Lãnh đạo hội tham gia truyền hình thực tế về vai trò của trí thức khoa học – công nghệ trong bảo vệ môi trường của thông tấn xã việt nam
(VACNE) - Sáng ngày 31/10/2024, tại Trường quay của Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức buổi truyền hình thực tế, với Chuyên mục góc nhìn VNEWS về “Vai trò của trí thức khoa học – công nghệ trong công cuộc bảo vệ môi trường”. Tham gia buổi truyền hình có Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, Tiến sĩ Trần Văn Miều và người dẫn Chương trình Nguyễn Đoàn Duyên (Ảnh: Tư liệu của Liên hiệp Hội Việt Nam).
Trong buổi truyền hình thực tế này, Tiến sĩ Trần Văn Miều đã trao đổi 4 nội dung sau:
1. Những kết quả nổi bật của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – Tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH):
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) là thành viên tập thể của Liên hiệp Hội Việt Nam, được thành lập vào ngày 23/11/1988 theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Hội đã tập hợp đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong những năm qua, đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ của VACNE đã tham gia tích cực vào những hoạt động sau: (i) Truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Dân cư ở nông thôn và đô thị, Trường học, Tôn giáo về môi trường và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học; (ii) Nghiên cứu các đề tài làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn trong phát huy vai trò của các cộng đồng trong BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (iii) Tham gia xây dựng luật và sửa luật có liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam,…; (iv) Tổ chức các sự kiện truyền thông BVMT như: “Vì môi trường xanh quốc gia” được tổ chức từ năm 2012 đến nay; Triển lãm khoa học – công nghệ BVMT; Giờ Trái Đất; Trường học và cơ sở y tế xanh (2017-2018)…; (v) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học. Điển hình là cuộc thi của học sinh về bảo vệ tài nguyên nước và Cây Di sản Việt Nam; (vi) Các cơ quan báo chí của VACNE như: Tạp chí Điện tử Thiên nhiên và Môi trường, Trang Website, YoTube thường xuyên cung cấp thông tin, kiến thức về BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH cho cộng đồng; (vii) Đã xuất bản nhiều ấn phẩm có liên quan đến lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học; (viii) Đội ngũ trí thức của VACNE và VACNE địa phương, ngành, trường học đã tham gia tốt vào công tác phản biện xã hội, giám sát, tư vấn, tham vấn, đánh giá tác động môi trương của các dự án, đề án; (ix) Đội ngũ trí thức của VACNE đã tham gia các hội đồng tư vấn của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan đến lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó có những vấn đề mới như: Kinh tế xanh, Tăng trưởng xanh, Kinh tế tuần hoàn và an ninh phi truyền thống; (x) VACNE đã có sáng kiến tổ chức sự kiện Bảo tồn và Phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, VACNE đã công nhận trên 8.000 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam, với 145 loài, ở 57 Tỉnh/ Thành trong cả nước; (xi) Hợp tác quốc tế: VACNE đã có mối quan hệ hợp tác với các tổ chức môi trường của Liên hợp quốc, các nước như: Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Vương quốc Anh,…Hợp tác quốc tế đã hỗ trợ VACNE có thêm nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH.
2. Đội ngũ trí thức của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia vào bảo vệ môi trường trong phát triển nông nghiệp bền vững:
Như trên đã trình bày, VACNE đã có nhiều hoạt động liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó có lĩnh vực BVMT nông thôn và nông nghiệp. Cụ thể là: nghiên cứu đề tài khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên trong xây dựng nông thôn mới (2018-2019); Nghiên cứu đánh giá vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (2016-2017); nghiên cứu quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn; nghiên cứu đề xuất các giải pháp xây dựng môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp (2016-2020)…
Hoạt động chuyển giao khoa học – công nghệ cho cộng đồng ở nông thôn có chuyển biến tích cực. Song vẫn bộc lộ những khoảng trống sau: Còn có khoảng cách giữa nghiên cứu lý luận và nghiên cứu ứng dụng, các đề tài nghiên cứu chưa được các cộng đồng Doanh nghiệp sử dụng vào phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững. Việc phối hợp giữa nhà Khoa học, nhà Doanh nghiệp, Nhà nước còn thiếu đồng bộ, biểu hiện kết quả nghiên cứu rất ít được chuyển giao cho nhà Doanh nghiệp ứng dụng.
Hoạt động khoa học – công nghệ cho nông thôn còn có những nút thắt. Đó là: Chưa phát huy được tiềm năng của đội ngũ trí thức và chưa đáp ứng nhu cầu cao của các cộng đồng, nhất là cộng đồng vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
3. Công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học:
Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên, trong đó có Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có những hoạt động nhằm xã hội hóa công tác BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH. VACNE đã thành công lớn trong xã hội hóa hoạt động Bảo tồn và Phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam. Đây là hoạt động của cộng đồng, do cộng đồng và ví cộng đồng. Các cộng đồng đã chủ động, tự chủ trong xây dựng Bia công nhận, tổ chức Lễ công nhận và thành lập Ban bảo vệ Cây Di sản Việt Nam.
4. Vấn đề quản lý rác thải và nước thải y tế:
Như trên đã đề cập, năm 2017 và 2018, VACNE đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu đánh giá “cơ sở y tế xanh”. Các tiêu chí được xem xét bao gồm: Cây xanh ở khuôn viên và trong phòng; xây dựng cở sở y tế sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn; xây dựng cơ sở y tế thân thiện với người bệnh và người nhà bệnh nhân; công tác quản lý rác thải và nước thải y tế.
Nhìn chung, các cơ sở y tế đã có những hoạt động đảm bảo yếu tố sáng, xanh, đẹp, thân thiện. Riêng về quản lý rác thải và nước thải y tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở y tế, nhất là cơ sở ở cấp huyện và cấp cơ sở còn thiếu trang thiết bị để thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển rác thải y tế. Phần lớn các cơ sở ý tế, nhất là ở cấp cơ sở thiếu kinh phí để thuê đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý rác thải y tế.
Các cơ sở y tế cấp huyện và cơ sở xây dựng chưa đồng bộ hệ thống quản lý nước thải y tế. Hệ thống cống, rãnh, hố ga xây dựng chưa đúng quy chuẩn. Phần lớn cơ sở cấp huyện và cấp cơ sở chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải y tế hợp vệ sinh./.