quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Lãnh đạo Hội Bảo vệ TN&MT VN (VACNE) tham gia Hội nghị Phát triển Bền vững Quốc gia lần thứ III

Thứ Sáu, 07/01/2011 | 02:16:00 PM

Ngày 6/1/2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Phát triển Bền vững Quốc gia lần thứ III. GS Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch VACNE - đã thay mặt Hội trình bày tham luận "Phát triển của nước ta còn thiếu bền vững về mặt môi trường".




Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3: Cần lồng ghép các nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên môi trường trong các quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành

Hội nghị Phát triển Bền vững Quốc gia lần thứ III đã được tổ chức long trọng ngày 6/1/2011 tai Trung tâm Hội nghị Quốc tế, do Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.

Buổi sáng song song tiến hành 4 diễn đàn:

- Diễn đàn phát triển bền vững về kinh tế;
- Diễn đàn phát triển bền vững về xã hội;
- Diễn đàn phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường;
- Diễn đàn giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Buổi chiều họp phiên toàn thể, Bộ KH&ĐT trình bày 2 báo chính là Báo cáo tổng kết thực hiện Định hướng Chiến lược PTBV ở Việt nam giai đoạn 2005-2010 và Báo cáo Dự thảo Định hướng PTBV giai đoạn 2011-2020.

Trong Hôi nghị đã có nhiều đại diện các Bộ/ngành và tổ chức xã hội, quốc tế trình bày tham luận . GS Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch VACNE - đã thay mặt Hội VACNE trình bày tham luận "Phát triển của nước ta còn thiếu bền vững về mặt môi trường", Hội nghị đã nhiệt liệt hoan nghênh tham luận của Hội VACNE.

Dưới đây là toàn văn bài Tham luận của VACNE.


THAM LUẬN CỦA VACNE
Tại Diễn đàn Phát triển bền vững về Tài nguyên và Môi trường,
ngày 6 tháng 1-2011
 

PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC TA
CÒN THIẾU BỀN VỮNG VỀ MẶT MÔI TRƯỜNG
GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng
PCT. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Định hướng Chiến lược Phát triển Bền vững ở Việt nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt nam) đã được ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 153/2004/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 8 năm 2004. Trọng định hướng PTBV này đã đưa ra 9 lĩnh vực sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT và kiểm soát ô nhiễm cần ưu tiên nhằm PTBV, nhưng chưa xác định cụ thể các chỉ tiêu PTBV về môi trường là gì và đến năm 2010 sẽ đạt được như thế nào.
Tuy vậy, trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2006-2010, đã được Quốc Hội khóa 11 thông qua theo Nghị quyết số 56/2006/QH11, đã lồng ghép định hướng chiến lược phát triển bền vững và đã đưa ra một số chỉ tiêu phát triển bền vững về KT-XH và môi trường.
Thay mặt cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN, với chức năng tư vấn và phản biện xã hội, chúng tôi xin có một số ý kiến đánh giá về thực trạng PTBV ở nước ta theo các chỉ tiêu đã được đề ra trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2006-2010 như sau đây.
v      Về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH đến nay cho thấy rằng: mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009, nhưng rất nhiều chỉ tiêu phát triển về kinh tế và xã hội của nước ta, như là GDP bình quân trên đầu người, cơ cấu kinh tế giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP, tăng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ phát triển dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị, v.v... đều đã hoặc có triển vọng đạt được hay vượt chỉ tiêu đặt ra.
v      Về chỉ tiêu bền vững về mặt môi trường
Cần phải khẳng định rằng các hoạt động BVMT ở nước ta trong 5 năm qua ngày càng sôi động hơn, đi vào chiều sâu hơn, có hiệu quả hơn, từ việc xây dựng ban hành các chính sách, văn bản pháp luật được hoàn thiện hơn, xây dựng và phát triển tổ chức quản lý môi trường được tăng cường hơn, các hoạt động ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường ngày càng có hiệu quả hơn, đầu tư ngân sách cho công tác BVMT tăng lên ..., đến việc huy động toàn dân tham gia công tác BVMT đã có nhiều tiến bộ. Những thành tựu về công tác BVMT là to lớn và đáng khích lệ.
Các báo cáo tham luận của các Bộ/Ngành có liên quan đã nêu rõ các thành tựu này.
Cho nên ở đây chúng tôi chỉ nêu các vấn đề tồn tại, với mong muốn là 1 tiếng chuông báo động để chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu BVMT và PTBV mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra.
Bảng dưới đây nêu cụ thể các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường của kế hoạch phát triển KT-XH 2006-2010 và tình hình thực hiện.
Chỉ tiêu BVMT 2006-2010
TT
Loại chỉ tiêu
Chỉ tiêu kế hoạch
 Kết quả thực hiện*
1
Tỷ lệ đất được che phủ rừng
42-43%
39,5% (chưa kể chất lượng rừng giảm sút nhiều)
2
Tỷ lệ số dân được cấp nước sạch ở đô thị/nông thôn
95%/75%
85%/70% (trong đó quá nửa nước sinh hoạt nông thôn chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh)
3
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường
> 50%
Không có số liệu, nhưng đánh giá gần đúng là không đạt chỉ tiêu đặt ra
4
Tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị loại 3 trở lên
100%
3-5% (gần đúng)
5
Tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị loại 4 trở xuống
50%
0%
6
Tỷ lệ các KCN/KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung
100%
50%
7
Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt toàn quốc
85%
82%
8
Tỷ lệ thu gom chất thải y tế, chất thải CN nguy hại toàn quốc
100%
80%
9
Tỷ lệ xử lý cơ sở ô nhiễm theo Quyết định 64 của Thủ tướng
70%
74%
 * - Theo số liệu của dự thảo Báo cáo Môi trường Việt Nam năm 2010.
Chỉ tiêu BVMT năm 2009
TT
Loại chỉ tiêu
Chỉ tiêu kế hoạch
Kết quả thực hiện*
1
Tỷ lệ cung cấp nước hợp vệ sinh cho dân số nông thôn
79%
70%
2
Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch
85%
70%
3
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý
65%
67,2%
4
Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom
82%
60%
5
Tỷ lệ chát thải nguy hại được xử lý
65%
65%
6
Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý
75%
-     Các bệnh viện tuyến TW là 97%
-     Các bệnh viện tuyến tỉnh/huyện là 75,3%
7
Tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường
65%
Không có số liệu, nhưng đánh giá gần đúng là không đạt
8
Tỷ lệ che phủ rừng
39,8%
39,1%
          * - Theo số liệu của Vụ Kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường
          Xem xét số liệu của bảng trên ta thấy rất nhiều chỉ tiêu BVMT 2006-2010 chưa đạt yêu cầu.

 


v.     
Chất lượng môi trường nước ta vẫn theo xu hướng ngày càng suy giảm
Tuy rằng trong 5 năm qua công tác BVMT ở nước ta đã có nhiều tiến bộ hơn, thành tích đạt được là đáng ghi nhận, nhưng chưa theo kịp với tốc độ gia tăng nguồn thải ô nhiễm môi trường phát sinh từ các họat động phát triển KT-XH tăng trưởng nhanh, cho nên không những chưa ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên, mà một số vấn đề môi trường ở một số nơi còn có xu hướng trầm trọng hơn.
- Môi trường không khí, môi trường nước (nước mặt lục địa, nước biển ven bờ) bị ô nhiễm hơn.
Môi trường nước mặt ở gần hầu hết các đoạn trung lưu và hạ lưu của các hệ thống sông chính của nước ta, đặc biệt là hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, hệ thống sông Cầu, hệ thống sông Nhuệ - Đáy và các sông, hồ nội thành ở các đô thị lớn, đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ (BOD5, COD, tổng N, tổng P,.v.v...), một số đoạn sông đã ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, cá biệt có đoạn sông đã trở thành đoạn sông “chết”.
Úng ngập ở nhiều đô thị ở tình trạng nghiêm trọng.
Chất lượng không khí ở các đô thị nước ta ngày càng suy giảm, đặt biệt là ô nhiễm bụi PM10 và TSP, vào loại ô nhiễm nhất nhì trên thế giới.
- Chất thải rắn luôn là vấn đề bức xúc
Tỷ lệ chất thải rắn ở các thành phố được thu gom còn thấp, phần lớn xử lý CTR chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vệ sinh môi trường, đặc biệt là đối với chất thải y tế và chất thải công nghiệp nguy hại; công nghiệp tái chế, tái sử dụng chất thải còn manh mún.
Chất thải rắn ở các thị trấn, thị tứ , ở các làng nghề và vùng nông thôn chưa được quan tâm thu gom và xử lý đúng mức, hầu hết các địa phương này đều chưa có quy hoạch các bãi xử lý CTR lâu dài.
- Đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái, tai biến thiên nhiên ngày các khốc liệt
Số lượng các loài bị đe dọa diệt chủng hay có nguy cơ diệt chủng ngày càng tăng. Tuy tỷ lệ diện tích đất có rừng che phủ tăng lên, nhưng chất lượng rừng suy giảm nghiêm trọng, nhất là rừng tự nhiên. Chức năng hệ sinh thái tự nhiên của nhiều hệ sinh thái của nước ta bị xâm hại nghiêm trọng. Tổng diện tích rừng ngập mặn hiện nay so với năm 1990 chỉ còn khoảng 60%, so với năm 1943 chỉ còn khoảng 37%. Hiện nay 80% số rạn san hô của nước ta thuộc tình trạng xấu, số rạn san hô thuộc loại tốt trong thời kỳ 1994-1997 là 40%, trong thời kỳ 2004-2007 chỉ còn khoảng 15%. Tổng diện tích thảm cỏ biển hiện nay so với trước năm 1990 đã giảm đi 40-60%.
Tai biến thiên nhiên diễn biến phức tạp, ngày càng tăng về cường độ và tần suất xảy ra, như là sụt lở đất, xói lớ bờ biển, bờ sông, lũ quét, lũ ống, ngập lụt, hạn hán ..., gây ra các thiệt hại rất lớn về người, về của và về tài nguyên và môi trường.
v      Xác định nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục
Có thể nêu ra một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phát triển thiếu bền vững như sau đây, và khi chúng ta xác định đúng các nguyên nhân chủ yếu thì sẽ tìm ra được các giải pháp phù hợp.
1.     Trong việc chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các Bộ/Ngành và các địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu phát triển bền vững về mặt môi trường, quan tâm nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế nhanh. Bảo vệ môi trường và PTBV được xác định rất rõ ràng trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng hành động thực tế chưa được tiển khai thực hiện như vậy.
2.     Chính sách và cơ chế quản lý môi trường còn một số vấn đề chưa phù hợp, chưa thực tế và mâu thuẫn với nhau; Thực hiện chính sách và pháp chế còn nhiều hạn chế, như là thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với một số dự án đầu tư lớn còn sơ sài, có dự án đầu tư đã khởi công rồi mới thực hiện ĐTM; Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với các dự án quy hoạch phát triển còn mang tính hình thức, kinh phí đầu tư cho ĐMC chỉ bằng khoảng 1/10-1/5 nhu cầu thực tế; Quy định Ban Quản lý các KCN được ủy quyền thẩm duyệt báo cáo ĐTM và quản lý môi trường trong KCN là chưa phù hợp với quy định của Luật BVMT; Chính sách cho nhập phế liệu còn nhiều sơ hở; Chủ trương cho chuyển đổi đất rừng nghèo thành đất rừng sản xuất và cho người nước ngoài thuê đất rừng dài hạn là thiếu thận trọng; Chưa quan tâm thích đáng đến sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; Chính sách thuế và phí môi trường chưa hoàn chỉnh; Chưa có quy định cụ thể về xác định đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra v.v...
3. Quản lý tài nguyên và môi trường ở nước ta còn thiếu tập trung và chồng chéo, như là 7 Bộ cùng có chức năng và nhiệm vụ tham gia quản lý tài nguyên và môi trường quốc gia; Công tác quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra môi trường còn bất cập,v.v...
4. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất  còn thiếu căn cứ khoa học và môi trường, như xếp rừng khộp vào loại rừng nghèo kiệt để chuyển đổi thành đất trồng cao su, hoặc chuyển đổi đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa) rất lớn thành đất xây dựng công nghiệp, xây dựng đô thị và phát triển giao thông vận tải, đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong điều kiện BĐKH hiện nay. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, diện tích đất trồng lúa trên toàn quốc năm 2010 đã giảm 378,7 nghìn ha so với năm 2000. Dự báo từ nay đến năm 2030, nhu cầu chuyển đất trồng lúa sang các mục đích sử dụng khác tiếp tục tăng thêm khoảng 500 nghìn ha.
5. Đầu tư cho công tác BVMT còn hạn chế, sử dụng 1% ngân sách cho kinh phí sự nghiệp môi trường ở nhiều địa phương còn chưa hiệu quả, có địa phương còn sử dụng nguồn kinh phí này cho việc khác.
6. Nhiều chỉ tiêu về BVMT đặt ra trong kế hoạch phát triển KT-XH còn mang nặng tính mong muốn, chưa xem xét đầy đủ về cơ sở khoa học, kỹ thuật, kinh tế và điều kiện thực tế, cũng như chưa kèm theo các biện pháp cụ thể để bảo đảm đạt được các chỉ tiêu đề ra, nói chung một số chỉ tiêu đặt ra còn thiếu tính khả thi .
7. Việc nâng cao vai trò của cộng đồng  trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cụ thể là bảo đảm thông tin, tạo điều kiện cho sự tham gia, bình đẳng về pháp luật và tăng cường năng lực cho cộng đồng còn chưa được chú ý thỏa đáng. Đặc biệt là ý thức trách nhiệm BVMT của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều bất cập.
v      Kiến nghị
Để đảm bảo phát triển của nước ta trong các năm tới đạt được tính bền vững về mặt môi trường, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ và UBND các tỉnh/thành:
-          Chỉ đạo mạnh mẽ việc lồng ghép định hướng phát triển bền vững trong xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015), xây dựng các chỉ tiêu bền vững về môi trường cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các chỉ tiêu này; Ngoài việc lấy ý kiến đóng góp của các bộ/ngành, các tổ chức chính trị, đề nghị tiến hành lấy ý kiến đóng góp cúa các Hội KH&KT tài nguyên và môi trường đối với kế hoạch phát triển KT-XH về các chỉ tiêu phát triển bền vững;
-          Tập trung chỉ đạo các bộ/ngành có liên quan và các địa phương thực hiện các biện pháp khắc phục nhanh chóng các yếu kém - các nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng phát triển thiếu bền vững đã nêu ở trên.
 
 
Hà Nội, ngày 9 tháng 12 năm 2010
 
 
 

Lượt xem: 1268

Các tin khác

Đã có gần 90 tác phẩm tham dự cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam

(10/05/2024 11:05:AM)

Chủ tịch VACNE tiếp Đoàn Công ty sinh học BJC của Hàn Quốc

(09/05/2024 01:32:PM)

Miền Bắc đón không khí lạnh từ sáng sớm mai

(07/05/2024 07:14:PM)

Toàn Hội nỗ lực hoàn thành kế hoạch hoạt động 6 tháng đầu năm 2024

(05/05/2024 11:54:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 4/2024

(02/05/2024 09:52:AM)

Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu cho Công ty Xăng Dầu An Giang

(26/04/2024 10:11:AM)

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE