Theo TS. Từ Mạnh Lương- Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong tháng 1/2015, Vụ này sẽ đề xuất Bộ VHTTDL ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để các địa phương thực hiện Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích ngay trong mùa lễ hội năm tới.
Ngày 16/12, tại Hà Nội, hai đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) là Vụ Khoa học, Công
nghệ và Môi trường và Trung tâm Công Nghệ Thông tin đã phối hợp tổ chức Hội thảo – Tọa đàm Xây dựng Tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích quốc gia Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia văn hóa, di tích, lãnh đạo Viện Bảo tồn di tích, Cục Di sản văn hóa và đại diện một số Sở VHTTDL tỉnh thành, Ban quản lý di tích địa phương.
Bảo vệ môi trường tại di tích chưa được chú trọng
Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có 8 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
TS Từ Mạnh Lương- Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết sẽ đề xuất với Bộ VHTTDL ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để các địa phương thực hiện Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại di tích ngay trong mùa lễ hội 2015.
Trong những năm qua, Bộ VHTTDL cùng với các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường tại các di tích và đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần phát huy giá trị di tích và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cộng đồng địa phương, như: công tác bảo vệ môi trường tại Yên Tử, Tràng An – Bái Đính, Hội An… Tuy nhiên, TS. Từ Mạnh Lương- Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, công tác bảo vệ môi trường tại các di tích, đặc biệt là các di tích có tổ chức lễ hội, có lượng du khách lớn tập trung trong một thời gian ngắn còn nhiều vấn đề tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và nhân văn như: thu gom, xử lý rác thải, hệ thống nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu; còn hiện tượng cò mồi, chèn ép, lừa đảo khách du lịch; đốt vàng mã chưa đúng với quy định…
Trước thực trạng này, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng bộ tiêu chí bảo vệ môi trường, làm cơ sở cho việc kiểm tra giám sát và các ban quản lý di tích, lãnh đạo các cấp lập kế hoạch đầu tư đào tạo cán bộ nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác này, đặc biệt trong mùa lễ hội. Việc xây dựng Bộ tiêu chí này nhằm cụ thể hóa Thông tư liên tịch số 19 do hai bộ: Bộ VHTTDL và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết nhằm hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Theo dự thảo được công bố tại Hội thảo, Bộ Tiêu chí Bảo vệ môi trường tại các di tích sẽ áp dụng cho các di tích cấp quốc gia trong cả nước, bao gồm di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích đã được công nhận là Di sản thế giới. Bộ tiêu chí gồm 4 tiêu chí chính: Bảo vệ môi trường tự nhiên (9 yêu cầu); Bảo vệ môi trường nhân văn (2 yêu cầu); Quản lý bảo vệ môi trường tại di tích (5 yêu cầu); Tuyên truyền – Quảng bá – Giáo dục (2 yêu cầu).
Chưa tính đến việc công nhận Nhãn Di sản xanh
Tại Hội thảo, các chuyên gia di tích và đại diện các Ban quản lý di tích đã chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm bảo vệ môi trường tại di tích, đồng thời đóng góp ý kiến cho Bộ tiêu chí này.
Theo ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, trong quá trình tồn tại, các di tích ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, dẫn tới sự xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Cùng với đó là những nguy cơ đe dọa đến sự bền vững của môi trường tại khu vực di tích. Song, do khả năng hạn hẹp về tài chính nhận thức về bảo vệ môi trường còn hạn chế và sự thiếu phối hợp giữa các ngành có trách nhiệm về văn hóa và môi trường, nên công tác bảo vệ môi trường tại di tích chưa được chú trọng.
"Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường tại di tích không nên lặp lại những vấn đề môi trường nói chung, mà cần đi sâu vào vấn đề liên quan mật thiết tới di tích" - ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích chia sẻ tại Hội thảo
Do vậy, ông Vinh góp ý rằng, công tác bảo vệ môi trường lồng ghép với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần tuân thủ nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị vốn có của di tích, trong đó chú trọng đến các yêu tố tự nhiên và sự gần gũi, gắn bó hữu cơ của di tích với tự nhiên. Bên cạnh đó, bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể trên nguyên tắc phải bảo toàn các lợi ích quốc gia về tài nguyên và môi trường hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, phúc lợi xã hội và phúc lợi sinh thái.
Góp ý về Bộ tiêu chí, ông Vinh cho rằng, Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường tại di tích không nên lặp lại những vấn đề môi trường nói chung, mà cần đi sâu vào vấn đề liên quan mật thiết tới di tích. Ngoài những tiêu chí chung, cần tham chiếu đến những trường hợp di tích đặc biệt. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí cần đảm bảo có những phương án linh hoạt cho từng trường hợp. “Ví dụ, tại các di tích gắn với lễ hội, tần suất du khách tham gia không ổn định, có những thời điểm lên đến hang vạn, nhưng có lúc lại chỉ có vài chục người. Nếu đưa ra tiêu chí là “đảm bảo đủ nhà vệ sinh cho du khách” thì không khả thi. Trong những trường hợp đó cần có những phương án linh hoạt, ví dụ sử dụng nhà vệ sinh lưu động…” – ông Vinh bày tỏ.
Cũng theo đề xuất của Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ tiêu chí cũng cần tính đến những yếu tố khác nhau giữa di tích “sống” (như những khu phố cổ, đô thị cổ…) và di tích “chết” chỉ dành cho khách đến thăm quan (như Thánh địa Mỹ Sơn) để đưa ra những tiêu chí phù hợp.
Mặc dù đánh giá cao việc xây dựng Bộ tiêu chí này, tuy nhiên theo một số đại diện đến từ Mỹ Sơn, Thành Cổ Quảng Trị, Tràng An (Ninh Bình), những di tích tại các địa phương này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu áp dụng Bộ tiêu chí nói trên bởi còn tồn tại các vấn đề chưa có giải pháp như: thiếu nước sinh hoạt cho người dân sống trong khu vực xung quanh di tích, rừng bao quanh di tích còn quá nhiều bom mìn, dân số đông đúc dẫn đến quá tải về nước sinh hoạt và rác thải…
Bên cạnh đó, đại diện Ban quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị bày tỏ sự băn khoăn khi Bộ tiêu chí chưa nêu rõ cơ chế tài chính để thực hiện việc bảo vệ môi trường tại di tích, đảm bảo đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí này sẽ được lấy từ nguồn nào?
Ngoài ra, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa đề xuất, Bộ tiêu chí này nên mở rộng đối với các di tích cấp tỉnh, chứ không chỉ dành riêng cho di tích cấp quốc gia trở lên như theo dự thảo. Đồng thời, nên xây dựng thêm nội dung “Tổ chức thực hiện như thế nào?” để đảm bảo công tác này được triển khai nghiêm túc và có sự phân cấp hợp lý.
Bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm và đóng góp ý kiến nhiệt tình của các đại biểu, TS. Từ Mạnh Lương khẳng định: “Chúng tôi chưa đạt ra vấn đề công nhận Nhãn Di sản xanh bởi để làm được điều này cần có những tiêu chí cụ thể cho từng loại di tích khác nhau. Trước hết, quan điểm của chúng tôi là mong muốn các di tích triển khai áp dụng bộ tiêu chí bảo vệ môi trường cho tốt đã”. Ông Lương cũng cho biết, dựa trên những đóng góp của đại biểu, đơn vị xây dựng Bộ tiêu chí sẽ đưa ra những tiêu chí bắt buộc và tiêu chí khuyến khích, trong đó tiêu chí bắt buộc là những yêu cầu bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật Môi trường và Thông tư 19.
Lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đơn vị này sẽ kết hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin hoàn thiện Bộ tiêu chí, đồng thời đề xuất với Bộ VHTTDL ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để các địa phương thực hiện ngay trong mùa lễ hội 2015. Trong quá trình thực hiện, Bộ tiêu chí sẽ tiếp tục được lấy ý kiến, bổ sung, đánh giá và hoàn chỉnh để áp dụng trong những năm tiếp theo. “Trước mắt, những vấn đề về nhà vệ sinh đạt chuẩn, thu gom rác, nước thải, xử lý tiếng ồn tại những khu di tích mang tính tâm linh, đốt vàng mã đúng nơi quy định….cần được ưu tiên giải quyết để tạo sự chuyển biến tích cực trong mùa lễ hội sắp tới. Bộ VHTTDL sẽ thành lập những đoàn kiểm tra kết hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Cục Di sản văn hóa để thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các di tích” – ông Lương cho hay./.