 09:48:AM)

Về An Giang ngắm mùa vàng bất tận trên cánh đồng Tà Pạ

(11/12/2023 11:49:AM)

Những câu nói nổi tiếng về thiên nhiên

(16/03/2023 07:51:AM)

Độc đáo "cây đa ngơ ngác" gần 1.000 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà

(29/10/2022 03:19:PM)

Tiên Yên (Quảng Ninh) – bức tranh thiên nhiên hài hòa và đầy cuốn hút

(05/05/2022 10:34:PM)

Hà Nội đẹp tinh khôi trong sắc trắng hoa sưa

(20/03/2022 07:39:AM)

Rừng Tây Bắc bừng sáng mùa hoa Sơn Tra

(10/03/2022 07:48:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE